Canada: Đàm phán Hiệp định NAFTA đạt nhiều tiến bộ vững chắc

Trưởng đoàn đàm phán của Canada về Hiệp định NAFTA Steve Verheul cho biết các bên đạt tiến bộ tốt và vững chắc" trong vòng đàm phán thứ 3.
Canada: Đàm phán Hiệp định NAFTA đạt nhiều tiến bộ vững chắc ảnh 1Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland và Bộ trưởng Kinh tế Mexico Idelfonso Guajardo tại cuộc họp báo ở Mexico City ngày 5/9. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trưởng đoàn đàm phán của Canada về Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) Steve Verheul cho biết các bên "đã đạt tiến bộ tốt và vững chắc" trong vòng đàm phán thứ 3 diễn ra trong 5 ngày (từ 23-27/9) tại thủ đô Ottawa của Canada.

Phát biểu với báo giới sau ngày đàm phán thứ hai, ông Verheul cho biết "đàm phán đang diễn ra nhanh chóng, trên tinh thần xây dựng và đạt tiến độ vững chắc," song nhấn mạnh rằng "kết cục cuộc chơi luôn là phần khó khăn nhất và không thể dự đoán."

Ông không kỳ vọng Mỹ sẽ đưa ra đề xuất chi tiết tại vòng đàm phán hiện nay về các vấn đề lớn như giải quyết tranh chấp, lĩnh vực sữa và các quy định nghiêm ngặt hơn đối với xe ôtô.

Tuy nhiên, ông cho biết không có dấu hiệu nào cho thấy đoàn đàm phán của Mỹ sẽ rời bàn đàm phán, đồng thời bày tỏ hy vọng các bên sẽ đạt tiến bộ trong các vòng đàm phán tiếp theo. Theo kế hoạch, sẽ có 7 vòng đàm phán về NAFTA.

[Khai mạc vòng 3 tái đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ]

Cùng ngày, các nhà ngoại giao giấu tên của Mỹ cho biết tại vòng đàm phán này, các nhà đàm phán Mỹ sẽ đưa ra một phần văn bản sửa đổi chương 11 của NAFTA, một chương quan trọng về giải quyết tranh chấp đầu tư.

Theo các nguồn tin trên, hiện chính quyền Mỹ vẫn đang tham vấn các bên liên quan, trong đó có các doanh nghiệp, về vấn đề này. Các nhà ngoại giao này cũng tỏ ra thận trọng về khả năng hoàn tất đàm phán vào cuối tháng 12 tới.

Chương 11 của NAFTA cho phép một nhà đầu tư từ một trong 3 nước thành viên kiện một chính phủ thành viên đối xử không công bằng với mình.

Trong khi các nghiệp đoàn, hiệp hội muốn chính quyền duy trì chương 11, một số nghị sĩ Mỹ cho rằng chương này vi phạm chủ quyền quốc gia khi cho phép các nhà đầu tư nước ngoài kiện Chính phủ Mỹ về các quy định pháp luật hiện hành.

Canada đề xuất một sự dàn xếp tương tự như cách giải quyết tranh chấp trong thỏa thuận thương mại tự do giữa Canada với Liên minh châu Âu (EU), theo đó lập một tòa án đầu tư thường trực để giải quyết các tranh chấp này.

Hiện Canada đang chịu sức ép phải mở cửa hơn nữa thị trường sữa của mình cho các nhà sản xuất sữa và pho mát của Mỹ. Lĩnh vực này vốn không được quy định cụ thể trong thỏa thuận NAFTA hiện tại.

Trên thực tế, từ những năm 1970, Chính phủ Canada áp đặt hạn ngạch sản xuất và giá đối với sữa, khiến người tiêu dùng phải trả giá cao hơn nhưng giúp cho các nhà sản xuất có thu nhập ổn định.

Các quy định này, cũng như các khoản thuế rất cao nhằm hạn chế nhập khẩu sữa, đã nhiều lần vấp phải những ý kiến kêu gọi hủy bỏ, nhất là khi Canada tiến hành các cuộc đàm phán thỏa thuận thương mại mới.

Trong thỏa thuận thương mại mới nhất với EU, Canada đã điều chỉnh mở cửa thị trường sữa nội địa của mình. Hiện Mỹ và Mexico cũng đang gây sức ép để Canada làm điều tương tự tuy chưa đưa ra đề nghị chính thức.

Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích các hạn chế nhập khẩu của Canada đang gây khó khăn cho các nhà sản xuất sữa ở New York và Wisconsin.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng nguồn cung sữa toàn cầu dư thừa khi người tiêu dùng giảm mua sữa bò và chuyển sang dùng đậu nành hoặc sữa hạnh nhân.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau cương quyết bảo vệ ngành công nghiệp sữa của nước nhà, viện dẫn con số thặng dư thương mại về sữa của Mỹ với Canada.

NAFTA là hiệp định thương mại giữa Mexico, Mỹ và Canada, có hiệu lực từ ngày 1/1/1994. Theo thống kê, trao đổi thương mại giữa 3 quốc gia Bắc Mỹ đạt trên 1.300 tỷ USD vào năm 2016.

Các cuộc tái đàm phán NAFTA được tiến hành theo đề nghị của Tổng thống Trump với lý do hiệp định 23 năm tuổi này cướp đi hàng triệu việc làm của người lao động Mỹ và cho phép Canada, Mexico đạt được nhiều lợi thế trong khi gây tổn hại cho nền kinh tế Mỹ.

Tổng thống Trump muốn có được thỏa thuận cuối cùng vào cuối năm nay theo đúng cam kết đề ra khi tranh cử. Mexico cũng muốn nhanh chóng kết thúc đàm phán trước cuộc bầu cử tổng thống vào năm sau.

Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có bên nào sẵn sàng đưa ra nhượng bộ cần thiết để có thể thực sự tạo được đột phá và đẩy nhanh hơn tiến độ đàm phán./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục