Chủ nghĩa bảo hộ có thể khiến Mỹ bị thiệt hại hơn 400 tỷ USD mỗi năm

Các biện pháp bảo hộ mậu dịch do Tổng thống Mỹ Donald Trump đề xuất có thể gây ra thiệt hại nặng nề cho Mỹ khi có thể làm giảm 2,3% (415 tỷ USD) Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng năm của Mỹ.
Chủ nghĩa bảo hộ có thể khiến Mỹ bị thiệt hại hơn 400 tỷ USD mỗi năm ảnh 1(Nguồn: AFP/TTXVN)

Kết quả nghiên cứu của Viện Bertelsmann công bố ngày 13/9 cho thấy các biện pháp bảo hộ mậu dịch do Tổng thống Mỹ Donald Trump đề xuất có thể gây ra thiệt hại nặng nề cho Mỹ và nền kinh tế toàn cầu.

Theo kịch bản xấu nhất, chính sách “nước Mỹ trên hết” có thể làm giảm 2,3% (415 tỷ USD) Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng năm của Mỹ trong dài hạn.

Viện Bertelsmann có trụ sở tại Guetersloh đã thuê Viện Nghiên cứu Kinh tế Ifo danh tiếng đánh giá những tác động của các rào cản thuế quan và phi thuế quan mà ông Trump áp dụng trong thương mại quốc tế.

Theo kịch bản nhẹ nhàng nhất, trong đó Washington chỉ tiến hành đàm phán lại những thỏa thuận nền tảng của Hiệp định Khu vực mậu dịch tự do Bắc Mỹ (NAFTA), thu nhập bình quân đầu người thực tế hàng năm vẫn giảm 0,2% (tương đương 125 USD).

[Kinh tế Mỹ bất ngờ chạm mục tiêu tăng trưởng 3% của Tổng thống Trump]

Canada là nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ những thay đổi NAFTA, với mức thiệt hại 1,5% thu nhập bình quân thực tế (730 USD/năm) đối với mỗi người dân. Về tổng thể, GDP của Canada có thể giảm 26 tỷ USD, so với mức giảm 40 tỷ USD đối với Mỹ.

Ngược lại, các nước khác có thể hưởng lợi từ mâu thuẫn thương mại giữa các thành viên NAFTA, bao gồm Canada, Mexico và Mỹ. Kim ngạch xuất khẩu hàng năm của Đức vào Mỹ có thể tăng 3,2%, trong khi đó GDP của Đức có thể tăng 1 tỷ USD.

Nếu chính quyền Mỹ lựa chọn một cách tiếp cận theo chủ nghĩa bảo hộ đối với tất cả các đối tác thương mại của mình, những thiệt hại về kinh tế sẽ lớn hơn rất nhiều. Việc tăng 20% các rào cản thuế quan và phi thuế quan đối với hàng nhập khẩu từ phần còn lại của thế giới sẽ làm giảm 40-50% kim ngạch xuất khẩu của Mỹ đến hầu hết các nước trên thế giới do những thua thiệt về khả năng cạnh tranh.

Diễn biến trên có thể được phản ánh bởi mức giảm 1,4% trong dài hạn đối với thu nhập bình quân đầu người (780 USD) và 250 tỷ USD đối với GDP. Nước Đức có thể bị thiệt hại 0,7% thu nhập bình quân đầu người (275 USD) và 22 tỷ USD đối với GDP.

Kết quả mô hình hóa tác động của các biện pháp trả đũa tương ứng đối với một chính sách bảo hộ như trên do Viện Bertelsmann tiến hành (với giả định các rào cản thuế quan và phi thuế quan tăng 20%) chỉ ra rằng GDP của Mỹ có thể bị giảm 415 tỷ USD. Thu nhập bình quân đầu người trên thực tế ở Mỹ giảm 2,3% (1.300 USD) so với mức giảm gần 4% (1.800 USD) ở Canađa và 0,4% (160 USD) ở Đức./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục