Chuyện về người thương binh vượt khó làm giàu ở vùng rốn lũ

Mang trong mình thương tật 41%, thương binh Từ Viết Bồng (sinh năm 1967), thôn An Thành, xã Quang Kim, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai đã nỗ lực không ngừng để phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.
Chuyện về người thương binh vượt khó làm giàu ở vùng rốn lũ ảnh 1Thiệt hại do mưa lũ tại Lào Cai. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Mang trong mình thương tật 41%, thương binh Từ Viết Bồng (sinh năm 1967), thôn An Thành, xã Quang Kim, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai đã nỗ lực không ngừng để phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương. Ông Từ Viết Bồng cũng là một cán bộ cơ sở gương mẫu tại địa phương.

Ông Từ Viết Bồng sinh ra và lớn lên tại mảnh đất rốn lũ Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Năm 1988, ông tham gia nghĩa vụ quân sự, đóng quân tại Tiểu đoàn 2 Bát Xát.

Hoàn thành nghĩa vụ trở về địa phương, năm 1991, ông Bồng làm công an viên và đến năm 1999 được cử làm Trưởng Công an xã Quang Kim.

Ông Bồng chia sẻ ngày 13/8/1996 có lẽ là ngày nhớ nhất trong cuộc đời ông. Trong một lần vây bắt tội phạm nguy hiểm có vũ khí, ông đã bị chúng dùng súng và lựu đạn chống trả. Mặc dù bị thương nhưng ông vẫn kiên quyết không cho chúng chạy thoát. Với sự hỗ trợ kịp thời của đồng đội, hai đối tượng nguy hiểm đều đã bị bắt giữ.

Sau vài tháng điều trị, ông được xuất viện với tỷ lệ thương tật 41%, được công nhận là thương binh hạng 2/4. Trở về cuộc sống đời thường, sức khỏe không còn như trước, ông gặp rất nhiều khó khăn, nhất là phải lo cho 6 miệng ăn trong nhà.

Ông Bồng suy nghĩ: “Mình đã từng là người lính, một cán bộ công an xã chẳng lẽ phải cam chịu cảnh đói nghèo." Từ suy nghĩ ấy, ông mạnh dạn nhận đất trồng rừng, đào ao thả cá, chăn nuôi gà vịt theo mô hình tổng hợp VACR (vườn-ao-chuồng-rừng). Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, những ngày đầu, ông tập trung chăn nuôi gà, lợn... lấy tiền trang trải cuộc sống cũng như tích lũy đầu tư trồng rừng và đào ao thả cá.

Hiện gia đình ông có hơn 1ha mặt nước nuôi cá, gần 6ha rừng trồng mỡ, keo... Mỗi năm, trừ chi phí, mô hình kinh tế tổng hợp này cho gia đình ông thu nhập khoảng trên 200 triệu đồng.

Kinh tế phát triển, ông có điều kiện nuôi các con ăn học đầy đủ. Hai con của ông đã tốt nghiệp đại học và đang công tác ở huyện Bát Xát. Năm 2016, chịu ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2, xã Quang Kim bị thiệt hại nặng nề về nông nghiệp, gia đình ông cũng bị ảnh hưởng đáng kể.

Nhờ sự giúp đỡ của người thân, bà con trong xóm, ông Bồng đã nỗ lực khắc phục hậu quả, tích cực gây dựng lại việc nuôi cá thương phẩm. Từ mô hình tổng hợp VACR của gia đình ông Bồng nhiều gia đình trong xã đã học tập, làm theo và vươn lên thoát nghèo.

Ngoài tập trung phát triển kinh tế, ông Bồng còn tích cực tham gia công tác xã hội. Hiện ông đang giữ chức Chủ tịch Hội Cựu chiến binh kiêm Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Quang Kim.

Trên cương vị của mình, ông tích cực tuyên truyền, vận động hội viên, bà con chấp hành tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, cùng với tập thể cấp ủy, chính quyền xã, ông Bồng đã góp phần không nhỏ trong việc vận động người dân góp tiền, ngày công để xã hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới năm 2013.

"Là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã, ông Bồng đã vận động các hội viên hiến hàng nghìn m2 đất để làm đường giao thông nông thôn, xây dựng các công trình phúc lợi khác," ông Trần Văn Ngọc, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Quang Kim cho biết.

Với những thành tích trong công tác cũng như phát triển kinh tế gia đình, ông Bồng đã được tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý như Huân chương Chiến công hạng Ba (năm 1996) cùng nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp ở địa phương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục