Đa số ý kiến người Hà Nội muốn hạn chế xe cá nhân và giành lại vỉa hè

Khảo sát của Viện Chiến lược và phát triển Giao thông Vận tải cho thấy, có tới 85% ý kiến đồng thuận với việc hạn chế phương tiện cá nhân, tập trung vào các quận nội thành.
Đa số ý kiến người Hà Nội muốn hạn chế xe cá nhân và giành lại vỉa hè ảnh 1Cơ sở hạ tầng giao thông không phát triển kịp với số lượng phương tiện giao thông tăng mạnh mẽ mỗi năm. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo ông Lê Đỗ Mười, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển Giao thông Vận tải, Viện đang cùng với Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội xây dựng đề án phát triển giao thông công cộng, hạn chế phương tiện cơ giới cá nhân.

“Qua khảo sát trực tiếp hơn 16.000 người thì có tới 85% ý kiến đồng thuận với việc hạn chế phương tiện cá nhân, tập trung vào các quận nội thành. 96% người được hỏi ủng hộ việc xử lý lấn chiếm vỉa hè. Đây là những con số rất đáng mừng, cho thấy nhận thức của người dân về vấn đề này đã có sự thay đổi rõ rệt,” ông Mười cho biết thông tin này tại buổi Tọa đàm "Vỉa hè - Chống ùn tắc và trách nhiệm công dân" vào ngày 24/3.

Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết, Sở đang cùng Viện Chiến lược và phát triển Giao thông Vận tải xây dựng đề án quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc giao thông và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, trong đó nêu rõ mục tiêu, yêu cầu và các biện pháp lâu dài, biện pháp cấp bách để giảm được phương tiện giao thông cá nhân.

“Muốn giảm ùn tắc, phải phát triển giao thông công cộng và hạn chế phương tiện giao thông cá nhân. Khi nào chúng ta làm được điều đó, mới giảm ùn tắc bền vững,” ông Viện nhấn manh.

Là người đã nhận khá nhiều “gạch đá” do đề xuất hạn chế, tiến tới loại bỏ xe máy ra khỏi thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh, tiến sỹ Lương Hoài Nam, chuyên gia giao thông thừa nhận, đến bây giờ người dân đã thuận hơn rất nhiều đối với đề xuất này.

“Tôi vô cùng cảm động khi Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cam kết dự kiến loại bỏ xe máy tại một số quận nội thành trong giai đoạn 2025-2030. Thành phố Hồ Chí Minh cũng sớm triển khai lộ trình như thế. Hai đầu tàu cả nước nên đồng hành tạo thế đẩy nhanh việc này,” ông Nam gợi ý.

[Hà Nội lên lộ trình cấm xe máy ngoại tỉnh vào khu vực nội đô]

Tuy nhiên, ông Nam cũng trăn trở khi cứ nói tới chuyện loại bỏ xe máy, bao giờ cũng nhận được câu trả lời “bao giờ có tàu điện ngầm thì tôi sẽ bỏ xe máy!” và theo ông đây là sự hiểu lầm cần được xóa bỏ. Tàu điện ngầm không thể thay thế xe máy.

“Để người dân tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh không còn nhu cầu sử dụng xe máy nữa? Câu trả lời chính là phải có đủ xe buýt. Tuy nhiên khi phát triển mạng lưới xe buýt lại nảy sinh vấn đề tranh chấp hạ tầng giao thông. Xe buýt và xe máy không thể chung sống hòa bình trên một làn đường. Chỉ nên chọn 1 loại phương tiện thôi. Muốn xe buýt phát triển phải có làn đường riêng,” tiến sỹ Nam nhìn nhận.

Đồng tình với việc hạn chế xe cá nhân, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, quản lý sử dụng phương tiện cá nhân có rất nhiều giải pháp, trong đó có cấm. Nhưng đừng để từ "Cấm" phủ đen tất cả các giải pháp khác.

“Trong đề án của Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cần nói rõ những chỗ nào cấm, đối tượng nào cấm. Nhưng đừng nhấn mạnh từ cấm, mang cái cấm ấy treo thành cái biển che mờ tất cả các giải pháp phía sau.... Nếu mà nói đến cấm, sẽ cấm xe máy đi trên đường Quốc lộ, vì đó là nguy cơ gây tai nạn giao thông rất cao,” ông Hùng nhấn mạnh.

Đánh giá nếu Hà Nội và các địa phương tổ chức được xe khách trong cự ly 100km mà vận hành như xe buýt thì xe máy sẽ giảm rất nhiều, ông Hùng giải thích bởi các xe nối đuôi nhau chạy như xe buýt sẽ giảm được nhiều bức xúc trong việc sắp xếp lốt xe, tranh giành giờ đẹp. Người dân cũng không vất vả chạy xe máy làm gì khi đi lại bằng xe buýt thuận tiện, giá rẻ.

Ủng hộ việc đưa xe buýt làm phương tiện trung tâm của giao thông công cộng trong thời gian tới, tuy nhiên, theo ông Nam, tăng trưởng xe buýt không nên đi theo hướng tăng đều đều từng năm, mà phải tăng theo nấc thang tái cấu trúc giao thông đô thị với những bước nhảy vọt, mới có thể thành công.

Mặt khác, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cũng nên nghiên cứu theo hướng lấy làn đường trong cùng để phát triển giao thông xe buýt. Kinh nghiệm từ các nước cho thấy, với mô hình hiện nay Hà Nội đang áp dụng, lấy làn ngoài cùng dành cho BRT sẽ rất khó thành công.

Liên quan vấn đề này, theo ông Viện, thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cùng Bộ Giao thông Vận tải triển khai hệ thống vận tải công cộng số lượng lớn. Hà Nội hiện có gần 100 tuyến buýt kết nối tất cả các vùng miền của thành phố. So với các tỉnh, thành phố khác, kể cả Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội vẫn tự hào có hệ thống xe buýt tương đối tốt.

“Cùng với việc xây dựng tuyến vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn, Hà Nội phải nâng cao chất lượng xe buýt, mở rộng mạng lưới và phạm vi hoạt động. Đến năm 2020, theo quy hoạch xe buýt phải đáp ứng 20-25% nhu cầu đi lại của nhân dân, hiện mới có 14-15%. Nhưng không chỉ phát triển về số lượng mà phải làm sao để hành khách hài lòng về chất lượng như xe buýt mới, chất lượng tốt, wifi miễn phí, nhân viên phục vụ tốt hơn, an toàn hơn,” ông Viện bày tỏ quan điểm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục