"Đau đầu" tìm đầu ra cho đặc sản quả hồng Đà Lạt

Người trồng hồng Đà Lạt đang “đau đầu” tìm đầu ra cho sản phẩm khi giá bán loại quả này liên tục bị tụt dốc trong những năm gần đây.
Sự kiện quả hồng Đà Lạt vừa được đưa vào Top đặc sản nổi tiếng giá trị Việt Nam là tin vui đối với nhiều người dân Lâm Đồng. Tuy nhiên, người trồng hồng nơi đây lại đang “đau đầu” tìm đầu ra cho sản phẩm khi giá bán loại quả này liên tục bị tụt dốc trong những năm gần đây, khiến nhiều người trồng đang quay lưng với cây hồng.

Lặng lẽ vườn hồng

Những vùng trồng hồng tập trung như Xuân Trường, Xuân Thọ (Đà Lạt), thị trấn Dran (Đơn Dương) đang bước vào chính vụ. Tuy nhiên, không khí mua bán rất ảm đạm. Vườn hồng của bà Nguyễn Thị Chính ngụ tại xã Trạm Hành 1, vùng ven của thành phố Đà Lạt đã đến kỳ thu hoạch. Nhưng đối với bà Chính, đây là mùa hồng buồn nhất trong 20 năm gắn bó với cây hồng, quả hồng năm nay lại tiếp tục rớt giá.

"Giá hồng trứng năm nay chỉ còn 3.500-4.500 đồng/kg, thấp hơn rất nhiều so với khoảng 10 năm trước” - bà Chính cho biết. Trước tình trạng giá quả hồng liên tục giảm, thị trường tiêu thụ không còn “hút” hàng nữa, nhiều hộ dân đứng trước cảnh “bỏ thì thương, vương thì tội.”

Nhiều hộ nông dân ở Đà Lạt như gia đình bà Chính đã gắn bó với cây hồng hàng chục năm và thu nhập chính cũng nhờ vào cây hồng. Nếu như khoảng 10 năm trước, với khoảng 60-70 cây hồng, hàng năm gia đình sẽ có thu nhập trên 100 triệu đồng. “Đó là những năm cây hồng lên ngôi, nhà nào trong vùng cũng đi tìm những giống hồng tốt nhất về nhân giống phát triển diện tích trồng. Bây giờ cả làng không ai trồng thêm nữa, chỉ để lại một ít cây trong vườn để gia đình ăn và làm kỷ niệm” - bà Chính kể trong tiếc nuối.

Không khí đóng gói hàng của vựa hồng Mai Mận, xã Trạm Hành 1 cũng lặng lẽ không kém. Chị Nguyễn Thị Mai, chủ vựa hồng, cho biết: "Những năm trước, một ngày, chúng tôi đưa về Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 10 tấn, năm nay chỉ còn 5 tấn, người tiêu dùng cũng không “ăn” nhiều nữa."

Xuôi theo con đường đèo trên quốc lộ 28, chúng tôi về thị trấn Dran của huyện Dơn Dương, đây là vùng tập trung cây hồng lớn nhất tỉnh Lâm Đồng trong nhiều năm qua. Không khí mua bán ở đây cũng khá im ắng. Ông Hà Văn Thông, ngụ thị trấn Dran, vừa là người trồng hồng vừa là người thu mua cũng cho rằng hiện giá quả hồng rất thấp, chỉ từ 5.000-7.000 đồng/kg với loại hồng đạt chất lượng như hồng vuông, hồng trứng láng. “Năm nay, do các tỉnh miền Trung gặp mưa lụt, hàng không bán được ra ngoài đó. Mỗi ngày chỉ xuất đi khoảng 1 tấn còn các năm trước xuất đi trên 5 tấn/ngày," ông Thông chia sẻ thêm.

Loay hoay tìm hướng ra

Câu chuyện về số phận cây hồng được làm sáng tỏ hơn khi chúng tôi tìm gặp ô ng Nguyễn Hữu Âu, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Trạm Hành. Ông cho biết: “Đúng là những năm gần đây, quả hồng mất mùa, nếu như 10 năm trước hồng có giá 10.000 đồng/kg, bây giờ mất giá chỉ còn khoảng 3.000 đồng/kg. Nông dân chặt bỏ cây hồng chuyển sang trồng càphê hoặc chỉ để lại một ít cây hồng trồng trong vườn càphê làm bóng mát.”

Theo số liệu thống kê của Chi cục thống kê Đà Lạt, nếu như năm 2010 có trên 523,5 ha cây hồng, năng suất đạt 133 tạ/ha, sản lượng đạt 6.717 tấn thì hiện tại giảm xuống còn 343,8 ha, năng suất 135 tạ/ha và sản lượng chỉ còn 4.592 tấn. Những con số này cho thấy diện tích, sản lượng cây hồng trong những năm gần đây liên tục giảm. Bên cạnh đó, theo các thương lái, thị trường tiêu thụ càng ngày bị thu hẹp, quả hồng chủ yếu cung cấp cho thị trường Thành phố Hồ Chí Minh còn các nơi khác hiện không tiêu thụ nhiều như những năm trước.

Những nguyên nhân trên làm quả hồng mất giá khiến những người nông dân không còn mặn mà với cây hồng và phải chặt bỏ hàng loạt. Mặt khác, trong khi thị trường tiêu thụ quả hồng tươi còn hạn chế, hiện tại, Lâm Đồng vẫn chưa có nhà máy chế biến hồng sấy khô hay các loại sản phẩm đa dạng khác để có thể tìm một hướng ra mới cho quả hồng. Bài toán tìm đầu ra cho quả hồng Đà Lạt còn nan giải hơn khi vấn đề liên kết tiêu thụ nông sản cũng còn khó khăn, bấp bênh, chưa được các bên quan tâm đúng mức.

Để quả hồng đặc sản có thị trường tiêu thụ ổn định rất cần có các chương trình xúc tiến quảng bá, đa dạng hóa sản phẩm, có chính sách cho sự phát triển bền vững. Đó cũng là mong muốn của người nông dân trồng hồng ở Lâm Đồng hiện nay./.

Đặng Tuấn (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục