Đối tác cam kết hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả bom mìn

Các đối tác khẳng định cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ nguồn lực, kinh nghiệm giúp Việt Nam khắc phục hậu quả bom mìn.
Đối tác cam kết hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả bom mìn ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Hội nghị đối tác phát triển khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh. (Ảnh: Đức Tám/TTXVN)

Ngày 14/3, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Nhà nước về Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tổ chức Hội nghị đối tác phát triển khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước về Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh (Chương trình 504); Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình 504; lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương; các vị Đại sứ, đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam tới dự.

Trải qua nhiều cuộc chiến tranh liên tục, đất đai và con người Việt Nam đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi số lượng bom mìn đã sử dụng. Trên 20% diện tích đất đai cả nước bị ô nhiễm bom mìn. Tai nạn do bom mìn vẫn xảy ra, gây thương vong cho con người, ảnh hưởng tiêu cực đến khai thác sử dụng tài nguyên đất, rừng, nước và đời sống nhân dân.

Mặc dù điều kiện còn rất nhiều khó khăn nhưng Chính phủ Việt Nam vẫn đặc biệt quan tâm nghiên cứu, xây dựng hệ thống thể chế quản lý, điều hành và đầu tư ngân sách, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác khắc phục hậu quả bom mìn.

Ngày 21/4/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 504/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010-2025 (gọi tắt là Chương trình 504) với mục tiêu huy động nguồn lực trong nước và quốc tế nhằm giảm thiểu và tiến tới khắc phục hoàn toàn ảnh hưởng của bom mìn phục vụ phát triển kinh tế-xã hội; bảo đảm an toàn cho nhân dân; giúp đỡ nạn nhân bom mìn hòa nhập vào đời sống xã hội. Trên cơ sở đó, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình 504 được thành lập.

Thời gian qua, Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình 504 đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành và triển khai điều phối các hoạt động trong lĩnh vực này; bước đầu xây dựng Nghị định về quản lý khắc phục hậu quả bom mìn; xây dựng, hoàn thiện các quy chế hoạt động, quy chế quản lý; triển khai xây dựng, hoàn thiện cơ chế vận động tài trợ, cơ chế điều phối; phát huy tốt chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo và Cơ quan Thường trực trong ký kết hợp tác song phương.

Hiện Việt Nam đã ký Bản ghi nhớ với Chính phủ Hoa Kỳ, với Trung tâm rà phá mìn nhân đạo quốc tế Geneva (GICHD) và Trung tâm Quốc tế (IC); thống nhất khung hợp tác với UNDP, hợp tác trong khuôn khổ ADMM+; hợp tác với Tổ chức NPA...

Bên cạnh đó, các cơ quan hữu quan đã triển khai xây dựng các đề cương, dự án khắc phục hậu quả bom mìn để vận động tài trợ nước ngoài; trao đổi, xúc tiến tài trợ với đại diện một số Chính phủ các nước; điều chỉnh biên soạn Bộ tiêu chuẩn khắc phục hậu quả bom mìn; hoàn thành phần thực địa dự án “Điều tra, lập bản đồ bom mìn toàn quốc”, hiện đã nhập xong dữ liệu của 49/63 tỉnh (kết quả có 7.645/8.683 xã bị ô nhiễm bom mìn); tổ chức triển khai một số dự án rà phá bom mìn tai các khu vực bị ô nhiễm nặng về bom mìn và tuyến biên giới.

Trong hai năm (2012 và 2013), trên cả nước đã tổ chức rà phá bom mìn được khoảng gần 100.000ha, cùng với đó đã đẩy mạnh tuyên truyền tạo sự đồng thuận trong nước và sự quan tâm của cộng đồng quốc tế; tổ chức sự kiện, chương trình truyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng; tổ chức hội nghị vận động tài trợ; tiếp tục triển khai các dự án hỗ trợ nạn nhân, giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn.

Phát biểu tại hội nghị, ông Samuel Perez, Phó Trợ ký Ngoại trưởng Hoa Kỳ; ông Stefano Toscan, Đại sứ, Giám đốc Trung tâm rà phá mìn nhân đạo quốc tế Geneva; Đại sứ Hungary, Đại sứ Na uy, Đại sứ Hàn Quốc... đã bày tỏ chia sẻ với Việt Nam - một trong những quốc gia trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề của bon mìn và vật nổ, đồng thời đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong khắc phục hậu quả bom mìn cũng như các cam kết quốc tế mà Việt Nam thực hiện liên quan đến công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh.

Các đối tác khẳng định cam kết mạnh mẽ sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam về nguồn lực, kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn, hỗ trợ nạn nhân bị ảnh hưởng của bom mình sau chiến tranh; đồng thời mong muốn nhận được sự phối hợp, hợp tác chặt chẽ của Việt Nam trong trao đổi thông tin, cung cấp dữ liệu, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế liên quan đến chương trình hành động về rà phá, khắc phục hậu quả bom mìn.

Các đối tác cũng tin tưởng, với sự ra đời của Trung tâm hành động bom mìn quốc gia Việt Nam sẽ tạo cơ hội để các đối tác hiểu thêm về những bước tiến, kế hoạch của Chính phủ Việt Nam trong việc triển khai thực hiện các nội dung của Chương trình khắc phục hậu quả bom mìn quốc gia và cũng tạo điều kiện để các đối tác phát triển hỗ trợ tốt hơn cho các hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn của Việt Nam, vì sự thành công của Chương trình 504 trong tương lai.

Thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kêu gọi Hoa Kỳ với lương tâm và trách nhiệm của mình, đóng góp nhiều hơn nữa, thiết thực hơn nữa, hiệu quả hơn nữa vào việc tìm kiếm, rà soát, làm sạch, khắc phục hậu quả bom mìn còn lại sau chiến tranh ở Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh gần 40 năm qua, Việt Nam đã được sống trong hòa bình nhưng hậu quả chiến tranh vẫn còn dai dẳng, nặng nề. Tình trạng bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh vẫn hiện hữu ở hầu hết các địa phương trong cả nước, ảnh hưởng đến sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, của mỗi địa phương và đã gây ra nhiều hậu quả thương tâm đối với cuộc sống của người dân.

Theo thống kê chưa đầy đủ, cả nước đã có trên 42 nghìn người chết và 62 nghìn người bị thương do bom mìn sót lại sau chiến tranh. Bình quân mỗi năm ở Việt Nam có trên 1.500 người chết và gần 2.300 người bị thương do bom mìn còn sót lại sau chiến tranh, trong đó có rất nhiều trẻ em.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm nghiên cứu, từng bước hoàn thiện hệ thống thể chế quản lý, điều hành và đầu tư kinh phí, chỉ đạo thực hiện công tác khắc phục hậu quả bom mìn.

Kết quả công tác khắc phục hậu quả bom mìn thời gian qua đạt được kết quả rất quan trọng. Hàng vạn ha đất đai đã được giải phóng khỏi bom mìn, vật liệu nổ; đã hoàn thành việc điều tra, lập bản đồ bom mìn; nhiều dự án rà phá bom mìn tại các khu vực bị ô nhiễm về bom mìn được triển khai thực hiện và đã đạt được một số kết quả tích cực.

Với mong muốn đảm bảo việc huy động và sử dụng hiệu quả nhất các nguồn tài trợ quốc tế, góp phần để Việt Nam nhanh chóng trở thành quốc gia không còn bom mìn sót lại sau chiến tranh, không còn tác động xấu và người dân không còn thương vong do bom mìn sót lại sau chiến tranh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu, Bộ Ngoại giao chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ với Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 504 xây dựng kế hoạch đàm phán, vận động, ký kết hợp tác cấp quốc gia với Chính phủ các nước và tổ chức quốc tế cho thực hiện chương trình này.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ động đàm phán với các nhà tài trợ quốc tế, sớm triển khai hoạt động của Nhóm quan hệ đối tác. Nghiên cứu, ban hành cơ chế điều phối, quản lý, sử dụng nguồn lực thực hiện chương trình; chủ động mở rộng ký kết hợp tác, hỗ trợ song phương, đa phương và xây dựng kế hoạch đàm phán ký kết hiệp định, cam kết tài trợ với Chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế. Bố trí kịp thời các nguồn lực đối ứng trong vận động và sử dụng nguồn tài trợ.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo chủ động, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai mở rộng hợp tác quốc tế. Nghiên cứu rà soát, bổ sung hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách liên quan đến Chương trình, tạo thuận lợi về cơ sở pháp lý trong tiếp nhận, quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài trợ quốc tế; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của toàn xã hội; nghiên cứu tổ chức các hội nghị kêu gọi tài trợ trong nước; hình thành Nhóm các nhà tài trợ trong nước để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia tích cực hoạt động của Chương trình.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị các nhà tài trợ, các vị Đại sứ, bạn bè quốc tế quan tâm trao đổi cởi mở và tham gia tích cực vào hình thành và hoạt động của Nhóm đối tác để giúp Chính phủ Việt Nam và Ban Chỉ đạo 504 trong công tác khắc phục hậu quả bom mìn nói chung cũng như trong việc huy động và xây dựng các thể chế quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực để thực hiện chương trình này.

Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao, chân thành cảm ơn và mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác tích cực, sự hỗ trợ hiệu quả từ Chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế để đẩy nhanh tiến độ, thực hiện hiệu quả khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh.

“Chúng ta hãy cùng nhau xây dựng lòng tin, giữ gìn hòa bình, tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác cùng phát triển, đem lại sự an toàn, hạnh phúc cho mọi người dân. Chúng ta hãy cùng nhau kiên quyết ngăn chặn mọi cuộc chiến tranh, mọi cuộc xung đột vũ trang để các quốc gia, các dân tộc trên thế giới này không còn hậu quả đau thương do bom mìn còn lại sau chiến tranh gây ra,” Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ (Xem toàn văn bài phát biểu của Thủ tướng tại đây)./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục