Đối thoại bàn tròn ASEAN nhìn lại chặng đường 50 năm phát triển

Ngày 9/5, tại thủ đô Ottawa của Canada đã diễn ra Đối thoại bàn tròn ASEAN nhằm nhìn lại chặng đường 50 năm phát triển của ASEAN và 40 năm quan hệ ASEAN-Canada.
Đối thoại bàn tròn ASEAN nhìn lại chặng đường 50 năm phát triển ảnh 1(Nguồn: asiapacific.ca)

Ngày 9/5, tại thủ đô Ottawa của Canada đã diễn ra Đối thoại bàn tròn ASEAN nhằm nhìn lại chặng đường 50 năm phát triển của ASEAN và 40 năm quan hệ ASEAN-Canada.

Tham gia cuộc đối thoại có đại diện Đại sứ quán các nước ASEAN, Đại sứ quán Nhật Bản và một số nước châu Âu, cùng đại diện Bộ Ngoại giao Canada.

Tại cuộc đối thoại, trong vai trò Chủ tịch Ủy ban ASEAN tại Ottawa, Đại sứ Myanmar Kyaw Myo Htut đã nêu bật 2 cột mốc quan trọng đối với ASEAN và quan hệ đối tác đối thoại ASEAN-Canada trong năm nay.

Ông bày tỏ tin trưởng Canada và ASEAN sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong các năm tới trên cơ sở cùng có lợi, vì hòa bình và thịnh vượng chung.

Trong phần tham luận chính tại buổi đối thoại, Đại sứ thường trực Philippines tại ASEAN Elizabeth Buensuceso đã điểm lại quá trình hình thành và các cột mốc phát triển chính của ASEAN, cũng như của quan hệ đối tác đối thoại ASEAN-Canada.

[Đối thoại ASEAN-Canada lần thứ 14: Tăng cường gắn kết và hợp tác]

Bà Buensuceso nhấn mạnh trong 50 năm qua, ASEAN đã thành công trong việc mang lại hòa bình và thịnh vượng cho người dân khu vực thông qua phát triển và hội nhập kinh tế, tăng cường trao đổi văn hóa, giao lưu nhân dân, đẩy mạnh hợp tác chính trị, an ninh và cùng nhau xây dựng các chương trình hành động ứng phó với thách thức nổi lên trong và ngoài khu vực.

Theo Đại sứ Buensuceso, ASEAN đã gắn kết thành công 10 quốc gia ban đầu có sự khác biệt khá lớn về kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội… để tạo thành một khối thống nhất, cùng hội nhập, phát triển và hướng tới tương lai.

Đến nay, ASEAN đã trở thành khu vực hòa bình và thịnh vượng, là một trong những nền kinh tế phát triển năng động nhất thế giới. Quy mô kinh tế của ASEAN hiện đứng thứ ba châu Á và thứ bảy thế giới.

ASEAN cũng là một trong những nhà xuất khẩu các sản phẩm chất lượng cao và nhập lượng lớn hàng hóa từ bên ngoài để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của dân số lên tới 620 triệu người.

Về quan hệ ASEAN-Canada, bà Buensuceso nhấn mạnh kể từ khi Canada trở thành đối tác đối thoại của ASEAN năm 1977, hai bên không ngừng đẩy mạnh hợp tác trên nhiều lĩnh vực vì lợi ích chung.

Giữa năm 2015, hai bên đã thông qua Kế hoạch Hành động Canada-ASEAN 2016-2020, trong đó đề ra những nội dung và ưu tiên hợp tác. Tháng 3/2016, Canada chính thức bổ nhiệm Đại sứ tại ASEAN và ngày càng thể hiện vai trò tích cực trong các diễn đàn của khu vực.

Hiện tại Canada mong muốn sớm trở thành thành viên của Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) và có thể thúc đẩy thảo luận Thỏa thuận Thương mại Tự do Canada-ASEAN trong tương lai.

Cuộc Đối thoại bàn tròn ASEAN do Đại sứ quán Philippines tại Canada tổ chức. Philippines hiện là Chủ tịch luân phiên của ASEAN trong năm 2017 và là nước điều phối quan hệ ASEAN-Canada đến năm 2018./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục