Dự thảo Hiến pháp thể chế hóa kịp thời chủ trương lớn

Theo các đại biểu tỉnh Thanh Hóa, dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 với nhiều điểm mới, thể chế hóa kịp thời  quan điểm, chủ trương lớn.
Chiều 25/2, Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức kỳ họp chuyên đề tham gia đóng góp ý kiến và dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, có 15 ý kiến, tham luận trực tiếp của các đại biểu đóng góp vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Hầu hết các ý kiến tại kỳ họp đều thể hiện sự đồng tình, đánh giá cao việc chuẩn bị bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 với nhiều điểm mới, bố cục, kết cấu chặt chẽ, thể chế hóa kịp thời những quan điểm, chủ trương lớn được nêu trong cương lĩnh; việc bổ sung những điểm mới góp phần giải quyết nhiều vấn đề còn tồn tại trong thực tiễn.

Nhiều đại biểu đã thẳng thắn thảo luận, góp ý, đề xuất với các điều, khoản trong dự thảo sửa đổi như: lời nói đầu, chế độ chính trị, quyền con người và nghĩa vụ cơ bản của công dân, bảo vệ Tổ quốc, hiệu lực của Hiến pháp và quy trình sửa đổi Hiến pháp, vai trò giám sát của Mặt trận tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị, thẩm quyền của Quốc hội...

Để việc đóng góp ý kiến vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được thuận lợi, ngoài việc chuẩn bị các tài liệu bằng văn bản, Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa còn đăng tải trên trang thông tin điện tử của Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh.

Đồng thời tỉnh phối hợp với các phương tiện thông tin đại chúng mở các chuyên trang, chuyên mục để các tầng lớp nhân dân được tham gia đóng góp ý kiến của mình một cách công khai, dân chủ, thể hiện nhận thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh với việc sửa đổi Hiến pháp và thi hành Hiến pháp.

Sau hội nghị này, Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa cũng đề nghị các đại biểu tiếp tục nghiên cứu, tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp để Ban chỉ đạo của tỉnh tập hợp để gửi đến Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp và Chính phủ.

Bên cạnh đó, các thành viên Ban chỉ đạo sẽ tập trung chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Đồng thời yêu cầu thường trực Hội đồng nhân dân các huyện, thị, thành phố tập trung chỉ đạo việc tổ chức lấy ý kiến góp ý của các tổ chức, cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương, đơn vị mình đảm bảo đúng mục đích, nội dung và chất lượng và thời gian.

Chậm nhất đến ngày 15/3, Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa gửi báo cáo tổng hợp ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp đến Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp và Chính phủ./.

Nguyễn Mai Hương (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục