Dứa cảnh - Nguồn thu nhập dịp Tết của nông dân Tiền Giang

Tuy mới bén rễ mấy năm gần đây nhưng những cây dứa cảnh đã khẳng định được hiệu quả kinh tế, khẳng định vị thế trên thị trường cây cảnh, hoa Tết Nam Bộ.
Dứa cảnh - Nguồn thu nhập dịp Tết của nông dân Tiền Giang ảnh 1Ông Hà Văn Bảy - người đi tiên phong trong nghề trồng dứa cảnh ở Thạnh Mỹ, Tân Phước. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)

Những ngày giáp Tết này, có dịp về vùng ven kênh Tràm Mù, qua kênh Lộ Mới-Bến Kè, hay ngược lên miệt kênh Bắc Đông thuộc địa bàn xã Thạnh Mỹ, huyện Tân Phước (Tiền Giang), ai ai cũng thấy ngỡ ngàng trước sắc vàng rực của những khóm mai cảnh khoe sắc vàng, những vườn dứa ngút ngàn, đặc sắc hơn cả là những khóm phụng - một loại dứa cảnh thu hoạch vào dịp Tết đang đơm trái với sắc đỏ rực rỡ.

Thạnh Mỹ, Tân Phước nằm ngay trung tâm Đồng Tháp Mười, nơi tiếp giáp giữa hai tỉnh Tiền Giang và Long An một thời vất vả, đất đai nhiễm phèn nặng, không thể canh tác được, dân cư thưa thớt và đồng không mông quạnh.

Nhưng sau hai mươi năm, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Tiền Giang miệt mài khai phá Đồng Tháp Mười, xây dựng mạng lưới kênh mương, thủy lợi, dòng chảy khơi thông thau chua rửa phèn, cải tạo đất đai, bà con tứ xứ đổ về đây khai hoang lập nghiệp, khai sinh mảnh đất Thạnh Mỹ giàu tiềm năng hôm nay.

Trồng dứa, trồng khoai mỡ, trồng thanh long... là những thế mạnh của vùng đất này đem lại thu nhập, ổn định cho người dân nơi đây.

Trồng khóm (dứa) phụng - một loại quả cảnh (làm cảnh) để chưng trong mấy ngày Tết là một trong những việc làm sáng tạo của nông dân Thạnh Mỹ trên con đường mưu sinh lập nghiệp. Tuy mới bén rễ mấy năm gần đây nhưng những khóm phụng đã khẳng định được hiệu quả kinh tế, khẳng định vị thế trên thị trường cây cảnh, hoa Tết Nam Bộ hàng năm.

Anh Cao Văn Sáng, nhà ở ven kênh Lộ Mới-Bến Kè tỉ mỉ vun phân, tưới nước cho hơn 100 gốc khóm phụng kiểng sau nhà, cho biết: "Tết năm trước, tôi có một cặp khóm phụng thật đẹp, được thương lái đến mua với giá đến 4 triệu đồng. Tính ra, mỗi khóm phụng có giá 2 triệu đồng - mức giá kỷ lục từ trước đến nay."

Anh Sáng cho biết thêm, khóm phụng trồng sau một năm cho trái. Mỗi cây chỉ cho một trái. Khóm phụng đẹp, được ưa chuộng chưng trên mâm ngũ quả ngày Tết bởi màu sắc đỏ rực mang lại vận may cho gia chủ, trên đầu quả có nhiều quả nhỏ thường gọi là quả đeo chia thành nhiều nhánh tựa như mào con phượng, con công. Do vậy, có tên gọi là khóm phụng. Quả khóm phụng nào to, dáng đẹp, màu sắc đỏ au, bắt mắt thường có giá cao.

Tết năm nay, gia đình anh Sáng có khoảng chục quả khóm phụng, bán với giá 350.000 đồng/quả, thu 3,5 triệu đồng. Số còn lại thương lái mua với giá bình quân 60.000 đồng/quả. Từ vườn khóm phụng, gia đình anh thu về gần 10 triệu đồng, đủ ăn một cái Tết tươm tất trên Đồng Tháp Mười.

Nhiều năm nay, ông Hà Văn Bảy, cư ngụ ở ấp Mỹ Lộc (Thạnh Mỹ) đều dành một khoảng đất chừng 1.000m2 để trồng khóm phụng bán Tết. Tại Tiền Giang, ông Bảy cũng là người đầu tiên đưa cây khóm phụng về trồng trên Đồng Tháp Mười. Ban đầu, ông chỉ dăm, trồng và nhân giống vài cây. Thấy hiệu quả kinh tế, ông trồng đại trà, năm nay, ông Bảy có khoảng 1.000 gốc phụng trong đó có chừng 500 gốc cho trái tốt đã được thương lái đến đặt hàng với giá bình quân 50.000 đồng/trái. Vị chi vụ Tết, ông thu 25 triệu đồng từ khóm phụng, chưa kể số khóm phụng còn lại tuy giá trị kém hơn nhưng cũng thu được 5-7 triệu đồng.

Nói về cây khóm phụng, ông Bảy cho biết: thường sau Tết, tức ra ngoài Giêng bắt đầu ươm giống để trồng. Đến tháng Bảy, Tám thì xử lý để cây cho trái và chăm sóc thu hoạch vào dịp Tết hàng năm. Cây phụng là loại cây "vương giả," đòi hỏi công sức chăm sóc và chế độ phân nước đầy đủ mới cho trái tốt, trái đẹp, giá trị cao trên thị trường.

Theo ông Bảy, sang năm, ông có kế hoạch mở rộng diện tích, mở rộng quy mô trồng khóm phụng lên vài ba nghìn gốc và tích cực chăm sóc để khóm phụng đạt chất lượng vượt trội cung ứng cho thị trường trong những ngày Tết.

Từ mô hình trồng phụng bán Tết của ông Bảy thành công, bà con xung quanh cũng tận dụng đất nhà trồng loại cây này tạo thêm nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình. Những người trồng nhiều như ông Bảy có ông Nguyễn Hữu Soi, Nguyễn Văn Bảy, Trần Văn Sáu... mỗi hộ trồng hàng nghìn cây trên diện tích chừng 1.000m2/hộ.

Qua nhiều năm, khóm phụng đã được thị trường hoa kiểng Tết phía Nam biết đến và chấp nhận, ưa chuộng nên hàng năm, cứ khoảng rằm tháng chạp trở đi, thương lái từ Thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Bình Dương, Biên Hòa, Tây Ninh... nườm nượp đổ vào Thạnh Mỹ hợp đồng thu mua, tiêu thụ. Khóm phụng cỡ vừa thì cắt trái còn khóm phụng loại tốt, loại đặc biệt thì đánh cả vào chậu rồi chăm sóc cẩn thận cung ứng ra thị trường. Hiện nay, thương lái cũng đã đặt mua gần hết khóm phụng Thạnh Mỹ.

Ông Nguyễn Văn Thọ, Phó bí thư Đảng ủy xã Thạnh Mỹ phấn khởi cho biết: Thạnh Mỹ tự hào là vùng trồng phụng nổi tiếng có một không hai ở Đồng Tháp Mười (Tiền Giang).

Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn xã có chừng 30 hộ trồng khóm phụng. Hộ nhiều nhất trồng một đến hai công đất ( 1.000m2 đến 2.000m2 ), hộ ít cũng trồng 100 gốc quanh nhà để bán, cải thiện cuộc sống trong những ngày Tết. Thu nhập có hộ được vài ba chục triệu đồng, hộ trồng ít như anh Sáng cũng bỏ túi chục triệu đồng. Nhờ cây trồng này mà bà con miền đất mới giảm bớt khó khăn.

Thời gian tới, Thạnh Mỹ tiếp tục phát huy tiềm năng và thế mạnh cây khóm phụng - một cây trồng độc đáo trên Đồng Tháp Mười, nhằm đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, giúp nông dân nơi đây tạo dựng cơ nghiệp vững vàng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục