Gần 2.800 hợp tác xã trên cả nước ngừng hoạt động trong năm 2015

Trong năm qua, có 2.767 hợp tác xã ngừng hoạt động (chờ giải thể hoặc chuẩn bị chuyển sang hình thức tổ chức khác); 599 hợp tác xã đã giải thể, trên 1.100 hợp tác xã được thành lập mới.
Gần 2.800 hợp tác xã trên cả nước ngừng hoạt động trong năm 2015 ảnh 1Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Theo số liệu của 63 Liên minh hợp tác xã các tỉnh, thành phố, cuối năm 2015, cả nước có trên 18.000 hợp tác xã. Trong năm qua, có 2.767 hợp tác xã ngừng hoạt động (chờ giải thể hoặc chuẩn bị chuyển sang hình thức tổ chức khác); 599 hợp tác xã đã giải thể, trên 1.100 hợp tác xã được thành lập mới.

Thông tin này được đưa ra tại Hội nghị Ban chấp hành Liên minh hợp tác xã Việt Nam lần thứ 13 khóa IV, đánh giá tình hình kinh tế tập thể, hợp tác xã và hoạt động của Liên minh năm 2015, bàn nhiệm vụ trọng tâm năm 2016, tổ chức chiều 30/1.

Báo cáo của Liên minh hợp tác xã Việt Nam cho thấy đến nay, cả nước có gần 150.000 tổ hợp tác với khoảng 1,9 triệu thành viên. Các tổ hợp tác phát triển trên tất cả các lĩnh vực, ngành nghề, vùng miền, được thành lập theo nhóm sản xuất, ngành nghề, tổ tiết kiệm, tổ khuyến nông, khuyến ngư, tổ đoàn kết trên biển nhất là khu vực Nam Bộ.

Hoạt động của các tổ hợp tác xuất phát từ nhu cầu, lợi ích của thành viên, khắc phục được một số hạn chế của kinh tế hộ về vốn, công nghệ, kỹ thuật..., giúp các hộ thành viên nâng cao năng lực và hiệu quả kinh tế hộ, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo...

Các hợp tác xã mới thành lập nhìn chung đúng Luật hợp tác xã năm 2012, đều xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng của thành viên và thị trường; bảo đảm nguyên tắc tự nguyện, thành viên có góp vốn, hợp tác trong hoạt động sản xuất- kinh doanh; bước đầu phát huy được vai trò hỗ trợ cho kinh tế hộ phát triển.

Hiện có 6.260 hợp tác xã tổ chức đăng ký lại theo Luật hợp tác xã năm 2012 (chiếm khoảng 32% trên tổng số hợp tác xã cả nước). Sau khi đăng ký lại, phần lớn các hợp tác xã ổn định sản xuất-kinh doanh, các thành viên trong hợp tác xã đã thể hiện rõ hơn vai trò và trách nhiệm thông qua việc góp vốn, sử dụng dịch vụ của hợp tác xã. Một số hợp tác xã sau khi tổ chức lại hoạt động đã tiếp cận được các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Dự và chỉ đạo hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận, đánh giá cao những đóng góp của khu vực kinh tế tập thể, của Liên minh hợp tác xã các cấp trong phát triển kinh tế, ổn định chính trị của đất nước. Phó Thủ tướng khẳng định hợp tác xã là mô hình tồn tại khách quan, Đảng, Nhà nước luôn coi trọng phát triển kinh tế tập thể mà nòng cốt là kinh tế hợp tác xã. Kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể là nền tảng của nền kinh tế quốc dân, tỷ lệ kinh tế hợp tác ngày càng lớn.

Phân tích các nguyên nhân dẫn đến kinh tế hợp tác chậm phát triển, Phó Thủ tướng cho rằng bộ máy thể chế và chính sách có nhiều bất cập tồn tại, chậm trễ, không phù hợp với kinh tế thị trường. Việc nhân điển hình tiên tiến, mô hình tốt chưa được chú trọng. Bộ máy làm kinh tế hợp tác và hợp tác xã từ trung ương đến cơ sở còn nhiều bất cập. Liên kết giữa thị trường và doanh nghiệp chưa tốt, cấp ủy chính quyền chưa quan tâm đến vai trò của hợp tác xã. Hoạt động của hợp tác xã chưa đáp ứng yêu cầu.

Nêu rõ Đảng, Nhà nước luôn quan tâm tạo nguồn lực hơn nữa cho hợp tác xã phát triển với tư cách là một tập thể to lớn, có vai trò xã hội quan trọng, Phó Thủ tướng yêu cầu Liên minh hợp tác xã Việt Nam đề xuất các cơ chế chính sách để tạo cú hích cho hợp tác xã phát triển.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc phát triển kinh tế tập thể phải phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường gắn liền với quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Cần xây dựng mối liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và kinh tế hộ gia đình, tiếp tục củng cố, đổi mới hợp tác xã cả về tổ chức, quản lý và hoạt động theo mô hình hợp tác xã kiểu mới gắn với phát triển chuỗi giá trị sản phẩm bền vững, quy mô hàng hóa lớn.

Phó Thủ tướng yêu cầu củng cố Liên minh hợp tác xã Việt Nam với tầm nhìn là Liên minh của tổ chức đại diện cho 30 triệu xã viên; khai thác lợi thế, tiềm năng của mô hình hợp tác xã, đó là lợi thế về xã hội, tập hợp đông đảo các tầng lớp xã hội khác nhau, hoạt động gắn chặt với cộng đồng, cơ sở với lợi thế về số đông.

Hợp tác xã là nơi tập hợp đông đảo đối tượng nên có thể huy động nguồn lực lớn nếu như có thế mạnh về liên kết giữa hợp tác xã và các thành viên của mình, vì vậy phải củng cố từng tổ hợp tác và hợp tác xã.

Liên minh hợp tác xã cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trong hệ thống chính trị để phát huy sức mạnh tổng hợp, hoàn thiện thể chế pháp luật, xây dựng, phổ biến, nhân rộng nhiều mô hình hợp tác xã kiểu mới gắn với phát triển chuỗi giá trị bền vững, sản xuất hàng hóa quy mô lớn; tạo môi trường thuận lợi cho hợp tác xã hoạt động; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các hợp tác xã, các tổ chức thành viên.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương quán triệt đầy đủ các nhiệm vụ được giao trong Nghị quyết, Kết luận, các Chỉ thị của Đảng và quy định của pháp luật về phát triển kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác đồng thời, phối hợp với Liên minh hợp tác xã Việt Nam tham mưu Chính phủ ban hành cơ chế chính sách khuyến khích phát triển kinh tế tập thể (nòng cốt là hợp tác xã); tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ khu vực hợp tác xã vươn lên xứng tầm với yêu cầu phát triển giai đoạn mới.

Các bộ, ngành, địa phương cần xem xét hỗ trợ vốn, lồng ghép các nguồn vốn đã có và đẩy mạnh xã hội hóa, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, phát triển nguồn nhân lực trong hoạt động của các hợp tác xã, góp phần phát triển kinh tế-xã hội một cách bền vững. Đề xuất thể chế chính sách mới trong thời gian tới là rất quan trọng để kinh tế hợp tác phát triển, Phó Thủ tướng nêu rõ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục