Tái cơ cấu nông nghiệp: Doanh nghiệp cần “chung thuyền” với nông dân

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, để tái cơ cấu ngành nông nghiệp cần phải có đơn vị "nhạc trưởng" giúp cho nông dân phát triển cạnh tranh thông qua hợp tác với các doanh nghiệp.
Tái cơ cấu nông nghiệp: Doanh nghiệp cần “chung thuyền” với nông dân ảnh 1Huyện Châu Thành, tỉnh Long An thực hiện hiệu quả đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng. (Nguồn ảnh: TTXVN)

“Để tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chúng ta cấp thiết phải giúp cho nông dân phát triển cạnh tranh. Chúng tôi cũng khuyến khích doanh nghiệp hợp tác nhiều hơn với nông dân để phát triển hiệu quả. Tuy nhiên, doanh nghiệp không thể làm việc riêng lẻ với hàng vạn nông dân, do vậy cần có phải có các tổ chức nông dân làm cầu nối để tìm ra cách tổ chức và vận hành phù hợp trong mỗi lĩnh vực sản xuất.”

Đây là một trong những kiến nghị vừa được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát đưa ra tại Hội thảo “Hợp tác xã và các tổ chức kinh tế hợp tác khác trong lĩnh vực nông nghiệp” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và World Bank tổ chức ngày 21/5.

“Nông dân thường phải chịu thua thiệt”

Tại Hội thảo, ông Phan Quốc Ân, đại diện Hợp tác xã chăn nuôi gia súc, gia cầm Quý Hiền (huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai) phàn nàn về việc hàng hóa của nông dân hiện đang phải cạnh tranh gay gắt. Thế nhưng mối liên kết giá trị trong sản xuất của họ lại đang rất lỏng lẻo và chuỗi giá trị này đang bị phân khúc theo chiều hướng bất lợi cho người dân.

Theo ông Ân, phần cung ứng vật tư và phần tiêu thụ sản phẩm là hai khúc có thời gian tham gia ngắn nhất, rủi ro thấp nhất, thì doanh nghiệp và thương lái đang đảm nhiệm trong khi mục tiêu của họ là lợi nhuận. Thế nên “đầu vào thì họ nâng giá, đầu ra cố dìm giá.” Còn khúc giữa là sản xuất, thời gian dài nhất, chịu rủi ro cao nhất, bỏ vốn nhiều nhất thì nông dân đảm nhiệm.

“Vậy, để khắc phục tình trạng thua thiệt của nông dân không còn cách nào khác là nông dân phải liên kết lại thành hợp tác xã. Thế nhưng, việc thành lập mới hợp tác xã và chuyển đổi hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã 2012 lại đang diễn ra rất chậm và số hợp tác xã hoạt động có hiệu quả chiếm tỷ lệ thấp do công tác tuyên truyền của chúng ta chưa sâu,” ông Ân nói.

Cũng theo ông Ân, Hợp tác xã chăn nuôi gia súc, gia cầm Quý Hiền nằm ở miền núi nên rất khó tiếp cận thị trường. “Tìm được doanh nghiệp mua hàng của mình là rất khó khăn, mà các doanh nghiệp thì không biết được năng lực sản xuất của chúng tôi mà tìm đến. Do vậy, tôi mong muốn các Bộ, ngành và địa phương giúp đỡ Hợp tác xã làm cầu nối để người dân, doanh nghiệp có thể gặp gỡ và hợp tác phát triển,” ông Ân kiến nghị.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cũng thừa nhận, từ khi chuyển sang nền kinh tế thị trường, các Hợp tác xã phải tự làm, tìm kiếm thị trường thường gặp nhiều khó khăn, nên lợi ích Hợp tác xã mang lại cho các hộ gia đình thành viên chưa nhiều.

Về tình hình tổ hợp tác, ông Thịnh cho biết, trong quá trình hoạt động, các tổ hợp tác đã giúp cho hội viên thực hiện một số dịch vụ “đầu vào” trong sản xuất như thủy lợi, làm đất, mua bán vật tư, cây con giống, bảo vệ sản xuất và dịch vụ “đầu ra” tiêu thụ sản phẩm, chuyển giao kỹ thuật… Ngoài ra, tổ hợp tác còn tư vấn bà con nông dân giúp nhau làm kinh tế, tạo việc làm, xóa đói và giảm nghèo.

Tuy nhiên, “cho đến nay, tổ chức và quản lý của tổ hợp tác trong nông nghiệp còn hoạt động với quy mô nhỏ, vốn ít, hoạt động theo mùa vụ. Phần lớn các tổ hợp tác tổ chức còn thiếu chặt chẽ, quan hệ hợp tác còn lỏng lẻo, trong khi địa vị pháp lý tổ hợp tác chưa rõ ràng,” ông Thịnh chia sẻ.

Có chung quan điểm, đại diện Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho rằng, Hợp tác xã có vai trò rất quan trọng là liên kết các hộ nông dân phát triển kinh tế. Tuy nhiên, hoạt động của Hợp tác xã mới dừng ở cung cấp dịch vụ đầu vào cho sản xuất nông nghiệp. Không chỉ vậy, Hợp tác xã cũng chưa tự chủ do sự can thiệp sâu của cơ quan đia phương.

Ngoài ra, “Trách nhiệm quản lý nhà nước về Hợp tác xã nông nghiệp giữa các Bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương không rõ ràng. Khả năng tiếp cận vốn cũng gặp khó khăn do ngân sách hỗ trợ cho khu vực kinh tế tập thể/liên kết rất hạn chế. Trong khi đó, môi trường kinh doanh chưa bình đẳng, điều này khiến người dân rất khó tiếp cận thị trường,” đại diện Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn thông tin.

Tái cơ cấu nông nghiệp: Doanh nghiệp cần “chung thuyền” với nông dân ảnh 2Tai cơ cấu nông nghiệp - Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: TTXVN)

Cần đầu mối liên kết nông dân và doanh nghiệp

Nhìn nhận thực tế trên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát cho rằng, Hợp tác xã là mô hình luôn được quan tâm ở Việt Nam, đã có thời Hợp tác xã đóng vai trò chủ đạo trong nông nghiệp. Tuy nhiên, từ khi thay đổi sang nền kinh tế thị trường, Hợp tác xã cần phải thay đổi theo.

“Ngày nay, khi Việt Nam đang ngày mở cửa, chúng tôi nhận thấy rằng phải có những giải pháp phù hợp để tập hợp các Hợp tác xã phát triển nông nghiệp, tạo ra thị trường cạnh tranh phát triển cao hơn, trong đó cần phải có sự gắn kết, hợp tác nhiều hơn giữa nông dân và doanh nghiệp,” Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.

Thực tế cho thấy, Hợp tác xã là một loại hình kinh tế tập thể khá phổ biến, hoạt động trên nhiều lĩnh vực đời sống xã hội và hiện diện ở các nền kinh tế có trình độ phát triển khác nhau. Thông qua hợp tác xã, các hộ nông dân, các doanh nghiệp nhỏ hợp tác với nhau, tăng sức mạnh để đối phó với khó khăn và tránh các nguy cơ thua lỗ cao.

Từ kinh nghiệm địa phương, ông Nguyễn Văn Phúc, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã NDDV Công Bằng Ea Kiết chia sẻ, từ khi thực hiện chương trình liên kết càphê bền vững và Hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp, từ khâu hướng dẫn bà con sản xuất, thu hoạch, chế biến và bao tiêu sản phẩm, đến nay địa phương đã xây dựng được thương hiệu càphê Ea Kiết trên thị trường thế giới.

Ngoài ra, “thông qua hoạt động liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ, Hợp tác xã cũng yên tâm trong quá trình sản xuất. Ngoài ra, doanh nghiệp còn đứng ra tiêu thụ, hỗ trợ Hợp tác xã nâng cao chất lượng đầu ra, hỗ trợ nghiệp vụ trong kinh doanh. Nhờ đó, đời sống của xã viên dần được nâng lên nhờ giá bán càphê cao hơn so với thị trường từ 2.200.000 đến 1.500.000 đồng/tấn,” ông Phúc nói.

Nhờ liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tân Tiến (tỉnh Đồng Tháp) cũng đang dần tháo gỡ được khó khăn, mở thêm các loại dịch vụ và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động có thu nhập ổn định.

Báo cáo của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tân Tiến cho thấy, trước đây, hoạt động sản xuất của các thành viên Hợp tác xã chủ yếu phụ thuộc vào kinh nghiệm, một số ít diện tích áp dụng theo quy trình VietGap nhưng phương thức còn manh mún và không nắm bắt được nhu cầu thị trường trong tiêu thụ nông sản.

Từ năm 2012, Hợp tác xã tiến hành sản xuất theo chuỗi giá trị và liên kết với Công ty TM XNK Võ Thị Thu Hà theo quy trình sản xuất hiện đại, doanh nghiệp tích cực cùng Hợp tác xã xây dựng vùng nguyên liệu và liên kết tiêu thụ, nhờ đó nông sản đã được tiếp cận thị trường. Việc này cũng góp phần tạo đà cho người dân tăng gia sản xuất, phát triển cạnh tranh./.

Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã xác định tổ chức lại sản xuất là một trong hai trụ cột. Trong đó, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các Hợp tác xã, các hình thức hợp tác liên kết có ý nghĩa quan trọng.

Ngoài ra, do sản xuất nông nghiệp Việt Nam hiện nay chủ yếu dựa vào kinh tế hộ, có quy mô nhỏ lẻ, phân tán. Vì vậy, nông dân có thể luôn gặp nhiều rủi ro và có khả năng hạn chế đối phó với rủi ro, khó có hiệu quả trong môi trường cạnh tranh gay gắt../.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục