Khi người nông dân bán hàng trực tuyến: Khó khăn và giải pháp

Nông dân Việt Nam có thể sánh ngang với nông dân của các quốc gia phát triển, với điều kiện chính nông dân Việt Nam phải bước qua được thửa ruộng, bờ ao, từ bỏ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ.
Khi người nông dân bán hàng trực tuyến: Khó khăn và giải pháp ảnh 1Người nông dân đang dần dần tiếp cận với cách thức bán hàng kiểu mới. (Ảnh: Quý Vũ/Vietnam+)

Kết thúc năm 2022 đầy biến động với sự ảnh hưởng mạnh mẽ từ dịch COVID-19, nông nghiệp Việt Nam được dự báo sẽ có sự thay đổi lớn về hình thức canh tác, sản xuất cũng như cách thức bán hàng trong năm 2023 và tiến tới những năm tiếp theo.

Bùng nổ chuyển đổi số hậu COVID-19

Việc áp dụng công nghệ vào thương mại tại Việt Nam đã xuất hiện từ nhiều năm trước, với những sàn giao dịch điện tử từ sơ khai cho đến hiện đại và quy mô lớn như ngày nay.

Nhưng ngành nông nghiệp vẫn nằm ngoài "cuộc chơi" khá lâu, với một định kiến cho rằng nông sản thường gắn liền với các cách thức buôn bán truyền thống, và người nông dân thường chậm hơn trong việc tiếp cận với các công nghệ mới.

Người nông dân lâu nay vẫn chỉ gắn liền với hình ảnh sản xuất, việc tiêu thụ lại phụ thuộc vào người khác. Cho nên cứ mỗi mùa thu hoạch lại xuất hiện tình trạng mâu thuẫn, khi người nông dân chỉ bán được với giá rẻ mạt 2.000/kg sản phẩm, nhưng người tiêu dùng lại vẫn phải mua với giá 30.000 đồng/kg.

[Nông nghiệp Việt Nam thay đổi cách tiếp cận, tăng thêm nhiều giá trị]

Tuy nhiên, với sự xuất hiện và phát triển của một thế hệ "nông dân 9x," những sản phẩm nông nghiệp đã dần dần xuất hiện trên các sàn thương mại điện tử, các hội nhóm bán hàng uy tín, nhằm cung cấp đến người tiêu dùng những mặt hàng nông sản chất lượng một cách trực tiếp từ người sản xuất.

Đặc biệt, đại dịch COVID-19 buộc con người phải mua sắm, thanh toán nhiều hơn dưới hình thức trực tuyến càng thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử, áp dụng công nghệ tới tận những vùng sâu, vùng xa để đảm bảo sự kết nối của chuỗi cung ứng khi con người không thể mua hàng trực tiếp.

Những đặc sản nổi bật bắt đầu gây chú ý trên sàn giao dịch điện tử, như cam Cao Phong, cam Hà Giang xuất hiện trong “Tuần lễ Nông sản Việt trực tuyến” trên sàn thương mại điện tử Sendo vào cuối tháng 11/2021.

Thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 60/QĐ-BCT ngày 18/1/2022 phê duyệt Chương trình hành động của Bộ Công Thương để triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 02/NQ-CP.

Bộ Công Thương sẽ triển khai hàng loạt các Chương trình kết nối thương mại điện tử kết hợp đào tạo, tập huấn thương mại điện tử tại một số tỉnh, thành phố.

Bộ đẩy mạnh kết nối theo vùng, thúc đẩy liên kết vùng để tiêu thụ nông sản, thực phẩm, đặc sản địa phương qua phương thức thương mại điện tử, giúp tiêu thụ nhiều sản phẩm tiêu biểu như vải thiều, nhãn lồng, bưởi, na, dừa, bo... cùng các mặt hàng thực phẩm đặc sản như nước mắm, mật ong, càphê...

Bộ cũng phối hợp với các sàn giao dịch thương mại điện tử xây dựng chuyên trang nhằm thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm nông sản thực phẩm địa phương.

Thu hẹp khoảng cách về công nghệ

Công nghệ phát triển khiến cho việc tạo lập một trang web bán hàng trở nên dễ dàng hơn.

Khi người nông dân bán hàng trực tuyến: Khó khăn và giải pháp ảnh 2Các trang web bán hàng nông sản được thiết kế rất đẹp mắt.

Chỉ gần gõ từ khóa "nông sản sạch" lên công cụ tìm kiếm Google là có thể xuất hiện hàng loạt những trang bán hàng trực tuyến giới thiệu nông sản sạch, hữu cơ của Việt Nam.

Có rất nhiều website bán hàng được thiết kế chuyên nghiệp, với hình ảnh sản phẩm minh họa đẹp và bắt mắt được lấy trên mạng, kích thích người tiêu dùng.

Tuy nhiên, điều này cũng kéo theo sự xuất hiện của quá nhiều những trang bán hàng nông sản trung gian, gây khó khăn, hoang mang cho người tiêu dùng khi muốn lựa chọn những sản phẩm chất lượng, đúng giá, đặc biệt là những sản phẩm do người sản xuất trực tiếp rao bán.

Trong khi đó, những người trực tiếp sản xuất là người nông dân thì vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi muốn đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử.

Ông Vũ Quang Ngọc (60 tuổi, Phú Xuyên, Hà Nội) cho biết từ nhiều năm nay, ông đã triển khai mô hình trang trại nhỏ, nuôi cá, lợn và trồng nhiều loại rau. Sản phẩm đầu ra được đánh giá là ngon, sạch.

Tuy nhiên, lượng tiêu thụ còn chậm do giá thành đắt mà lại không tiếp cận được với những đối tượng khách hàng thu nhập cao có nhu cầu sử dụng nông sản hữu cơ.

Tại Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ 6 do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức ngày 2/12/2021, đại diện người nông dân đề xuất mong muốn được đào tạo, tập huấn về thương mại điện tử, cách chụp ảnh sản phẩm, cách đưa sản phẩm lên các công cụ bán hàng trực tuyến...

Những kết quả ấn tượng

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong năm 2022, lần đầu tiên xuất khẩu toàn ngành đạt hơn 50 tỷ USD.

Khi người nông dân bán hàng trực tuyến: Khó khăn và giải pháp ảnh 3Ông Ngọc mong muốn những sản phẩm chất lượng cao của mình sẽ sớm đến được tay người tiêu dùng. (Ảnh: Quý Vũ/Vietnam+)

Giá trị gia tăng toàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đạt 3,36%, là mức tăng cao nhất trong nhiều năm gần đây. Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 53,22 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2021; thặng dư thương mại trên 8,5 tỷ USD, chiếm hơn 75% tổng giá trị xuất siêu của toàn nền kinh tế…

Bên cạnh đó, nhiều ngành hàng đã được tiến thêm vào nhóm hàng xuất khẩu tỷ USD, đó là cá ngừ, thức ăn gia súc và nguyên liệu, phân bón các loại, góp phần nâng số ngành hàng tỷ USD lên 11 ngành hàng.

Tuy nhiên, theo nhận định của Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan tại hội nghị tổng kết năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức ngày 13/1 tại Hà Nội, năm 2023 ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn.

Bên cạnh khó khăn chung do biến đổi khí hậu, sự biến động của thị trường, sự thay đổi không ngừng của xu thế tiêu dùng khiến cho việc buôn bán, xuất khẩu nông sản gặp nhiều khó khăn hơn.

Và do đó, chuyển đổi số và sự liên kết giữa các hợp tác xã nông nghiệp càng trở nên quan trọng, để mỗi người nông dân trở thành một địa chỉ số trên một mạng lưới chung gắn kết từng mảnh vườn, từng cánh đồng, để người dân có thể vừa tự giới thiệu sản phẩm bản thân, vừa nắm bắt được cung cầu của thị trường, qua đó xây dựng kế hoạch sản xuất của mình một cách phù hợp.

Với những nông dân có tuổi ít tiếp xúc với công nghệ như ông Ngọc, việc sử dụng công cụ bán hàng trực tuyến quả thật không dễ dàng.

Tuy nhiên, với sự giúp đỡ của những người thuộc thế hệ trẻ, cùng sự phát triển vượt bậc của công nghệ, ông Ngọc đã có thể lựa chọn những ứng dụng bán hàng đơn giản, dễ sử dụng, qua đó dần tiếp cận công nghệ mới, bởi ông cho rằng "khó hay không là do bản thân mình có muốn hay không."

Bởi dù phải nỗ lực gấp đôi, gấp ba người trẻ tuổi, nhưng những thành quả thu được đã có thể nhận thấy rõ, điển hình trước mắt là việc không còn nơm nớp nỗi lo "được mùa, bị ép giá" đã tồn tại dai dẳng hàng chục năm qua./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục