Giá đường ở New York chạm đáy từ tháng 8/2010

Đóng cửa phiên cuối tuần 1/6 trên sàn giao dịch nông sản New York, giá đường thô giao tháng 7 đã giảm mạnh xuống 19,27 xu Mỹ/pound.
Phần lớn các thị trường hàng hóa thế giới, trong đó có thị trường nông sản, đã tiếp tục lao dốc trong tuần qua trong bối cảnh các nhà đầu tư hết sức lo ngại về những số liệu kinh tế xấu đi tại hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới Trung Quốc và Mỹ, trong khi cuộc khủng hoảng nợ công ở Khu vực Eurozone cũng ngày càng lún sâu và có khả năng đe dọa tới Tây Ban Nha - nền kinh tế lớn thứ tư của khu vực.

Sự suy yếu của đồng euro (trong phiên cuối tuần 1/6 đã chìm sâu xuống 1,2288 USD - mức thấp nhất kể từ ngày 1/7/2010), và sự tăng giá của đồng USD (do các nhà đầu tư tháo chạy khỏi đồng tiền chung châu Âu vì những bất ổn gia tăng ở khu vực này để tìm đến đồng bạc xanh an toàn hơn), cũng là nhân tố quan trọng đẩy giá hàng hóa các loại đi xuống do USD là đồng tiền giao dịch chủ yếu của nhiều loại nông sản.

Theo xu hướng giảm chung của các loại hàng hóa, giá đường trong tuần qua cũng chứng kiến các mức thấp nhất kể từ tháng 8/2010 tới nay khi nguồn cung được dự báo là sẽ khá dồi dào.

Đóng cửa phiên cuối tuần 1/6 trên sàn giao dịch nông sản New York (NYBOT-ICE), giá đường thô giao tháng Bảy đã giảm mạnh xuống 19,27 xu Mỹ/pound (1 pound = 0,454kg), so với mức 19,68 xu Mỹ/pound của cuối tuần trước nữa.

Trong khi đó, tại sàn giao dịch nông sản London (LIFFE), giá đường trắng giao tháng Tám cũng giảm từ 558 USD/tấn của cuối tuần trước nữa xuống 554 USD/tấn.

Tuy nhiên, trong một thông tin có liên quan, bất chấp việc giá đường tại New York đã giảm tới 16% trong năm nay do sản lượng gia tăng tại Brazil và Ấn Độ - hai nhà sản xuất và cung ứng mía đường hàng đầu thế giới, thì tính đến thời điểm này, tại Trung Quốc giá đường lại đã tăng 0,8% và vào tháng Tư vừa qua đã đạt mức cao nhất kể từ tháng 10 năm ngoái, sau khi Bắc Kinh có chương trình gia tăng kho dự trữ để tăng cao nguồn cung.

Theo Hiệp hội mía đường tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), lượng đường nhập lậu vào nước này, sau khi đã tăng lên 500.000 tấn, mức cao nhất trong vòng 17 năm qua, trong quý I, có thể sẽ giảm được tới 2/3 trong quý II nhờ sự vào cuộc gắt gao của hải quan Trung Quốc và giá đường tăng cao tại Thái Lan. Quảng Tây và Vân Nam là hai tỉnh sản xuất mía đường lớn nhất của Trung Quốc.

Còn theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, trong tài khóa 2011-2012, Trung Quốc có thể nhập tới 2,2 triệu tấn đường, mức cao nhất kể từ tài khóa 1994-1995.

Thị trường đường Trung Quốc được dự báo sẽ bình ổn trong thời gian tới do hoạt động buôn lậu giảm xuống và nhu cầu tiêu thụ tăng cao trong dịp Hè.

Một nhân tố khác giúp bình ổn thị trường đường nước này là sự chênh lệch giá giữa đường Thái Lan và đường Trung Quốc đang ngày càng co lại, khiến hoạt động buôn lậu không còn hiệu quả nữa.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, nước này đã nhập tỏng cộng 810.000 tấn đường trong bốn tháng đầu năm nay, tăng tới 242% so với cùng kỳ năm ngoái./.

Thùy Chi (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục