Hóa chất làm trong nước khiến dân hoang mang

Người dân Thái Nguyên hoang mang về thông tin nguồn nước sinh hoạt của họ đang bị ô nhiễm nặng, theo kết quả xét nghiệm từ một phụ nữ.
Người dân ở các huyện Phổ Yên, Đồng Hỷ, Phú Lương, thành phố Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) đang khá hoang mang về thông tin nguồn nước sinh hoạt của họ đang bị ô nhiễm nặng, từ nước giếng đào, giếng khoan đến cả nước máy, thậm chí cả nước tinh khiết cũng không đảm bảo chất lượng.

Kết quả này là do một phụ nữ xưng là cộng tác viên của Hội Liên hiệp Khoa học Sản xuất Công nghệ Hóa học tên là Lê Thị Tám công bố sau khi tới một số xã trên địa bàn tỉnh liên hệ, đặt vấn đề với chính quyền địa phương tổ chức xét nghiệm chất lượng nước miễn phí cho người dân.

Vì nghĩ rằng đây là một việc làm mang lại lợi ích thiết thực cho người dân nên lãnh đạo chính quyền nhiều nơi đã không ngần ngại thông báo tới các xóm tổ chức họp dân tại Nhà văn hóa và đề nghị mỗi gia đình đến họp mang theo một chai nước hàng ngày vẫn sử dụng để kiểm tra, đánh giá chất lượng nước miễn phí.

Bất kể loại nước nào, bà Tám cũng cho vào một loại hóa chất rồi lắc đều, sau đó quan sát bằng mắt thường và kết luận chất lượng của nước. Theo bà Tám, hoá chất được cho vào trong chai nước là "Chất keo tụ PACN-95" có tác dụng thử độ sạch của nước.

Kết quả cho thấy, trong số hơn 100  mẫu nước của các hộ dân xóm 10, xã Quyết Thắng, Thành phố Thái Nguyên sau khi được bà Tám kiểm nghiệm hầu hết thuộc nhóm 1 (nhóm có nồng độ ô nhiễm cao), còn lại được xếp vào nhóm 2 (nhóm có ô nhiễm).

Điều đáng nói là ngoài một số mẫu nước giếng đào, giếng khoan còn có cả những mẫu nước máy do Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên kinh doanh nước sạch Thái Nguyên đưa vào thử cũng bị xếp vào loại ô nhiễm cần xử lý.

Trong khi đó, sản phẩm của công ty đã được các cơ quan chuyên môn kiểm định cấp giấy chứng nhận với 13 chỉ tiêu đạt tiêu chuẩn sinh, hóa, lý.

Kết quả này đã khiến cho nhiều người dân hoang mang, lo lắng vì sợ nguồn nước không đảm bảo sẽ gây bệnh tật, ảnh hưởng đến sức khoẻ. Bà Tám còn "tư vấn" thêm cho người dân cách sử dụng "Chất keo tụ PACN-95" như thế nào trong việc xây bể lọc nước, nước giếng, nước máy...

Sau khi không ngừng quảng cáo "Chất keo tụ PACN-95", bà Tám đưa ra mức giá của một gói hóa chất là 25.000 đồng.

Do đánh trúng tâm lí lo lắng cho sức khoẻ của người dân, nhiều người đã mua "Chất keo tụ PACN-95" về dùng, người ít nhất cũng 2 gói, người nhiều mua tới 10 gói, người không có tiền cũng đi vay mượn để cố mua một vài gói.

"Chất keo tụ PACN - 95" đã được nghiên cứu, ứng dụng thành công ở Liên hiệp Khoa học Sản xuất Công nghệ Hóa học thuộc Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên - Trung tâm Khoa học Tự nhiên và Công nghệ quốc gia, đã được Cục Sở hữu Công nghiệp công nhận Bằng độc quyền giải pháp hữu ích và Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng Hà Nội xác nhận đã tiếp nhận Bản công bố tiêu chuẩn của Liên hiệp Khoa học sản xuất công nghệ Hóa học.

"Chất keo tụ PACN - 95" khi được hòa tan trong nước sẽ tạo màng hạt keo, liên kết với các chất khác tạo thành bông cặn và tự lắng xuống với tốc độ lắng cặn nhanh. Chất này được dùng để xử lí nước tính theo độ đục, thích hợp để xử lí nước cho một số khu vực ở đồng bằng Bắc bộ, dùng sau các trận lũ lụt, làm trong sạch nước ao, hồ, sông, suối.

Điều đáng nói ở đây là bà Lê Thị Tám không đủ tư cách pháp nhân để lấy mẫu nước của người dân, thí nghiệm và đưa ra chỉ tiêu chất trong nước sai lệch không dựa trên cơ sở khoa học làm người dân hoang mang lo sợ, đồng thời, lợi dụng lòng tin của người dân tuyên truyền tác dụng của sản phẩm vượt quá thực tế nhằm mục đích kinh tế.

Hiện các cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên đang tiếp tục tiến hành điều tra làm rõ vụ việc./.

Thu Hằng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục