"Hoa hi-tech" khoe sắc Xuân trên “thành phố tình yêu”

Thưởng ngoạn hoa Đà Lạt không phải ở vườn hoa thành phố, các công viên hoa... mà chính là các trang trại hoa của các công ty, của người dân thành phố này.
"Hoa hi-tech" khoe sắc Xuân trên “thành phố tình yêu” ảnh 1Hoa anh thảo tại Công ty Hoa tươi Dalat Hasfarm. (Ảnh: Anh Hòa/Vietnam+)

Đà Lạt vốn được mệnh danh “Thành phố tình yêu, thành phố ngàn hoa” bởi hoa được trồng ở đây không chỉ đẹp, màu sắc phong phú mà còn rất độc đáo với nhiều loài hoa được lai tạo. Thưởng ngoạn hoa Đà Lạt (Lâm Đồng) không phải ở vườn hoa thành phố, các công viên hoa... mà chính là các trang trại hoa của các công ty, của người dân thành phố này - nơi đã làm nên thương hiệu hoa Đà Lạt.

Luồng gió mới đến từ Hà Lan

Những ngày này đến thành phố Đà Lạt, đâu đâu cũng thấy bạt ngàn hoa. Chúng tôi như được lạc vào thế giới hoa của những gia đình tại đây. Có thể nói, ngành hoa là một ngành nông nghiệp công nghệ cao, mang lại lợi nhuận rất lớn. Hiện mỗi năm Lâm Đồng sản xuất hoa đạt 18 triệu cành, giá trị xuất khẩu 25 triệu USD/năm...

Để có được kết quả trên là do nơi đây được thiên nhiên ưu đãi với khí hậu luôn luôn mát mẻ quanh năm, cộng thêm sự bứt phá của doanh nghiệp và các hộ gia đình đã sớm ứng dụng công nghệ cao vào việc trồng và bảo quản hoa.

Năm 1994, Công ty Hoa tươi Dalat Hasfarm, một doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Hà Lan đã đem luồng gió mới “ứng dụng công nghệ cao - hitech” vào Lâm Đồng, làm thay đổi phương thức trồng hoa truyền thống của người dân địa phương.

Khởi đầu chỉ với 2,5ha trồng hoa, đến nay Dalat Hasfarm đã phát triển thành trang trại 300 ha theo quy trình công nghệ cao. Mọi quy trình sản xuất, kinh doanh của công ty đều được ứng dụng công nghệ tiến tiến của nước ngoài từ khâu chăm sóc, tưới bón, bảo dưỡng đến quản lý bán hàng để cho ra thị trường những sản phẩm hoa cắt cành, hoa chậu, giống hoa xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.

Sau khi tham khảo học hỏi cách trồng hoa của Dalat Hasfarm, nhiều gia đình đã ứng dụng cách làm này vào vườn hoa nhà mình. Chúng tôi đến thăm vườn hoa của gia đình anh Nguyễn Đăng Phúc (tổ 20, An Sơn, Phường 4, thành phố Đà Lạt) như lạc vào vườn hoa lyly đang lên mơn mởn chuẩn bị đến ngày thu hoạch của gia đình anh. Anh Phúc kể, để có được vườn lyly như thế này anh đã rất vất vả trồng thử nghiệm rất nhiều loại hoa khác nhau.

"Hoa hi-tech" khoe sắc Xuân trên “thành phố tình yêu” ảnh 2Hoa lyly tại gia đình anh Phúc. (Ảnh: T.H/Vietnam+)

Năm 1987, Nguyễn Đăng Phúc xuất ngũ về Đà Lạt sinh sống và phụ giúp bố mẹ làm vườn. Sau khi cưới vợ, được bố mẹ cho 3 sào đất, anh cùng vợ làm giàn trồng hoa lay ơn, hoa cúc để sống qua ngày. Hơn chục năm trôi qua, vừa làm vừa tích lũy, vợ chồng gom góp tiền mua được 8 sào đất để trồng hoa.

Năm 2009, thấy trồng lyly mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng diện tích đất của gia đình ở ngoài phố quá ít, khó phát triển hơn được nên anh Phúc cho người khác thuê hết đất, còn mình vào vùng rừng núi thuộc xã Đạ Sar (huyện Lạc Dương) mua 2,7ha đất trồng lyly. Một dãy nhà kính khác với đầy đủ trang thiết bị cùng hệ thống tưới tự động được anh đầu tư trên vùng đất mới cùng nhiều loại máy móc hiện đại.

Cũng có những quyết định táo bạo như anh Phúc, chị Vũ Thị Phương ở phường 5 Vạn Thành, thành phố Đà Lạt hiện đang trồng 2,5 ha hoa lyly. Khi chúng tôi đến gia đình chị đang tất bật chuẩn bị để chuyển hoa về Thành phố Hồ Chí Minh.

Điều đáng khâm phục ở chị Phương là chị không phải người Đà Lạt mà là người Sài Gòn lên đây lập nghiệp. Theo lời chị Phương, chị được một người bạn rủ về Đà Lạt trồng hoa, lúc đầu chị làm chung cùng với bạn được khoảng 2 năm thì tách ra làm riêng.

Đầu tư nhiều nhưng mang lại thu nhập cao

Thấy được hiệu quả từ mô hình trồng hoa này, nhiều hộ dân trên địa bàn thành phố cũng đã bỏ tiền xây dựng nhà lồng trồng hoa cấy mô với quy mô vài trăm mét vuông mỗi hộ, với các loại hoa phổ biến như: hoa hồng, cúc, cẩm chướng, đồng tiền, lyly, hoa lan, thu hảu đường, hoa anh thảo… Điều đáng chú ý là các hộ trồng hoa tự phát này cũng học hỏi và áp dụng kỹ thuật từ các hộ trồng trước nên hầu như cũng không gặp khó khăn trong việc chăm sóc và tỷ lệ cây sống rất cao. Và đây đang được xem là mô hình mang lại hướng thoát nghèo, vươn lên làm giàu bền vững cho người nông dân.

Có tận mắt thực tế mới thấy, nơi đây như một “thành phố công nghiệp hoa” thu nhỏ với chuỗi nhà kính trồng hoa nhập khẩu có hệ thống điều khiển mái đóng, mở tự động, mái lợp bằng plastic chống tia cực tím. Trong nhà kính có hệ thống màn chắn sáng, hệ thống thông gió và sưởi, hệ thống tưới nhỏ giọt và tưới phun được cài đặt theo thông số qua máy tính điều khiển tự động nhằm tạo môi trường tối ưu cho sự phát triển của cây trồng, hạn chế dịch bệnh, tăng năng suất và chất lượng hoa.

"Hoa hi-tech" khoe sắc Xuân trên “thành phố tình yêu” ảnh 3Hoa chậu của Đà Lạt cho thu nhập cao. (Ảnh: Anh Hòa/Vietnam+)

Để duy trì chất lượng hoa tốt nhất khi đến tay người tiêu dùng, sau khi thu hoạch, hoa còn được bảo quản và đóng gói theo một quy trình khoa học bao gồm việc xử lý, bảo quản trong kho lạnh, phân loại, đóng gói tự động và vận chuyển.

Nhờ hoa đẹp, chất lượng tốt, vườn hoa lyly của anh Phúc được thị trường ưa chuộng. Hằng năm anh cung cấp cho bạn hàng khoảng 1 triệu cành lyly với nhiều chủng loại khác nhau, thu lãi trên dưới 1 tỷ đồng. “Mình tính toán đơn giản kiểu nông dân là mỗi năm làm 1 triệu củ giống, đến khi thu hoạch thì cứ 1 củ mình kiếm lời 1.000 đồng thôi, như vậy mình có được 1 tỷ đồng rồi, bởi vậy mình mạnh dạn vào đây để đầu tư làm hoa lyly. Sản phẩm của mình có mặt tại thị trường Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, các tỉnh miền Trung và trong mấy năm qua, mình luôn bị cháy hàng,” anh Phúc nói.

Hay như vườn hoa của chị Phương cũng vậy, mỗi hécta trung bình từ 300-400.000 cành lyly. Mỗi một năm trừ chi phí chị cũng đã thu lãi được 3-4 tỷ đồng. Hoa của gia đình chị chủ yếu được tiêu thụ ở Sài Gòn, Hà Nội và các tỉnh miền Trung.

Một cán bộ của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) Lâm Đồng cho biết: Ban đầu chưa đủ vốn chị Phương đã vay của Agribank Lâm Đồng 2 tỷ đồng để phục vụ cho việc trồng hoa nhưng dần dần cứ lãi mẹ đẻ lãi con, giờ chị đã không những không phải vay ngân hàng mà còn là bạn hàng lớn của Agribank Lâm Đồng khi cho vay mỗi năm vài tỷ đồng.

Đà Lạt có 10.000 ha đất nông nghiệp, trong đó có 4.500ha trồng rau, 3.000ha trồng hoa, còn lại là cà phê và các cây trồng khác. Hàng năm thành phố này cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu 285.000 tấn rau quả các loại và hơn 1 tỷ cành hoa.

Hiện cả nước có 4 doanh nghiệp nông nghiệp được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là doanh nghiệp ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao thì Đà Lạt có 3 doanh nghiệp, gồm Công ty trách nhiệm hữu hạn Dalat GAP, Công ty cổ phần công nghệ sinh học Rừng Hoa Đà Lạt và Công ty Dalat Hasfarm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục