Hoàng Anh Gia Lai lên tiếng về cáo buộc phá rừng

Ông Đoàn Nguyên Đức khẳng định Hoàng Anh Gia Lai chỉ nhận phần đất được chính phủ Lào, Campuchia cho phép đầu tư, không vào các nước này chiếm đất trồng cao su.
Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hoàng Anh Gia Lai khẳng định tất cả các cáo buộc của Tổ chức phi chính phủ Global Witness về việc Hoàng Anh Gia Lai phá rừng, chiếm đoạt đất tại Lào và Campuchia là hoàn toàn sai sự thật.

Chiều 17/5, tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong cuộc trao đổi thông tin về các hoạt động đầu tư của Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai tại Lào và Campuchia, ông Đức cho biết Hoàng Anh Gia Lai luôn tuân thủ theo đúng luật pháp nước sở tại.

Theo ông Đoàn Nguyên Đức, Hoàng Anh Gia Lai chỉ nhận những phần đất được chính phủ các nước cho phép đầu tư theo đúng quy định pháp luật của từng nước, không có chuyện vào các nước này để chiếm đất trồng cao su.

Tại Campuchia, 4 công ty của Hoàng Anh Gia Lai chỉ đầu tư trồng chưa tới 40.000ha cao su, theo đúng quy định của luật pháp (quy định một công ty chỉ sở hữu không quá 10.000ha).

Việc cáo buộc Hoàng Anh Gia Lai khai thác gỗ trái phép là không chính xác, Hoàng Anh Gia Lai không hề tham gia việc đấu giá cũng như khai thác gỗ, kể cả gỗ có giá trị kinh tế trong khu vực nhượng quyền của mình tại Lào và Campuchia.

Để đảm bảo tính xác thực, phía Hoàng Anh Gia Lai đã mời tổ chức Global Witness cùng các cơ quan thông tấn quốc tế đến khảo sát tại những khu vực mà Global Witness cho rằng Hoàng Anh Gia Lai khai thác gỗ trái phép, chiếm đoạt đất đai, để chứng minh.

Tuy nhiên, tối 16/5, trong thư phúc đáp của mình, tổ chức Global Witness không chấp nhận đến các khu vực trên, mà chỉ gặp riêng với lãnh đạo Hoàng Anh Gia Lai tại Việt Nam.

Theo ông Đức, cáo buộc của Global Witness không có giá trị pháp lý, nhưng đã ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của công ty. Do Global Witness là tổ chức phi chính phủ, nên Hoàng Anh Gia Lai sẽ không khởi kiện tổ chức này để đòi bồi thường thiệt hại do cáo buộc sai sự thật trên gây ra.

Để phát triển bền vững, tránh những cáo buộc vô lý như của tổ chức Global Witness, ông Đoàn Nguyên Đức cho biết ngay trong thời gian tới, Hoàng Anh Gia Lai sẽ mời các tổ chức độc lập lớn của thế giới vào đánh giá tác động môi trường, xã hội toàn bộ hệ thống đầu tư, môi trường của Hoàng Anh Gia Lai tại Việt Nam, Lào, Campuchia; đồng thời đề nghị các tổ chức xác nhận để được cấp chứng chỉ bảo vệ rừng FSC của Hội đồng quản trị rừng thế giới.

Hoàng Anh Gia Lai đầu tư trồng cao su tại Lào và Campuchia bắt đầu từ năm 2008 và 2009. Hiện nay, diện tích cao su đã trồng tại Lào là 27.000ha, Campuchia là 13.800ha (chưa đi vào khai thác), ở Việt Nam là 6.800ha.

Trong thời gian tới, Hoàng Anh Gia Lai sẽ tiếp tục đầu tư tại khu vực ba nước Đông Dương khoảng 30.000ha. Từ khi đầu tư tại Lào và Campuchia, Hoàng Anh Gia Lai đã chi trên 30 triệu USD làm công tác từ thiện như xây dựng các cây cầu nối liền các bản, xây dựng hàng trăm km đường cấp phối và hệ thống đường dây điện, xây bệnh viện 200 giường cùng nhiều trường học…

Hiện nay, phần lớn lao động làm việc trong các nông trường cao su của Hoàng Anh Gia Lai tại Lào và Campuchia là lao động địa phương. Vì vậy, đời sống nhân dân tại các khu vực này được cải thiện đáng kể.

Trong đó, tỉnh Attapeu (Lào), nơi có diện tích trồng cao su lớn của Hoàng Anh Gia Lai với khoảng 25.000ha, là tỉnh được hỗ trợ nhiều nhất. Tại tỉnh này, thu nhập bình quân đầu người 5 năm trước chỉ khoảng 300-400 USD/người/năm, hiện tại đã lên trên 1.200 USD/người/năm.

Trong những năm qua, Attapeu cũng là một trong những tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất của Lào./.

Vũ Tiến Lực (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục