IFC cam kết hợp tác giải quyết vấn đề việc làm

Thúc đẩy tạo công ăn việc làm là con đường để thoát đói nghèo tại các nước đang phát triển và đây cũng là ưu tiên tối cao của IFC.
Một nghiên cứu mới đây của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới cho biết có thể đẩy nhanh tốc độ tạo việc làm, một yêu cầu cấp bách của các nước đang phát triển, nếu các nhà hoạch định chính sách và tổ chức phát triển coi việc xóa bỏ những rào cản cho tăng trưởng mà các doanh nghiệp tư nhân đang phải đối mặt là một ưu tiên.

Theo IFC, Các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ (MSME) tạo ra phần lớn số việc làm ở các nước đang phát triển, nhưng những công việc này cũng có năng suất thấp hơn, mức tiền công thấp hơn và ít tạo cơ hội đào tạo, phát triển cho người lao động hơn. Những doanh nghiệp nhỏ cũng thường chịu tác động nhiều nhất từ những rào cản trong tạo việc làm, đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp chưa tận dụng được hết tiềm năng.

Tiếp cận nguồn vốn là vướng mắc chính đối với các MSME. Khắc phục được rào cản này sẽ tăng đáng kể khả năng tạo việc làm. Chẳng hạn, IFC đã và đang đầu tư cho một mạng lưới rộng lớn các tổ chức tài chính trung gian ở các thị trường mới nổi, để mạng lưới này trong năm 2011 đã đầu tư cho 23 triệu doanh nghiệp MSME, từ đó tạo việc làm cho hơn 100 triệu người.

IFC chỉ ra, các chuỗi cung ứng và phân phối của doanh nghiệp là khu vực tạo ra nhiều việc làm nhất. Cứ mỗi việc làm được tạo ra tại doanh nghiệp này lại có hơn 20 việc làm khác được tạo thêm trong các chuỗi cung ứng và phân phối.

Ngoài ra, khan hiếm điện năng là vấn đề lớn nhất của các nước thu nhập thấp. Tạo nguồn cung điện năng ổn định cho doanh nghiệp sẽ có thể làm tăng số việc làm mới mỗi năm ít nhất 4%.

Thêm vào đó, phụ nữ và thanh niên là những đối tượng gặp khó khăn đặc biệt về việc làm. Các rào cản pháp lý, thiếu tiếp cận nguồn vốn và các trở ngại về văn hóa thường buộc phụ nữ phải làm những công việc có mức lương thấp và kém ổn định. Thanh niên thậm chí có nguy cơ thất nghiệp cao hơn gần gấp 3 lần và cũng thường phải làm những công việc thời vụ hơn.

Ông Jin-Yong Cai, Phó Chủ tịch Điều hành kiêm Tổng giám đốc IFC cho biết: “Thất nghiệp là một cuộc khủng hoảng đối với toàn cầu và đặc biệt cấp bách ở những nước nghèo nhất. Là một tổ chức phát triển lớn nhất thế giới tập trung hỗ trợ khu vực tư nhân, chúng tôi tin tưởng rằng tạo công ăn việc làm là con đường chắc chắn nhất để thoát khỏi đói nghèo. Thúc đẩy công tác này ở các nước đang phát triển là ưu tiên tối cao của chúng tôi.”

Trên thế giới hiện có khoảng 200 triệu người đang thất nghiệp. Ngân hàng Thế giới ước tính rằng từ nay cho đến năm 2020 cần phải tạo ra được 600 việc làm mới, chủ yếu ở các nước đang phát triển thì mới có thể theo kịp tốc độ tăng dân số. Đáp án nằm ở khu vực tư nhân, nơi cung cấp 9/10 việc làm mới.

Ông Roland Michelitsch, một cán bộ quản lý của IFC và tác giả chính của nghiên cứu cho biết: “IFC và Nhóm Ngân hàng Thế giới đang có một số chương trình tập trung vào việc thu hẹp khoảng cách về kỹ năng. Nhưng vẫn còn có thể làm thêm nhiều điều khác nữa để tạo thêm được nhiều việc làm, không chỉ đối với chúng tôi mà cả với những tổ chức phát triển, các nhà hoạch định chính sách và chính khu vực tư nhân”./.

Linh Chi (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục