IMF liên tục hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu

Những rủi ro về chính trị và tài chính kéo dài, cuộc nội chiến tại Syria, thị trường tài chính bất ổn là nguyên nhân khiến kinh tế thế giới chưa thoát khỏi giai đoạn chậm phát triển kéo dài.
IMF liên tục hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu ảnh 1Người dân Nhật Bản mua sắm tại thủ đô Tokyo. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tốc độ tăng trưởng yếu, chủ nghĩa bảo hộ đang nổi lên và những thiệt hại của kịch bản Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) là những yếu tố khiến Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2016.

Trong báo cáo "Triển vọng kinh tế thế giới" mới nhất công bố ngày 12/4, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay đã được điều chỉnh giảm 0,2% so với báo cáo hồi tháng Một vừa qua, xuống còn 3,2%. Đây là quý thứ ba liên tiếp thể chế tài chính này hạ mức dự báo tăng trưởng toàn cầu.

IMF nhận định nền kinh tế toàn cầu đang ngày càng mong manh và rất dễ rơi vào suy thoái. Những rủi ro về chính trị và tài chính kéo dài, cuộc nội chiến tại Syria, thị trường tài chính bất ổn, tình trạng biến đổi khí hậu là nguyên nhân khiến kinh tế thế giới chưa thoát khỏi giai đoạn chậm phát triển kéo dài. Để bứt khỏi tình trạng trì trệ này, các cường quốc thế giới cần phải hành động ngay tức thì.

Dự báo kinh tế toàn cầu đi xuống cũng kéo theo triển vọng không mấy lạc quan tại các nền kinh tế phát triển và mới nổi như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Nga, Brazil.

Theo IMF, Mỹ, nền kinh tế số một thế giới, sẽ chỉ đạt mức tăng trưởng trong năm nay là 2,4%, thấp hơn 0,2% so với mức dự báo hồi đầu năm. Đồng USD mạnh là một trong những yếu tố khiến kinh tế Mỹ không đạt mức tăng trưởng như mong đợi.

Báo cáo của IMF còn chỉ rõ Mỹ đang góp phần vào sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ và tâm lý dân tộc trong kinh tế khi một số ứng cử viên tham gia bầu cử tổng thống đưa ra tuyên bố chống lại các hiệp định tự do thương mại, trong đó có Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Điều này đi ngược lại xu hướng chung của hội nhập kinh tế toàn cầu.

Bức tranh kinh tế của Trung Quốc và các nước Đông Âu được đánh giá khả quan hơn. Tuy nhiên, tăng trưởng của Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chỉ chạm ngưỡng 6,5% trong năm nay, và 5,2% trong năm tới, giảm đáng kể so với giai đoạn trước.

Kinh tế Nhật Bản được dự báo sẽ tăng trưởng 0,5% trong năm nay, song năm tới sẽ giảm 0,1%. IMF cũng đặc biệt lưu ý tới nguy cơ giảm phát của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này.

Brazil, quốc gia đang chứng kiến sự biến động trên chính trường do vụ bê bối tham nhũng, sẽ chỉ tăng trưởng 3,2% trong năm nay, thấp hơn 0,2% so với mức dự báo hồi đầu năm, và thấp hơn nhiều so với mức 3,8% của tháng Bảy năm ngoái.

Trong khi đó, IMF cũng hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone). Khủng hoảng người di cư, chủ nghĩa khủng bố và mối đe dọa từ nguy cơ nước Anh rời khỏi EU là những tác nhân khiến kinh tế của Eurozone gồm 19 nước thành viên chỉ tăng trưởng khiêm tốn 1,5% trong năm nay, thấp hơn 0,2% so với dự báo trước đó và giảm so với tỷ lệ 1,6% đạt được hồi năm ngoái. Không chỉ tăng trưởng chậm, IMF còn cảnh báo những quốc gia Eurozone sẽ còn phải đối mặt với nhiều vấn đề lớn khác như tỷ lệ thất nghiệp cao và sự ì ạch trong tiến trình cải cách.

Theo IMF, kinh tế Nga năm nay sẽ giảm 1,8%, và năm tới sẽ tăng nhẹ 0,8%. Tăng trưởng kinh tế của Saudi Arabia và các quốc gia xuất khẩu dầu hàng đầu ở Trung Đông đều được dự báo giảm mạnh do giá dầu chưa có dấu hiệu tăng trở lại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục