IMF cảnh báo kinh tế thế giới có nguy cơ “trật bánh”

IMF nhận định tăng trưởng toàn cầu chậm lại và có thể bị "sai hướng" do sự bất ổn của thị trường, giá hàng hóa giảm sâu hay các cuộc xung đột địa chính trị.
IMF cảnh báo kinh tế thế giới có nguy cơ “trật bánh” ảnh 1Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Janet Yellen. (Nguồn: THX/TTXVN)

Ngày 24/2, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo nền kinh tế thế giới có nguy cơ cao bị “trật bánh” tăng trưởng đồng thời kêu gọi có các cơ chế mới để bảo vệ những quốc gia dễ tổn thương nhất.

Trong một báo cáo mới về các thách thức kinh tế trước thềm Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), IMF nhận định tăng trưởng toàn cầu đã chậm lại và có thể bị "sai hướng" do sự bất ổn của thị trường, giá hàng hóa giảm sâu hay các cuộc xung đột địa chính trị.

Theo IMF, sự bất ổn của thị trường tài chính không chỉ siết chặt các điều kiện tài chính tại các nền kinh tế phát triển, làm mất đà tăng trưởng mà còn gây ra làn sóng thoái vốn tại các nền kinh tế mới nổi, siết chặt điều kiện tài chính, tạo áp lực lên nguồn vốn, kéo theo tình trạng tiền tệ mất giá.

Giá các mặt hàng cơ bản, đặc biệt là dầu mỏ, lao dốc sẽ gia tăng sức ép lạm phát, gây tổn thương cho các nước xuất khẩu.

Trong khi đó, lượng cầu của các nước vẫn không tăng tiếp tục tạo ra ảnh hưởng tiêu cực cho nền kinh tế toàn cầu.

Bên cạnh đó, các sự kiện gây chấn động nền kinh tế thế giới như vụ giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc hay chuỗi giảm sâu của các hàng hóa cơ bản, các vấn đề địa chính trị như khủng hoảng người di cư Syria và sự bùng phát virus Zika ở Mỹ Latinh cũng là những mối đe dọa có thể làm chệch hướng phục hồi của kinh tế toàn cầu.

Trước những thách thức trên, IMF nêu rõ cần phải có những chính sách mạnh mẽ ở cả cấp độ quốc gia và đa phương để kiểm soát các nguy cơ và thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu hướng tới một con đường thịnh vượng hơn.

Theo thể chế tài chính này, các nền kinh tế phát triển cần giảm phụ thuộc vào chính sách tiền tệ và tăng cường chính sách tài chính, tập trung vào đầu tư.

Ngân hàng trung ương các nước, đặc biệt là Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED), cần giữ nguyên các chính sách tiền tệ thích hợp nhằm đảm bảo các điều kiện tài chính siết chặt hơn không cản trở đà tăng trưởng.

Đối với các nền kinh tế mới nổi, IMF khuyến cáo nên thực hiện chính sách linh hoạt tỷ giá hối đoái và chỉ sử dụng biện pháp can thiệp mang tính thời điểm. Thể chế cho vay quốc tế này cho rằng các nước nên tăng cường năng lực tài chính và kêu gọi các cơ chế tài chính mới nhằm hỗ trợ các quốc gia có nhu cầu.

Báo cáo của IMF cũng dự kiến sẽ hạ dự báo tăng trưởng thế giới trong năm 2016 so với mức 3,4% đưa ra hồi tháng 1. Theo tài liệu này, hoạt động kinh tế toàn cầu bất ngờ chậm lại vào cuối năm 2015 và tiếp tục yếu kém trong giai đoạn đầu năm nay do sự lao dốc của giá các mặt hàng quan trọng.

Hội nghị G20 dự kiến sẽ diễn ra ngày 26-27/2 tại Thượng Hải, Trung Quốc với nội dung tập trung vào phản ứng của các quốc gia trước các mối đe dọa đối với tăng trưởng dự báo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục