"Kẻ hủy diệt" đã xin gia đình các nạn nhân tha thứ

Trong phiên xét xử của Tòa án, Umar Patek đã xin gia đình các nạn nhân tha thứ và cho biết vụ đánh bom là một “thất bại hoàn toàn."
Trong phiên xét xử của Tòa án Quận Tây Jakarta kéo dài trong 3 giờ, Umar Patek đã xin gia đình các nạn nhân tha thứ và cho biết vụ đánh bom là một “thất bại hoàn toàn."

Patek cho biết: "Tôi rất buồn và hối tiếc về vụ việc xảy ra và muốn dùng cơ hội này để cầu xin sự tha thứ từ các nạn nhân, gia đình của họ và bất cứ ai bị thiệt hại, bao gồm cả Chính phủ Indonesia."

Umar Patek đã thừa nhận kế hoạch tiến hành vụ tấn công khủng bố được bàn bạc tại nhà của Dulmatin (một phần tử khủng bố đã bị cánh sát bắn chết trong năm 2010) với lý do là để trả đũa việc Israel sát hại những người Hồi giáo ở Palestine, và những nạn nhân tại Bali không phải là người Israel và không hề có mối liên quan nào đến Palestine.

Mặc dù thừa nhận việc chế tạo bom, song bị cáo biện bạch rằng ngay từ đầu đã phản đối ý tưởng trả thù bằng việc đánh bom khủng bố được đưa ra, và vẫn phủ nhận việc từng gặp Osama bin Laden, cũng như không hề biết về việc Osama bin Laden đã chuyển 30.000 USD cho Jemaah Islamiyah.

Tại phiên xét xử lần này, sẽ có thêm chứng cứ mới được đưa ra là điều tra của một nhân viên đặc biệt làm việc cho Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI), khẳng định Umar Patek có liên quan đến Osama bin Laden.

Umar Patek, được mệnh danh là “kẻ hủy diệt," bị buộc tội có liên hệ với nhóm khủng bố Jemaah Islamiyah và chế tạo bom cho các phần tử của nhóm này tiến hành vụ đánh bom khủng bố vào hai hộp đêm ở đảo du lịch Bali, Indonesia ngày 12/10/2002, khiến 202 người thiệt mạng, trong đó có 88 người Australia, và làm nhiều người khác bị thương.

[Indonesia xét xử "kẻ hủy diệt" vụ đánh bom tại Bali]

Ngoài ra, Umar Patek còn bị buộc tội có liên quan đến một số vụ tấn công trước đó vào nhà thờ Thiên chúa ở thủ đô Jakarta đêm Giáng sinh năm 2000.

Umar Paek, 45 tuổi, được dẫn độ từ Pakistan về Indonesia, sau khi bị lực lượng an ninh Pakistan bắt giữ ngày 25/1/2011 tại Abbottabad, cũng là nơi trùm khủng bố Osama bin Laden) của mạng lưới khủng bố Al-Qaeda bị lực lượng đặc nhiệm của Mỹ tiêu diệt sau đó bốn tháng.

Tại phiên sơ thẩm Umar Patek đã đối mặt với sáu tội danh, trong đó có âm mưu giết người, chế tạo bom, sở hữu vũ khí trái phép... có thể phải chịu mức án cao nhất là tử hình, song bị cáo đã khăng khăng phủ nhận mọi cáo buộc của Công tố viên, và chỉ thừa nhận có vai trò nhỏ trong các vụ khủng bố nói trên.

Dự kiến, Công tố viên sẽ đề xuất mức án vào ngày 21/5 và Tòa án sẽ ra phán quyết cuối cùng vào ngày 21/6./.

Việt Tú/Jakarta (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục