Kinh tế Australia kỳ vọng khởi sắc dưới thời ông Abbott

Việc Thủ tướng Abbott cam kết cắt giảm thuế và tiến hành các cuộc cải cách đã mang tới những hy vọng mới cho nền kinh tế Australia.
Việc Thủ tướng đắc cử Australia Tony Abbott tuyên bố tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cam kết cắt giảm thuế cũng như tiến hành các cuộc cải cách đã mang tới những hy vọng về nguồn sức mạnh mới cho nền kinh tế Australia đang nỗ lực chuyển đổi cơ cấu sau giai đoạn phát triển bùng nổ của ngành khai khoáng.

Bên cạnh tuyên bố sẽ tăng đầu tư cho việc xây dựng những con đường của thế kỷ 21, ông Abbott cam kết nới lỏng quy định, bỏ thuế đánh vào khí thải và thuế lợi nhuận khai mỏ cũng như cắt giảm thuế cho các doanh nghiệp, trong khi giảm chi tiêu công.

Nền kinh tế dựa vào xuất khẩu hàng hóa của Australia trước đây được coi là ví dụ thành công trên toàn cầu, với tăng trưởng kinh tế ổn định, thất nghiệp thấp cũng như hoạt động khai thác tài nguyên được đẩy mạnh đã góp phần giúp kinh tế nước này tránh được suy thoái trong hơn 20 năm qua.

Tuy vậy, khi sự bùng nổ kéo dài một thập niên của lĩnh vực khai khoáng đang lắng xuống, kinh tế Australia đang tăng trưởng ở tốc độ chậm hơn trong lúc nước này đang trải qua thời kỳ chuyển đổi khó khăn, tìm kiếm các động lực khác cho tăng trưởng.

Thách thức phải đối mặt

Ông Abbott tuyên bố Australia "sẽ hoạt động hiệu quả trở lại," nhưng các nhà quan sát nhận định, khi chính thức nhậm chức, ông sẽ đối mặt những thách thức mà Chính phủ cũ từng vấp phải và bị thất bại.

Các vấn đề nổi cộm nhất mà ông Abbott sẽ phải xử lý cho thật tốt để đảm bảo thực hiện cam kết trước cử tri là làm sao chặn đà suy giảm tăng trưởng kinh tế, giải quyết dứt điểm chương trình khí thải gây tranh cãi do chính phủ tiền nhiệm đưa ra, và xử lý một cách hợp tình hợp lý vấn đề người tị nạn bằng thuyền từ châu Phi và nhiều nơi khác đến Australia.

Các chính sách của Chính phủ cũ đối với vấn đề này trong nhiều năm liền đã gặp phải sự phản đối từ nhiều phía, cả các tổ chức quốc tế lẫn người dân Australia không muốn người tị nạn làm ảnh hưởng đến cuộc sống của họ.

Trước đó, Liên đảng đối lập của ông Abbott cho rằng sự giảm tốc của nền kinh tế hiện nay là bằng chứng cho thấy Công đảng cầm quyền đã chi tiêu quá mức và cần thiết phải có nhiều chính sách thận trọng hơn nữa.

Australia là nền kinh tế phát triển duy nhất tránh được suy thoái trong cuộc khủng hoảng tài chính thế giới. Tuy vậy, các chuyên gia dự báo tăng trưởng kinh tế Australia sẽ tiếp tục chậm lại trong những quý tới do phải giải quyết tình trạng đi xuống của ngành khai khoáng.

Nền kinh tế của Australia vốn dựa chủ yếu vào xuất khẩu khoáng sản, mà khách hàng lớn nhất là Trung Quốc đã gặp không ít khó khăn, thậm chí đang giảm đà tăng trưởng do bị ảnh hưởng từ tình trạng giá cả hàng hóa toàn cầu sụt giảm. Đồng thời nền kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu chững lại. Đây là một vấn đề đã gây khó khăn cho chính phủ tiền nhiệm của Australia.

Thậm chí, một số ý kiến phản đối Trung Quốc đang khai thác mạnh tài nguyên quốc gia của Australia nên việc Chính phủ cũ thắt chặt quan hệ thương mại với Trung Quốc là một nguyên nhân khiến cho Công đảng thất bại trong cuộc bầu cử vừa qua.

Kể từ năm 2001, cán cân thương mại của Australia trong tình trạng yếu kém cho dù lĩnh vực khai khoáng phát triển bùng nổ và hoạt động thương mại tăng cao ở nước này.

Với kết quả hoạt động xuất khẩu không mạnh, thâm hụt tài khoản vãng lai của Australia hiện ở mức 3-4% GDP có thể tiếp tục tăng, khiến nước này phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn tài chính quốc tế.

Trong khi đó, tình hình tài chính công của Australia đang suy yếu khi đà tăng trưởng mạnh mẽ của lĩnh vực hàng hóa không còn bù đắp được nhu cầu trong nước yếu kém. Nguồn thu ngân sách của Australia cũng sụt giảm dẫn tới nguy cơ thâm hụt ngân sách cao.

Trong bối cảnh trên, những điều chỉnh về chính sách của Australia nhằm tái cân bằng nền kinh tế chỉ thu được những thành công hạn chế. Ngân hàng trung ương Australia (RBA) đã hạ thấp lãi suất xuống mức thấp 2,5%/năm, để thúc đẩy lĩnh vực nhà đất và chi tiêu tiêu dùng, đồng giảm giá đồng nội tệ AUD.

Trong khi việc giảm lãi suất đến nay chỉ mang lại những kết quả hạn chế với lĩnh vực nhà đất, tăng trưởng tín dụng, tiêu dùng, đầu tư phi hàng hóa, việc làm và lòng tin, thì giải pháp hạ giá đồng AUD để đẩy mạnh xuất khẩu gần như "mất thiêng" do phải phụ thuộc nhu cầu bên ngoài trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nói chung vẫn còn yếu.

Triển vọng kinh tế

Kinh tế Australia đã giảm tốc nhanh chóng kể từ khi GDP của nước này tăng trưởng 4,5% trong quý 1/2012, sau đó, GDP của Australia tiếp tục chậm lại và chỉ tăng trưởng 2,5% và 2,6% trong hai quý đầu năm 2013.

Theo kết quả điều tra của hãng tin Bloomberg với sự tham gia của 32 nhà kinh tế, tăng trưởng của Australia sẽ ở mức tương ứng 2,4% và 2,3% trong hai quý còn lại.

Còn về dài hạn, kinh tế Australia sẽ tăng trưởng 3%/năm, và các nhà kinh tế đều cho rằng kinh tế nước này sẽ không thể hồi phục mức này trước năm 2015. Tuy vậy, họ tin rằng năm 2013 dường như sẽ là "đáy" của đà giảm tốc tăng trưởng kinh tế Australia và kinh tế nước này sẽ bắt đầu đi lên dần dần vào quý 1/2014.

Hiện tại, hai chỉ số kinh tế hàng đầu cho thấy khả năng kinh tế Australian sẽ mạnh lên trong những tháng tới, mặc dù vẫn phải đối mặt với khó khăn trong bối cảnh hiện nay.

Chỉ số Westpac-Melbourne Institute Leading Index, được sử dụng như một dấu hiệu về tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn 3-9 tháng tới, trong tháng Bảy đã tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2012, tăng 0,7% so với tháng Sáu. Con số này cao hơn mức 2,9% về dài hạn, mặc dù thấp hơn mức 5,5% của tháng 2/2013.

Trong khi đó, một chỉ số đáng chú ý khác là Coincident Index, đo lường tình hình hoạt động kinh tế hiện nay của Australia, tăng 2,4% trong tháng Bảy, tăng 0,6% so với tháng trước đó, cho dù vẫn thấp hơn 0,5% so với mức dự kiến về dài hạn.

Bên cạnh đó, một tín hiệu tích cực không thể bỏ qua là trong khi nhiều nước đang phải chật vật đối phó với cuộc khủng hoảng nợ và suy thoái kinh tế thì kinh tế Australia không rơi vào suy thoái trong 21 năm liên tiếp.

Còn theo những số liệu từ cơ quan thống kê quốc gia của Australia và Tây Ban Nha, Australia, nền kinh tế có tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trị giá gần 1.380 tỷ USD, thậm chí có thể sẽ giành được vị trí nền kinh tế lớn thứ 12 thế giới của Tây Ban Nha, có GDP trị giá 1.386 tỷ USD.

Trước đó, trong bảng xếp hạng Better Life Index của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) năm 2013 công bố hồi tháng Năm, năm nước phát triển được đánh giá "hạnh phúc nhất" là Australia, Thụy Điển, Canada, Na Uy và Thụy Sĩ.

Để đưa ra bảng xếp hạng này, OECD đã thực hiện cuộc khảo sát đối với 34 nền kinh tế phát triển và mới nổi, dựa trên các tiêu chí như mức thu nhập, các vấn đề về y tế, việc làm, môi trường, an toàn, nhà ở.

Như vậy, Australia là nước duy nhất ba lần liên tiếp được OECD xếp hạng là quốc gia phát triển hạnh phúc nhất. Theo OECD, hơn 73% người dân Australia trong độ tuổi từ 15-64 có việc làm, cao hơn mức trung bình 66% của OECD. Khảo sát cũng cho thấy đến 85% người dân Australia hài lòng với cuộc sống của họ, so với tỷ lệ trung bình 80% của các nước thành viên OECD./.

Anh Quân (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục