Ký ức người lính trên chiếc xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập

Chiến tranh đã qua 40 năm, trong ký ức của cựu chiến binh Nguyễn Văn Kỷ, Tuyên Quang - người lính trên xe tăng T54B vẫn hiện rõ mỗi khi ông kể chuyện.
Ký ức người lính trên chiếc xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập ảnh 1Cựu chiến binh Nguyễn Văn Kỷ xem lại bài báo viết về chiếc xe tăng 843. (Nguồn: tuyenquang.gov.vn)

Thời khắc xe tăng T54B số hiệu 843 tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975 như một dấu chấm đầy ấn tượng cho sự kết thúc của chế độ ngụy quyền Sài Gòn, chấm dứt chia cắt, non sông thu về một mối.

Chiến tranh đã lùi xa 40 năm, nhưng trong ký ức hào hùng của cựu chiến binh Nguyễn Văn Kỷ, tổ 21, phường Hưng Thành ở thành phố Tuyên Quang - người lính trên chiếc xe tăng năm đó vẫn hiện rõ mỗi lần ông kể chuyện.

Ông Nguyễn Văn Kỷ vốn người gốc Tuyên Quang. Năm 1971, ông lên đường nhập ngũ khi mới tròn 18 tuổi và đóng quân tại Tiểu đoàn 203, Quân đoàn 2, Binh đoàn Hương Giang.

Ông Kỷ vinh dự là một trong 4 người lính điều khiển chiếc xe tăng mang số hiệu 834. Đây là kíp lái được mệnh danh "kíp lái thép" do Đại đội trưởng, Trung úy Bùi Quang Thận (quê Thái Bình) chỉ huy; lái xe, hạ sỹ Lữ Văn Hỏa (quê Hà Nam), pháo thủ số 1 Thái Bá Minh (quê Nghệ An) và ông - pháo thủ số 2, luôn tiên phong trong các trận đánh lớn.

Ông Kỷ nhớ lại, trận đánh lớn đầu tiên trong đời lính của ông là trận đánh chống quân Ngụy lấn chiếm vùng giải phóng tại Thành cổ Quảng Trị tháng 3/1972. Địch bắn súng, thả bom xối xả, quân Việt Nam vẫn ngoan cường anh dũng chiến đấu.

Tháng 3/1975, đơn vị ông được lệnh tiên phong đánh vào Huế từ ngày 5-29/3. Sau khi giải phóng Huế, xe tiếp tục tiến công các lực lượng quân địch tại Đà Nẵng và giải phóng thành phố này. Đà Nẵng giải phóng, đơn vị của ông tiếp tục nhận lệnh truy quét quân địch, giải phóng các quận, huyện ven biển Nam Trung Bộ.

Nhớ lại những ngày tháng Tư lịch sử, ông Kỷ kể: Ngày 24/4/1975, đơn vị ông nhận lệnh tập kết tại một đồn điền cách Sài Gòn 100km chuẩn bị tấn công Sài Gòn từ hướng Đông.

Ngày 29/4, Đại đội trưởng Bùi Quang Thận thông báo, đơn vị được nhận nhiệm vụ triển khai đánh chiếm Dinh Độc Lập, chiến dịch mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh. Nghe vậy, anh em trong đơn vị ai cũng phấn chấn, tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” dâng cao.

Khoảng 9 giờ ngày 30/4, đơn vị ông cùng với Đại đội tăng số 4 được lệnh phá vỡ thế phòng ngự địch, mở đường quyết tử vượt cầu Sài Gòn và nhanh chóng chiếm cầu Thị Nghè. Tại cầu Thị Nghè, xe tăng 843 bắn cháy 2 xe thiết giáp M41 và M113 của địch. Kể đến đây, giọng ông bỗng nghẹn lại, rồi ông chậm rãi: “Trận hôm ấy, Tiểu đoàn trưởng chỉ huy Tiểu đoàn xe tăng, anh hùng lực lượng vũ trang Ngô Xuân Nhỡ đã hi sinh.”

Đến Dinh Độc Lập, xe 843 húc không đổ cổng chính. Đại đội trưởng, Trung úy Bùi Quang Thuận cho xe dừng lại rồi nhanh chóng lên nóc Dinh Độc Lập cắm cờ chiến thắng của quân Việt Nam. Tại cổng vào, khi xe 843 bị kẹt lại thì chiếc xe thứ hai số hiệu 390 đã húc đổ cổng chính, đưa quân Việt Nam bắt sống toàn bộ nội các của chính quyền Sài Gòn.

Sau giải phóng, ông được giao nhiệm vụ cùng đồng đội làm công tác dân vận, vận động bà con trong vùng giải phóng đi theo chế độ của ta; vận động bà con xây dựng lại nhà cửa, ổn định đời sống; tham gia đăng ký xây dựng vùng kinh tế mới.

Chiến tranh lùi xa, người lính oai hùng trên chiến trường năm xưa không sợ bom đạn quân thù, nay về với đời thường vẫn phát huy truyền thống anh bộ đội Cụ Hồ, hăng hái phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống no ấm.

Ông bảo: "Là anh lính Cụ Hồ không sợ vất vả, chỉ sợ bệnh tật và đói nghèo thôi." Ham công tiếc việc là vậy, nhưng mỗi khi được các cơ quan, đơn vị mời đi nói chuyện truyền thống, ông đều gác bỏ việc nhà và nhận lời ngay.

Mấy chục năm đến các trường học, các địa phương kể chuyện lịch sử, bàn chân ông đã đặt đến nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.

Ông đã đến trường Trung học phổ thông Chu Văn An (Hà Nội); nói chuyện tại Đền Đô (Bắc Ninh); giao lưu với các chiến sỹ tại Sư Đoàn 313 ở Đoan Hùng ở tỉnh Phú Thọ… và rất nhiều trường học, địa phương trên địa bàn tỉnh. Trong những cuộc tọa đàm ấy, mỗi lần ông kể chuyện, hàng nghìn ánh mắt ngưỡng mộ hướng về ông, rồi những tràng pháo tay không ngớt vang lên.

Chia tay ông Kỷ, tôi vẫn nhớ mãi câu nói giản dị nhưng ý nghĩa của người lính pháo thủ oai hùng: “Những đồng đội đã ngã xuống yên nghỉ vĩnh hằng trong lòng đất mẹ mới thật sự là những người anh hùng vĩ đại.

Vì vậy, nếu còn sức khỏe, tôi vẫn sẽ tiếp tục nhận lời mời đi kể chuyện lịch sử cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Đó cũng là một cách để tri ân và ghi lòng, tạc dạ với những đồng đội tôi”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục