Mua bán và sử dụng ma túy tổng hợp tăng nhanh trong thanh thiếu niên

Tình hình buôn bán, sản xuất, vận chuyển ma túy với quy mô ngày càng lớn, đặc biệt là việc mua bán và sử dụng ma túy tổng hợp tăng nhanh trong thanh thiếu niên, hơn 70% người nghiện dưới 35 tuổi.
Mua bán và sử dụng ma túy tổng hợp tăng nhanh trong thanh thiếu niên ảnh 1 Triển lãm ảnh “Hiểm họa ma túy và khát vọng hòa nhập cộng đồng”. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Tình hình buôn bán, sản xuất, vận chuyển ma túy với quy mô ngày càng lớn, đặc biệt là việc mua bán và sử dụng ma túy tổng hợp tăng nhanh trong thanh thiếu niên. Số liệu của Bộ Lao động-thương binh và Xã hội cho thấy, có tới hơn 70% người nghiện ma tuý dưới 35 tuổi.

Đây là thông tin được đưa ra tại buổi lễ mít tinh hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống ma túy, Ngày Quốc tế phòng chống ma tuý, Ngày toàn dân phòng, chống ma túy 26/6 do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Công an, Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Giang tổ chức ngày 10/6 tại Bắc Giang.

Tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2017 được tổ chức với chủ đề “Cộng đồng chung tay hỗ trợ người nghiện.” Hơn 2.000 cán bộ, công nhân viên chức, lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã tham gia vào buổi lễ mít tinh hướng ứng tháng hành động.

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhấn mạnh, tình hình tội phạm ma túy, nghiện ma túy ở Việt Nam còn diễn biến phức tạp. Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức, quan điểm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân về sử dụng ma túy, nghiện, cai nghiện ma túy chưa đầy đủ, chưa thống nhất. Hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách chậm đổi mới, chưa đồng bộ, công tác tuyên truyền chưa đạt được hiệu quả mong muốn.

[Thủ tướng: Đấu tranh với tệ nạn ma túy để duy trì giống nòi]

Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình đề nghị Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần rà soát cụ thể tình hình tệ nạn ma túy ở địa phương; đổi mới giải pháp, nỗ lực, khẩn trương thực hiện Đề án đổi mới công tác cai nghiện ở Việt Nam đến năm 2020. Các xã, phường, thị trấn cần tăng cường quản lý người nghiện, quản lý địa bàn, giúp đỡ người nghiện cai nghiện, tìm việc làm hòa nhập cộng đồng.

“Mỗi đoàn thể xã hội cần xây dựng một chương trình về phòng, chống ma túy và giúp đỡ người nhiện ma túy thiết thực; gắn công tác phòng chống ma túy với cuộc vận động ‘toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa’. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, các tổ chức, tôn giáo tiếp tục tham gia ủng hộ, tạo nguồn lực thực hiện công tác phòng, chống ma túy, tạo việc làm cho người nghiện sau cai nghiện,” Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình nói.

Tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2017, Đảng, Nhà nước, các bộ, ban ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống và cai nghiện ma túy; quan tâm hơn nữa đến người nghiện ma túy; không kỳ thị, phân biệt đối xử đồng thời chung tay giúp đỡ, hỗ trợ người nghiện cai nghiện và hòa nhập cộng đồng.

[Long An: Học viên cai nghiện phá trung tâm, kéo nhau về nhà ăn Tết]

Hiện nay cả nước có hơn 210.000 người nghiện ma túy, người nghiện có ở mọi thành phần xã hội và lứa tuổi; trong đó hơn 70% người nghiện dưới 35 tuổi và có tới 35% người nghiện có tiền án, tiền sự liên quan đến tội phạm.

Người sử dụng ma túy tổng hợp bị ảnh hưởng hệ thần kinh, thường có những hoang tưởng, ảo giác không làm chủ được hành vi của mình, có hành động gây nguy hiểm cho bản thân và xã hội./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục