Nan giải “xóa” trạm phí

Nan giải việc làm người lao động khi “xóa” trạm phí

Chủ phương tiện và nhân viên bán vé ở các trạm thu phí bán bản quyền đều bức xúc vì những bất đồng trong mâu thuẫn dừng, "xóa" trạm.
Trong khi cơ quan chức năng vẫn đang loay hoay tìm phương án đàm phán với nhà đầu tư để mua lại 4 trạm phí bản quyền và mốc thời gian đến bao giờ xóa trạm vẫn là câu hỏi chưa có lời giải thì người lao động tại các trạm này đang hết sức lo lắng về "hậu" trạm thu phí. Chế độ nghỉ việc của các lao động sẽ được tính như thế nào và giải quyết ra sao? Ai sẽ chi trả các chi phí theo chế độ cho họ và họ sẽ được Nhà nước bố trí làm gì sau khi nghỉ?
Nhất là mới đây, sự việc một nhân viên trạm thu phí Bãi Cháy đã bị hành hung bởi chủ phương tiện không chịu mua vé lượt do chưa có sự giải quyết hợp lý từ nhà quản lý thì những câu hỏi này càng khiến họ băn khoăn.
Mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm Hơn 20 năm làm trong Công ty cầu phà Quảng Ninh, chị Đỗ Thị Thu Yên-45 tuổi, chuyển sang làm nhân viên trạm thu phí Bãi Cháy cũng từ ngày trạm kiểm soát vé đi vào hoạt động kể từ khi cây cầu Bãi Cháy hùng vĩ, đẹp đẽ được xây dựng vào những năm 2009. Thời gian đầu, chị cùng toàn thể nhân viên tại trạm làm việc 8 tiếng và chia đều 3 ca để thu vé phí các xe qua trạm. Với lương cọc 3 triệu đồng/tháng, chị Yên bảo, số tiền này cũng chỉ đủ trang trải cho cuộc sống nghèo khó, lam lũ của dân lao động. Thế nhưng, ngay sau khi quỹ bảo trì đường bộ đi vào hoạt động, chị Yên như ngồi trên đống lửa bởi không biết công việc sẽ phải nghỉ vào lúc nào đồng thời luôn phải căng thẳng đối phó với cánh lái xe bức xúc và có những hành động chửi bới, đuổi đánh, đập phá trang thiết bị trạm phí… Nhớ lại những ngày đầu khi xuất hiện thông tin trạm Bãi Cháy bắt đầu dừng thu phí từ 1/3, chị Yên vẫn chưa hết hoảng sợ. [Hơn 1.800 tỷ đồng để xóa, mua lại các trạm thu phí] Giọng nói run run, chị Yên kể, nhiều lái xe qua trạm thu phí đều nói rằng, họ đã đóng phí bảo trì nên quả quyết không mua vé lượt qua trạm. “Nhân viên trong trạm đều giải thích vẫn chưa có phương án dừng thu nhưng nhiều tài xe vẫn chửi bới và dừng phương tiện ngay trước barie trạm gây ách tắc giao thông dài hàng cây số,” chị Yên cho hay.
Nan giải việc làm người lao động khi “xóa” trạm phí ảnh 1
Chưa thể "xóa" được các trạm thu phí đã bán quyền do bất đồng cách tính. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Thậm chí, nhiều chủ phương tiện còn xuống xe, đuổi đánh nhân viên bán vé đồng thời đập phá những trang thiết bị như kính, nhà bán vé, húc đổ cần dừng xe qua trạm… Đặc biệt, trong ngày 5/3,chị Yên đã bị chủ xe tải nhất quyết không mua vé lượt đuổi đánh. "Cũng may, do chạy nhanh chân vào nhà điều hành và được đông đảo anh em can ngăn nên không bị sao,” chị Yên cho hay. Mới đây, ngày 28/4, chị Nguyễn Thị Thoa, sinh năm 1965, nhân viên thu phí trạm Bãi Cháy đã bị một nhóm đối tượng đi trên xe ôtô Mezcedes-Benz mang biển kiểm soát 19L-4036 lớn tiếng nói rằng đã đóng phí bảo trì đường bộ nên không cần mua vé. Không được chấp nhận, nhóm này tấn công chị Thoa, nhấn nút điều khiển mở barie, rồi kéo nữ nhân viên này xuống đường để đánh. Các đối tượng này còn lấy tuýp sắt đập phá bốt thu phí và lên xe trốn thoát. Ông Trịnh Quang Thông, Giám đốc Công ty Cổ phần An Sinh chi nhánh Quảng Ninh, Trạm trưởng trạm thu phí cầu Bãi Cháy cho biết một số trường hợp xe đi qua có dán tem đóng phí bảo trì đường bộ nên không mua vé trạm đã gây thiệt hại về doanh thu. Tuy nhiên, ông Thông cũng thừa nhận, giữa chủ xe và trạm thu phí luôn xảy ra mâu thuẫn về bán - mua vé do các doanh nghiệp vận tải cũng có lý của họ vì phương tiện đã đóng phí bảo trì trong khi qua trạm đã bán bản quyền thu phí vẫn phải mua vé.

"Công ty An Sinh, đơn vị được ủy quyền thu phí phương tiện qua trạm không làm sai điều gì theo quy định của Nhà nước. Công ty vẫn chưa nhận được phương án mua lại quyền thu phí nào," ông Thông khẳng định.
Trước thực trạng chủ xe qua trạm phí không mua vé và có thái độ không hợp tác, ông Thông cho rằng, Công ty đã làm công tác tư tưởng cho công nhân viên để giải thích cho đơn vị vận tải bắt buộc phải mua vé. Mặt khác, ông Thông cũng kiến nghị, việc đền bù mua trạm thu phí sẽ là cách tốt nhất để giải tỏa nỗi bức xúc của người dân và chủ phương tiện. "Gắng nặng" bố trí việc làm
Ông Trần Xuân Trường, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần An Sinh cho rằng, sau khi các trạm phí này dừng, xóa, Công ty sẽ bàn giao toàn bộ trang thiết bị và số công nhân viên lao động tại trạm cho Tổng cục Đường bộ đồng thời việc bố trí công ăn, việc làm của lao động là do sự sắp xếp, bố trí của đơn vị trên và Công ty không còn trách nhiệm liên đới. Trước thông tin đó, chị Yên cũng như nhiều lao động khác của các trạm thu phí đã rất lo lắng về công việc của mình khi hạn hợp đồng chưa hết mà đã phải nghỉ việc do Bộ Giao thông Vận tải quyết "xóa" bỏ trạm. “Chế độ nghỉ việc của nhân viên trạm phí chúng tôi sẽ được tính ra sao, giải quyết như thế nào? Các lao động sẽ sống bằng gì sau khi nghỉ làm một thời gian?,” chị Yên đặt câu hỏi. [Trạm thu phí Bãi Cháy và Hoàng Mai: Ca bài "chờ đợi"] Đây cũng là những băn khoăn của các lao động ở những trạm thu phí đã bị dỡ bỏ trước đó. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Đường bộ, tổng số lao động tại các trạm thu phí tính đến ngày 31/12/2012 là 824 lao động; trong đó số công nhân viên phải nghỉ việc hưởng trợ cấp mất việc 724 người và hiện tại chỉ mới bố trí được việc làm cho 100 người. Về sắp xếp, giải quyết chế độ cho người lao động tại các trạm thu phí, theo ông Nguyễn Xuân Cường-Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Giao thông Vận tải) đã thẩm định về phương án xử lý trợ cấp mất việc làm cho người lao động tại 20 trạm thu phí xóa, dừng thu với tổng số kinh phí trợ cấp mất việc làm phải trả cho người lao động là gần 41 tỷ đồng. Tuy nhiên, ông Đặng Hùng, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Ninh lại cho biết: “Trong giai đoạn khó khăn như hiện nay, việc giải quyết chế độ chính sách và bố trí công việc mới cho số cán bộ công nhân viên công tác ở trạm thu phí trên địa bàn tỉnh là rất khó.” Lý giải rõ hơn điều này, ông Hùng cho rằng, trên thực tế, số lao động bị mất việc kể trên rất khó để tìm được việc bởi đa phần là lao động giản đơn, không có bằng cấp chuyên môn, nên bố trí việc không dễ. “Họ có làm công nhân cũng phải có tay nghề, làm văn phòng hay bảo vệ thì hiếm có cơ quan nào nhận vì đã đủ người. Ngoài việc cố gắng giải quyết chế độ chính sách, chúng tôi cũng động viên để họ hiểu rõ và thông cảm, rất khó để chúng tôi giải quyết được trọn vẹn, bố trí công việc mới cho tất cả số lao động này,” ông Đặng Hùng thừa nhận./.
Trao đổi trong cuộc trả lời báo chí vào chiều ngày 6/5, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết, đến nay, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giao thông chưa có văn bản nào chỉ đạo về việc dừng thu tại 4 trạm gồm trạm Phù Đổng, Hoàng Mai, Bàn Thạch và trạm Bãi Cháy đồng thời Bộ Giao thông đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị khẩn trương  thực hiện đàm phán với các nhà đầu tư mua lại quyền thu phí tại 4 trạm kể trên để trình Thủ tướng Chính Phủ xem xét quyết định trong thời gian sớm nhất.
Việt Hùng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục