Nhà thờ Chợ Quán - Thánh đường cổ nhất Thành phố Hồ Chí Minh

Khánh thành vào năm 1896, Nhà thờ Chợ Quán được coi là thánh đường cổ nhất Sài Gòn mang vẻ uy nghi, tráng lệ với lối kiến trúc độc đáo.
Nhà thờ Chợ Quán - Thánh đường cổ nhất Thành phố Hồ Chí Minh ảnh 1Kiến trúc nguy nga, tráng lệ của khu chính đường. (Nguồn: Báo ảnh Việt Nam)

Tọa lạc trong một không gian xanh mát trên đường Trần Bình Trọng (Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh), Nhà thờ Chợ Quán được coi là thánh đường cổ nhất Sài Gòn mang vẻ uy nghi, tráng lệ với lối kiến trúc độc đáo.

Đến tận bây giờ, danh xưng Chợ Quán không được bất cứ sổ sách nào ghi rõ về sự ra đời của nó. Vào khoảng những năm 1700, có rất nhiều tín đồ Thiên Chúa Giáo di dân đến đây, từ nhiều vùng miền và làm nhiều nghề khác nhau.

Những người miền Trung, Bắc, Nam sau khi đã xác định chọn nơi để lập nghiệp, họ mở ra nhiều lều, quán, chợ búa để làm ăn, buôn bán. Dù vậy, họ có chung tấm lòng hướng về đạo. Từ đó mới có tên Họ Đạo Chợ Quán và sau này chính là nhà thờ Chợ Quán.

Còn theo học giả Trương Vĩnh Ký (6/12/1837-1/9/1898) thì Họ Đạo Chợ Quán gắn liền với quá trình mở rộng lãnh thổ về phía Nam của đất nước. Trong số di dân vào Nam đã có những giáo dân theo đạo Thiên Chúa. Họ đều là những tín đồ ngoan đạo nên không thể sống thiếu nhà thờ, nhà nguyện. Vì vậy, họ tập hợp nhau để cùng tổ chức nhà nguyện và sau này là nhà thờ Chợ Quán.

Thánh đường Chợ Quán ban đầu chỉ là ngôi nhà thờ đơn sơ. Ngoài ngôi nhà thờ chính là Chợ Quán, còn có những nhà nguyện và bàn thờ tư gia tại khu vực Chợ Lớn. Sau nhiều lần xây dựng rồi bị đập phá, mãi đến năm 1882, cha Nicolas Hamm về kế nhiệm đã đặt nền móng cho ngôi nhà thờ mới (nhà thờ tồn tại đến ngày nay).

Trải qua 6 đời cha sở, ngôi nhà thờ mới chính thức khánh thành vào ngày 16/2/1896.

Khi xây dựng thánh đường Chợ Quán có nhiều điều thú vị. Toàn bộ đất và cát làm nền móng được vận chuyển bởi đàn bò từ Bàu Cát (Phan Thiết) về trong suốt mấy tháng ròng.

Nhà thờ được xây theo kiến trúc Gothic (Pháp) với mái vòm nhọn. Những cột trụ lớn, nhỏ được xen kẽ của tạo nên nhịp cho chính đường và làm tăng ấn tượng về chiều dài, chiều ngang. Sự tương ứng giữa chiều cao và chiều rộng của chính đường có thể làm tăng cũng như giảm cảm giác về độ cao của đỉnh vòm.

Khi vừa bước qua cửa chính của thánh đường, mọi người sẽ có ngay cảm nhận về vẻ nguy nga, tráng lệ từ kiến trúc này. Nhà thờ có 4 dãy ghế lớn và hai dãy ghế nhỏ. Bên trái là bàn thờ Đức Mẹ, bên phải là bàn thờ Thánh Cả Giuse. Đối diện với Bàn Thánh, phía trên là hình Chúa Giêsu và phía dưới bức ảnh đó có một lối nhỏ để đi vào tháp chuông.

Tháp chuông nhà thờ Chợ Quán khá đồ sộ, gồm có 3 tầng: tầng kéo chuông, tầng để chuông và tầng trên cùng. Từ tầng trên cùng này, có thể nhìn bao quát khu vực Quận 5 của Thành phố Hồ Chí Minh. Mỗi buổi sáng, tiếng chuông thánh đường vang lên ngân dài tạo sự yên bình trong xóm đạo.

Trong khuôn viên gần 17.000 m2 gồm một trường tiểu học do nhà nước quản lý, một nhà giáo lý với 12 phòng, nhà hài cốt... tất cả được bài trí hài hòa, đẹp mắt mang lại cảm giác thư thái, thoải mái cho giáo dân tham dự thánh lễ cũng như khách đến tham quan.

Hiện nay, nhà thờ Chợ Quán có phòng khám và phát thuốc từ thiện cho dân nghèo dưới quyền quản lý của Hội Hồng thập tự Quận 5. Ngoài ra, nó còn là nơi sinh hoạt cộng đồng của người dân quanh đây như chạy bộ, tập thể dục buổi sáng hay thưởng thức không gian trong lành trong công viên trước nhà thờ./.

Nhà thờ Chợ Quán - Thánh đường cổ nhất Thành phố Hồ Chí Minh ảnh 2Bề ngoài uy nghi của Nhà thờ Chợ Quán. (Nguồn: Báo ảnh Việt Nam)
Nhà thờ Chợ Quán - Thánh đường cổ nhất Thành phố Hồ Chí Minh ảnh 3Cánh cổng sắt bên ngoài nhà thờ Chợ Quán. (Nguồn: Báo ảnh Việt Nam)
Nhà thờ Chợ Quán - Thánh đường cổ nhất Thành phố Hồ Chí Minh ảnh 4Tháp chuông 3 tầng đồ sộ của Nhà thờ Chợ Quán. (Nguồn: Báo ảnh Việt Nam)
Nhà thờ Chợ Quán - Thánh đường cổ nhất Thành phố Hồ Chí Minh ảnh 5Các họa tiết trên cửa chính Nhà thờ và tấm biển ghi năm khánh thành 1896. (Nguồn: Báo ảnh Việt Nam)
Nhà thờ Chợ Quán - Thánh đường cổ nhất Thành phố Hồ Chí Minh ảnh 6Bức phù điêu bên trong chính đường. (Nguồn: Báo ảnh Việt Nam)
Nhà thờ Chợ Quán - Thánh đường cổ nhất Thành phố Hồ Chí Minh ảnh 7Các pho tượng được thể hiện rất sống động bên trong nhà thờ. (Nguồn: Báo ảnh Việt Nam)
Nhà thờ Chợ Quán - Thánh đường cổ nhất Thành phố Hồ Chí Minh ảnh 8Các cột trụ và bàn ghế được bố trí hài hòa tăng cảm giác về chiều rộng và sâu cho chính đường. (Nguồn: Báo ảnh Việt Nam)
Nhà thờ Chợ Quán - Thánh đường cổ nhất Thành phố Hồ Chí Minh ảnh 9Nơi an nghỉ của cha Nicolas Hamm, người đặt nền móng cho nhà thờ Chợ Quán được bố trí ngay bên trong chính đường. (Nguồn: Báo ảnh Việt Nam)
Nhà thờ Chợ Quán - Thánh đường cổ nhất Thành phố Hồ Chí Minh ảnh 10 Khu vực hành lễ bên trong chính đường. (Nguồn: Báo ảnh Việt Nam)
Nhà thờ Chợ Quán - Thánh đường cổ nhất Thành phố Hồ Chí Minh ảnh 11Các họa tiết trên bàn thờ chúa Jesu. (Nguồn: Báo ảnh Việt Nam)
Nhà thờ Chợ Quán - Thánh đường cổ nhất Thành phố Hồ Chí Minh ảnh 12Khu vực hang đá của Nhà thờ Chợ Quán. (Nguồn: Báo ảnh Việt Nam)
(Báo ảnh Việt Nam/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục