Petrolimex: Đề nghị khởi tố kẻ “rút ruột” xăng dầu

Lãnh đạo Petrolimex khẳng định, sẽ sa thải tất cả nhân viên vi phạm và đề nghị khởi tố vụ án vì đây là hành động “ăn cắp” và “tham ô”.
Trước thông tin trên một số tờ báo về hoạt động rút ruột xăng dầu diễn ra gần đây, trao đổi với Vietnam+, ông Vương Thái Dũng, Phó Tổng Giám đốc, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) khẳng định, đã đình chỉ công tác và đề nghị truy tố những cá nhân vi phạm.

- Thưa ông, lãnh đạo Petrolimex đã có những quyết định gì đối với hành vi kinh doanh xăng "dởm" vừa bị phát hiện tại một số cây xăng thuộc doanh nghiệp mình?

Ông Vương Thái Dũng: Trước tiên đây là công ty cổ phần nên lãnh đạo tập đoàn đã chỉ đạo nhóm công ty cổ phần này tiến hành kiểm tra xác minh lại bài báo nêu, sau đó sẽ có những biện pháp xử lý.

Cụ thể về biện pháp hành chính sẽ sa thải tất cả những nhân viên này, còn về phía Tập đoàn đã đề nghị cơ quan bảo vệ pháp luật khởi tố vụ án vì đây là hành động “ăn cắp,” hành động “tham ô” nên cần phải xử lý.

Lãnh đạo tập đoàn cũng yêu cầu chấn chỉnh và tăng cường hơn nữa việc kiểm tra quản lý. Đương nhiên là việc kiểm tra quản lý vẫn làm thường xuyên nhưng khi xảy ra sự việc này thì cần phải tăng cường hơn nữa. Đây là quan điểm xử lý của lãnh đạo Petrolimex.

Về thái độ, chúng tôi cũng rất cương quyết, không bao che, không nương nhẹ và cần phải xử lý ở mức cao nhất.

- Là một đầu mối nhập khẩu xăng dầu lớn nhất hiện nay, vậy quy trình và quản lý chất lượng xăng dầu được tiến hành như thế nào?

Ông Vương Thái Dũng: Thực tế tất cả các sản phẩm mà Petrolimex nhập khẩu và cung cấp ra ngoài xã hội là hoàn toàn đạt các tiêu chuẩn quốc gia và tiêu chuẩn cơ sở của Petrolimex.

Thứ hai là toàn bộ quy trình nhập khẩu cho đến tồn chứa, vận chuyển, giao nhận đã có một quy trình chặt chẽ, nhưng đương nhiên trong quá trình thực hiện thì với một đơn vị hơn 20.000 cán bộ nhân viên rải khắp cả nước, bên cạnh những người có ý thức và trách nhiệm rất tốt vẫn còn những người chưa tốt (thậm chí là người xấu) nên đã có những hành động tiêu cực như vừa xảy ra.

Tôi khẳng định đây là "con sâu làm rầu nồi canh" mà thôi, nhưng cần phải lên án và xử lý nghiêm khắc sự việc này.

Bên cạnh đó tập đoàn sẽ tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát để làm lành mạnh hoạt động kinh doanh xăng dầu trong thời gian tới.

- Trước hiện tượng cháy nổ một số ôtô, xe máy gần đây, có ý kiến cho rằng do yếu tố xăng dầu gây ra, phía Petrolimex bình luận như thế nào thưa ông?

Ông Vương Thái Dũng: Thực ra việc cháy nổ có rất nhiều nguyên nhân, cũng không ngoại trừ do yếu tố nhiên liệu gây ra. Theo tôi được biết hiện nay phía công an cũng đang có chuyên án điều tra việc này và xác minh rõ nguyên nhân cháy là từ đâu (do chập điện hay nguyên nhân nào khác...) nhưng không loại trừ có một phần là do nhiên liệu.

Nhưng về chuyên môn thì xăng dầu nếu không có tác nhân bên ngoài vào sẽ rất khó cháy, việc này phải để các cơ quan chuyên môn xác minh, điều tra mới đảm bảo tính khách quan và trung thực hơn, và việc nói do yếu tố này yếu tố kia gây ra vẫn chỉ mang tính cảm quan mà thôi.

- Vậy hướng xử lý các vi phạm về gian lận xăng dầu sẽ cương quyết khi có các kết luận, thưa ông?

Ông Vương Thái Dũng: Việc xử lý là rất rõ, hiện tập đoàn đã chỉ đạo về hành chính là đình chỉ và sẽ sa thải tất cả những cá nhân nào vi phạm về quy định kinh doanh xăng dầu, kể cả việc bán nối số và gian lận... Còn về pháp luật, nếu các cơ quan thấy rằng cần khởi tố thì chúng tôi ủng hộ, cụ thể là trong trường hợp này phía Petrolimex đã chủ động đề nghị phía cơ quan công an khởi tố vụ án và làm rõ những vi phạm.

- Với những đơn vị làm đại lý của Petrolimex thì sẽ quản lý và giám sát như thế nào thưa ông?

Ông Vương Thái Dũng: Về nguyên tắc hàng hóa bán ra là hàng hóa chuẩn, đương nhiên về phía doanh nghiệp đầu mối sẽ có trách nhiệm, nhưng việc quản lý chất lượng xăng dầu thì vô cùng gian nan vất vả.

Mình bán cho người ta và cung cấp cho người ta hàng đảm bảo chất lượng tốt, sản phẩm tốt, nhưng nếu ý thức của các đại lý và tổng đại lý người ta cố tình gian lận, cố tình làm sai thì rất khó phát hiện và cuộc "chiến" này cũng gian khổ và nan giải lắm, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các doanh nghiệp đầu mối, cơ quan quản lý nhà nước kể cả trong vấn đề kiểm tra kiểm soát và phối hợp xử lý.

- Vậy thời gian tới phía Tập đoàn sẽ có những thay đổi như thế nào để đảm bảo quyền lợi của các bên?

Ông Vương Thái Dũng: Thực ra quy trình rất chặt, khi xuất hàng ra thì theo lũy kế trong kho, hàng được xuất vào ôtô và xe bồn rồi sẽ được niêm phong và kẹp chì. Khi giao nhận hàng hóa tại các cửa hàng thì những niêm phong và kẹp chì này phải còn nguyên. Quan trọng hơn là xăng ở lô hàng đều đã có mẫu rồi kèm theo phiếu hóa nghiệm của lô hàng đấy. Quy trình kiểm soát rất chặt chẽ và các nước trên thế giới đều áp dụng như vậy chỉ có điều là có những người xấu lợi dụng sơ hở cũng như cố tình ăn cắp.

Đơn cử chuyện tiền để trong thẻ ATM với công nghệ cao như vậy mà vẫn bị ăn cắp... thì với những người cố tình ăn cắp thì rất khó, tôi khẳng định là quy trình rất chặt chẽ và công tác kiểm tra, kiểm soát được tiến hành thường xuyên (không phải khi có chuyện mới đi kiểm tra), kể cả kiểm tra đột xuất, kiểm tra định kỳ và có rất nhiều đợt kiểm tra, nhưng với những người gian, người tham vẫn rất khó kiểm soát.

- Xin cảm ơn ông./.

Đức Duy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục