Pháp mở phiên tòa xét xử cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy

Ngoài cáo buộc tham nhũng, cựu Tổng thống Sarkozy phải ra hầu tòa với cáo buộc hối lộ một thẩm phán và nhiều tội danh khác liên quan đến các cuộc tranh cử tổng thống năm 2007 và 2012.
Pháp mở phiên tòa xét xử cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy ảnh 1Cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy. (Ảnh: AFP)

Ngày 23/11, cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã chính thức ra hầu tòa với những cáo buộc liên quan đến tham nhũng, khiến ông trở thành cựu lãnh đạo nhà nước đầu tiên của Pháp phải đứng trước vành móng ngựa.

Theo truyền thông châu Âu, ông Sarkozy đã tự nguyện trình diện tòa án tại thủ đô Paris nhưng không đưa ra bất kỳ tuyên bố nào trước báo giới. Ngoài cáo buộc tham nhũng, cựu Tổng thống Sarkozy phải ra hầu tòa với cáo buộc hối lộ một thẩm phán và nhiều tội danh khác liên quan đến các cuộc tranh cử tổng thống năm 2007 và 2012.

Theo các công tố viên, ông Sarkozy đã đề nghị với thẩm phán Gilbert Azibert một công việc tốt ở Công quốc Monaco để đổi lấy thông tin bí mật của cuộc điều tra về ông. Tuy nhiên, phát biểu với đài BFM TV mới đây, cựu chính khách này khẳng định ông Azibert chưa bao giờ nhận được công việc ở Monaco.

[Cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy bị buộc thêm tội danh mới]

Từ năm 2013, các điều tra viên đã ghi âm các cuộc trò chuyện giữa ông Sarkozy và luật sư riêng Thierry Herzog bằng điện thoại đăng ký dưới tên giả khi họ điều tra về các khoản tài trợ từ Libya cho chiến dịch tranh cử năm 2007 của ông Sarkozy.

Các công tố viên cho biết nhiều đoạn băng nghe lén cho thấy ông Sarkozy và luật sư Herzog đã nhiều lần thảo luận về việc liên hệ với thẩm phán Azibert tại Tòa án Cassation - tòa phúc thẩm cao nhất của Pháp về án hình sự - để có được thông tin về cuộc điều tra.

Tuy nhiên, cho đến nay ông Sarkozy đã phủ nhận mọi hành vi sai trái trong tất cả các cuộc điều tra. Nếu bị  tuyên bố là có tội, ông có thể phải ngồi tù 10 năm và nộp khoản tiền phạt 1,2 triệu USD.

Trước ông Sarkozy, cựu Tổng thống Jacques Chirac, một người thầy chính trị của ông Sarkozy, cũng phải nhận trát hầu tòa sau khi kết thúc nhiệm kỳ tổng thống. Tuy nhiên, ông Chirac chưa bao giờ xuất hiện tại tòa vì lý do sức khỏe./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục