Phát hiện sớm nguy cơ để hạn chế việc bỏ rơi trẻ em

Nghèo khó, vấn đề về sức khỏe, mang thai ngoài ý muốn, sự cô lập với xã hội.. là những nguyên nhân khiến nhiều cha mẹ từ bỏ con cái.
Ngày 29/3, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã tổ chức hội thảo chia sẻ dự thảo báo cáo nghiên cứu nguyên nhân gốc rễ bỏ rơi và từ bỏ trẻ em tại Việt Nam.

Những khó khăn trong cuộc sống như nghèo khó, vấn đề về sức khỏe, mang thai ngoài ý muốn, sự cô lập với xã hội, các quyết định bất bình đẳng giới trong gia đình… là những nguyên nhân khiến nhiều người từ bỏ quyền nuôi con.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung phân tích những nguyên nhân, hậu quả và đưa ra những khuyến nghị nhằm khắc phục tình trạng bỏ rơi trẻ em. 

Phá biểu tại hội thảo, bà Lê Thị Hồng Loan, Trưởng Chương trình chăm sóc Bảo vệ trẻ em Liên hiệp quốc đã cảnh báo: “Con số trẻ em bị bỏ rơi, không nơi nương tựa đang có xu hướng gia tăng. Nguyên nhân có thể do vấn đề kinh tế, văn hoá, giới tính, có thai ngoài ý muốn hay trẻ em sinh ra bị nhiễm HIV, khuyết tật…., nhưng thiếu các dịch vụ hỗ trợ nên gặp khó khăn trong việc chăm sóc nuôi dưỡng khiến nguy cơ bỏ rơi con lại càng tăng cao.”

Bà Loan kiến nghị cần xây dựng dịch vụ tư vấn hỗ trợ để phát hiện nguy cơ bỏ rơi trẻ em ở các gia đình nghèo khó và tăng cường hỗ trợ cho các gia đình này để tránh tình trạng trẻ em bị bỏ rơi.

Đồng tình với quan điểm của bà Loan, ông Nguyễn Hải Hữu, Cục trưởng cục Bảo vệ chăm sóc bảo vệ trẻ em cho rằng hiện nay hệ thống chính sách chăm sóc hỗ trợ các gia đình khó khăn còn chưa tốt nên nhiều gia đình mới phải từ bỏ quyền nuôi con.

Mặt khác, ông Hữu cho rằng các chính sách trợ cấp xã hội dành cho trẻ em gặp hoàn cảnh khó khăn còn ở mức thấp. Hiện nay, mức chuẩn trợ cấp xã hội cho trẻ em là 180.000 đồng/tháng, chỉ bằng 20% mức sống trung bình năm 2011, bằng 36% chuẩn nghèo thành thị và bằng 45% chuẩn nghèo nông thôn nên chưa đáp ứng được yêu cầu về bảo đảm dinh dưỡng cho trẻ em.

Trong buổi hội thảo, hầu hết các chuyên gia nước ngoài cho rằng không cần thiết phải tách trẻ em khỏi cha mẹ không đủ điều kiện chăm sóc, thay vào đó cần hỗ trợ cho những gia đình khó khăn, bà mẹ đơn thân để trẻ em tránh bị tách khỏi gia đình.

Ông Jesper Moller, Phó trưởng đại diện của UNICEF tại Việt Nam nhấn mạnh mối quan hệ giữa con cái và gia đình ở Việt Nam được ràng buộc chặt chẽ và có ý nghĩa mạnh mẽ, vì vậy Chính phủ cần tận dụng, hỗ trợ các hình thức chăm sóc thay thế bằng họ hàng, cộng đồng. UNICEF cam hợp tác với Việt Nam nhằm nâng cao hệ thống bảo vệ trẻ em, phát triển chính sách hỗ trợ trẻ em bị thiệt thòi, hệ thống nhận con nuôi và chăm sóc trẻ em tại cộng đồng,

“Gia đình là môi trường tốt nhất cho trẻ em được phát triển. Tước bỏ trẻ em ra khỏi gia đình chỉ được áp dụng khi không còn biện pháp nào tốt hơn và trong thời gian ngắn nhất có thể nên để trẻ em trở về với gia đình,” ông Jesper Moller nói./.
Nghiên cứu từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trong bảy năm (từ 2004-2012) cho thấy Việt Nam có 176.000 trẻ em bị bỏ rơi; trong đó có khoảng 14.000 trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi trong các cơ sở. Đáng chú ý có 80-90% trẻ em Việt Nam làm con nuôi ở nước ngoài được cho là “bị bỏ rơi”./.
Hồng Kiều (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục