Quảng Trị: Tổ chức Lễ thượng cờ Thống nhất non sông

Sáng 30/4, tại Khu di tích đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải, Quảng Trị tổ chức Lễ thượng cờ Thống nhất non sông, nhân ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Quảng Trị: Tổ chức Lễ thượng cờ Thống nhất non sông ảnh 1Toàn cảnh buổi lễ. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

Kỷ niệm 39 năm ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, sáng 30/4, tại Khu di tích đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải, tỉnh Quảng Trị long trọng tổ chức Lễ thượng cờ Thống nhất non sông.

Đây là hoạt động truyền thống biểu tượng cho khát vọng thống nhất non sông được tỉnh Quảng Trị tổ chức vào dịp 30/4 hàng năm.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh đã đến dự và trao bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ đối với Di tích lịch sử Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải và di tích lịch sử Thành cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972.

Trong tiếng nhạc Quốc ca trầm hùng và thiêng liêng, hàng ngàn người dân có mặt tại buổi lễ đã thể hiện sự trang nghiêm và xúc động trước lá cờ Tổ quốc được kéo lên Kỳ Đài Hiền Lương. Trong suốt chiều dài của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, lá cờ Hiền Lương trở thành biểu tượng của niềm tin, ý chí thống nhất, là niềm kiêu hãnh và là sức mạnh của dân tộc Việt Nam.

Phát biểu tại Lễ thượng cờ, ông Đinh Thế Huynh khẳng định: Trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nằm ở vị trí chiến lược hai đầu cầu giới tuyến Bắc-Nam, Quảng Trị trở thành chiến trường nóng bỏng ác liệt nhất.

Sông Bến Hải, Cầu Hiền Lương là kết tinh biểu tượng cao đẹp về tinh thần đấu tranh cách mạng và nỗi đau chia cắt. Cũng chính nơi đây, khát vọng thống nhất của cả dân tộc Việt Nam cũng như nhân loại yêu chuộng hòa bình trên thế giới đã được khẳng định bằng những chiến công của quân và dân hai miền Nam Bắc.

Ông Đinh Thế Huynh nhấn mạnh, cùng với niềm tự hào về những hy sinh, cống hiến to lớn của biết bao đồng chí, đồng bào trong các giai đoạn lịch sử trước đây, tự hào về di sản lịch sử đã được tôn vinh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Trị tiếp tục phát huy truyền thống quê hương, phát triển kinh tế-xã hội, phát triển du lịch; gắn kết chặt chẽ với bảo tồn di sản, góp phần gìn giữ, làm phong phú hơn, đưa hình ảnh Quảng Trị đến với đông đảo cán bộ nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế.

Cùng với việc thu hút đầu tư phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, Quảng Trị cần tiếp tục thực hiện tốt các dự án phục hồi, tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn, đặc biệt là Khu di tích Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải; Di tích Thành cổ Quảng Trị và những điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972.

Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Trị, đồng chí Nguyễn Đức Cường, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh đã đọc diễn văn ôn lại lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng vẻ vang của quân và dân Quảng Trị nói riêng và nhân dân cả nước nói chung trong việc bảo vệ Tổ quốc thống nhất non sông. Những địa danh Đường 9, Khe Sanh, Cồn Tiên, Dốc Miếu, Cửa Việt, Thành Cổ... đã đi vào lịch sử dân tộc và sẽ còn vọng mãi trong lòng mỗi người dân Việt Nam cũng như bạn bè quốc tế.

Việc Thủ tướng Chính phủ cấp bằng xếp hạng Di tích đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải; Thành cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972 là sự tri ân sâu sắc của toàn dân tộc đối với những hy sinh của bao thế hệ cha anh đã ngã xuống để viết nên bản anh hùng ca "Thống nhất non sông"....

Lễ thượng cờ Thống nhất non sông là dịp để tôn vinh những chiến công bất tử, những hy sinh của quân dân ta thực hiện di huấn thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi.”

Nhân dịp này, lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Hiền Lương chào mừng ngày chiến thắng cũng được tổ chức với sự tham gia của các địa phương trong tỉnh Quảng Trị.

Trước đó, ngày 29/4, ông Đinh Thế Huynh và Đoàn công tác cũng đã đến dâng hương, dâng hoa viếng Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Đường 9 và thành cổ Quảng Trị.

Cùng ngày 30/4, Ban liên lạc mặt trận Quảng Trị 1972 tại Hà Nội phối hợp Ủy ban Nhân dân xã Hải Sơn, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị tổ chức lễ dâng hương tại nhà bia đài tượng niệm và thả hoa tri ân các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh tại sông Mỹ Chánh nhân dịp kỉ niệm 39 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước (30/4).

Quảng Trị: Tổ chức Lễ thượng cờ Thống nhất non sông ảnh 2 Lễ dâng hương tại nhà bia đài tượng niệm các anh hùng liệt sỹ tại xã Hải Sơn, huyện Hải Lăng. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

Tại buổi lễ, đông đảo các cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị cùng thân nhân các gia đình liệt sỹ, người dân địa phương đã kính cẩn nghiêng mình dâng những nén nhang thơm thể hiện tấm lòng tri ân thành kính đối với các anh hùng, liệt sỹ đã ngã xuống tại đây.

Trong thời kỳ kháng chiến, dòng sông Mỹ Chánh gắn liền với các chiến dịch lớn của quân và dân Việt Nam như Chiến dịch năm 1968-1969, Chiến dịch Hè năm 1972…

Đặc biệt, trong hơn 150 ngày đêm mùa Hè đỏ lửa từ tháng 4-7/1972 khi Mỹ Ngụy huy động một lực lượng lớn về vũ khí và chế tài như hỏa lực, pháo binh, máy bay, xe tăng thiết giáp, pháo hạm… thực hiện chiến dịch Lam Sơn, tổ chức cuộc tấn công trên diện rộng nhằm hủy diệt phòng tuyến chiến đấu của ta để tái chiếm thị xã Quảng Trị với ý đồ mặc cả với ta trên Hội nghị Paris.

Không để quân địch thực hiện thành công âm mưu đó, quân và dân Việt Nam đã tập trung sức người, sức của với tinh thần bất khuất, quyết tâm chiến đấu để bảo vệ độc lập, tự do của đất nước. Tại đây, các đơn vị đã chống trả quyết liệt đẩy lùi nhiều đợt tấn công của địch. Trong trận chiến này, rất nhiều người con của Tổ quốc đã anh dũng ngã xuống...

Ông Nguyễn Khắc Nhu, cựu chiến binh Sư đoàn 304 xúc động nói: "Ngày hôm nay trở về đây, được tận tay thắp những nén hương thơm lên đài tưởng niệm và thả hoa xuống dòng sông lịch sử này để tưởng nhớ những đồng đội của mình năm xưa đã hy sinh anh dũng, tôi vô cùng xúc động. Những ai đã từng sống và chiến đấu ở đây sẽ không thể quên những ngày tháng chiến đấu ác liệt, hào hùng năm 1972 của quân và dân Việt Nam. Ngày hôm nay, đất nước đã đổi thay, quê hương Mỹ Chánh ngày càng phát triển, chúng tôi tự hào vì đã đóng góp một phần xương máu cho mảnh đất này..."

Con sông Mỹ Chánh - nơi chứng kiến sự hy sinh, tinh thần dũng cảm kiên cường của các đơn vị tham gia chiến đấu như Sư đoàn 304, Sư đoàn 324, Sư đoàn 308… đã đón nhận những vòng hoa tươi thắm do các cựu chiến binh và người dân thả xuống với mong muốn linh hồn các anh sớm về cõi yên lành cực lạc.

Tại buổi lễ, Ban liên lạc Quảng Trị 1972 đã trao tặng quà cho các Bà mẹ Việt Nam anh hùng và lão thành cách mạng trên địa bàn xã./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục