Sự kiện trong nước tuần 17-23/8: "Thót tim" chờ kết quả tuyển sinh

Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận trách nhiệm về bất cập xét tuyển Đại học và vụ bục túi nước lò than ở Quảng Ninh là hai trong số những sự kiện trong nước nổi bật tuần qua.

Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận trách nhiệm về bất cập xét tuyển Đại học và vụ bục túi nước lò than ở Quảng Ninh là hai trong số những sự kiện trong nước nổi bật tuần qua.

Cùng Vietnam+ điểm lại những sự kiện nổi bật trong tuần từ 17 đến 23/8:

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo nhận trách nhiệm về bất cập trong xét tuyển Đại học nguyện vọng 1
Đợt xét tuyển Đại học năm 2015 nguyện vọng 1 và cao điểm là ngày cuối cùng xét tuyển 20/8 được nhiều người ví như “canh bạc”, “chơi chứng khoán”.

Việc để thí sinh đăng ký tới 4 ngành trong một trường, được thay đổi nguyện vọng trong 20 ngày là không hợp lý, tạo ra sự căng thẳng cho thí sinh, phụ huynh. Nhiều thí sinh và gia đình đã “thua đau” và quá mệt mỏi với việc đi lại, chờ trực tại các trường đại học để liệu đường rút hồ sơ hoặc chuyển nguyện vọng gây nên sự tốn kém, phiền hà.

Trong buổi làm việc rút kinh nghiệm về công tác xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2015 với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin Truyền thông chiều 21/8, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã nhận trách nhiệm và thừa nhận, đợt tuyển sinh vừa qua đã bộc lộ những bất cập.

Để khắc phục bất cập này trong đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung của thí sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có văn bản hướng dẫn gửi các trường Đại học, Cao đẳng và các sở Giáo dục trong đó nêu rõ khác với nguyện vọng một, thí sinh sẽ không phải nộp Giấy chứng nhận kết quả thi để xét tuyển mà chỉ cần dùng mã vạch trên Giấy chứng nhận kết quả thi đăng ký xét tuyển vào các trường đại học.

Sự kiện trong nước tuần 17-23/8: "Thót tim" chờ kết quả tuyển sinh ảnh 1Cảnh tượng được ví như sàn giao dịch chứng khoán khi Đại học Kinh tế quốc dân công bố điểm chuẩn dự kiến chiều 20/8. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Xem thêm tại đây: Bộ trưởng Bộ Giáo dục Phạm Vũ Luận: "Tôi xin nhận trách nhiệm!"

Quốc hội trái chiều về không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính
Thảo luận về vấn đề chuyển đổi giới tính trong dự thảo luật Dân sự (sửa đổi), trong khi một số ý kiến tán thành việc Nhà nước không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính thì đa số ý kiến thành viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng quyền chuyển đổi giới tính là quyền con người.

Dự thảo Bộ Luật một mặt quy định Nhà nước không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính, nhưng mặt khác lại quy định quyền của người đã chuyển đổi giới tính được yêu cầu cơ quan nhà nước thay đổi hộ tịch và có các quyền nhân thân khác có liên quan. Như vậy, nếu việc chuyển đổi giới tính đã được thực hiện thì các hệ quả phát sinh lại được pháp luật tôn trọng và bảo hộ.

Đây là vấn đề nhạy cảm trong xã hội, nếu đã không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính thì cũng không cho phép được thay đổi hộ tịch và các quyền nhân thân khác theo giới tính mới. Các ý kiến đề nghị nội dung này cần được nghiên cứu, giải trình rõ hơn.

Sự kiện trong nước tuần 17-23/8: "Thót tim" chờ kết quả tuyển sinh ảnh 2Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường phát biểu ý kiến về dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi). (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Xem thêm tại đây: Quốc hội trái chiều về không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính

Điều chỉnh tỷ giá là bước đi đúng hướng của Việt Nam
Việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều chỉnh cùng lúc tăng tỷ giá thêm 1% và nới biên độ điều chỉnh tỷ giá lên +/-3% mới đây được đại diện các tổ chức nước ngoài như WB, IMF nhận định là bước đi đúng hướng, chủ động của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhằm chống đỡ các cú sốc từ bên ngoài.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết sau hai lần điều chỉnh vừa qua, tỷ giá có dư địa đủ lớn để linh hoạt ứng phó trước các diễn biến bất lợi trên thị trường quốc tế và trong nước, không chỉ từ nay đến cuối năm mà cả những tháng đầu năm 2016. Qua đó, tạo sự ổn định vững chắc cho thị trường ngoại tệ và đảm bảo khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

Theo các chuyên gia, việc điều chỉnh tỷ giá không chỉ hỗ trợ hoạt động xuất khẩu, giúp doanh nghiệp trong nước giữ được lợi thế xuất khẩu hàng hóa, mà còn góp phần kìm hãm nhập siêu và cải thiện cán cân thương mại của Việt Nam.

Sự kiện trong nước tuần 17-23/8: "Thót tim" chờ kết quả tuyển sinh ảnh 3Giao dịch tại ngân hàng. (Nguồn: TTXVN)

Xem thêm tại đây: IMF và WB: Điều chỉnh tỷ giá là bước đi đúng hướng của Việt Nam

Doanh nghiệp lạc quan về xu hướng kinh doanh trong quý 3
Kết quả điều tra từ gần 3.400 doanh nghiệp cho thấy xu hướng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong quý 3 phát triển hơn so với quý 1.

Theo các chuyên gia, mặc dù kinh tế vĩ mô đã có dấu hiệu ổn định và tăng trưởng khá, nhưng trước áp lực cạnh tranh trong xu thế hội nhập sâu rộng, hoạt động kinh doanh của khối doanh nghiệp vẫn tiếp tục đối diện nhiều khó khăn.

Trong khi đó, kết quả cải thiện môi trường đầu tư-kinh doanh của các cấp, ngành hiện chưa đáp ứng, thỏa mãn được sự mong mỏi của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là những yêu cầu cụ thể của giới công thương ngày càng bức thiết.

Sự kiện trong nước tuần 17-23/8: "Thót tim" chờ kết quả tuyển sinh ảnh 4Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Xem thêm tại đây: Doanh nghiệp lạc quan về xu hướng kinh doanh trong quý 3

Thường vụ Quốc hội tán thành bỏ quy định về đặt tên dưới 25 chữ cái
Thảo luận về quyền đặt tên (Điều 26 dự thảo Bộ luật dân sự sửa đổi), nhiều ý kiến thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hộ tán thành với việc bỏ quy định “họ, tên và chữ đệm của một người không được vượt quá 25 chữ cái” do chưa xác định rõ được cơ sở hợp lý của việc giới hạn này và cũng không phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 14 Hiến pháp.

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng không nên khống chế số chữ cái mà chỉ nên khuyến khích người dân đặt họ, tên và chữ đệm không quá dài vì điều này sẽ gây những phiền hà, rắc rối trong thực tế.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đề nghị cùng với việc bỏ khống chế không được vượt quá 25 chữ cái, cần nhấn mạnh việc đặt họ, tên và chữ đệm của một người phải phù hợp tập quán dân tộc.

Sự kiện trong nước tuần 17-23/8: "Thót tim" chờ kết quả tuyển sinh ảnh 5Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Đức Hiền phát biểu ý kiến. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Xem thêm tại đây: Thường vụ Quốc hội tán thành bỏ quy định về đặt tên dưới 25 chữ cái

Đề xuất nâng quy định độ tuổi trẻ em lên thành dưới 18 tuổi
Chiều 14/8, thảo luận về dự án Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi), nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành đề nghị nâng quy định độ tuổi trẻ em lên thành dưới 18 tuổi vì việc điều chỉnh độ tuổi này có căn cứ lý luận, thực tiễn và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi, trẻ em độ tuổi từ đủ 16 đến dưới 18 có quá trình thay đổi phức tạp cả về thể chất lẫn tâm sinh lý và chưa có sự phát triển đầy đủ, hoàn thiện về thể chất, trí tuệ và tinh thần nên cần có sự quan tâm, chăm sóc của gia đình, xã hội và Nhà nước.

Theo nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc về Luật Trẻ em của 66 quốc gia thành viên Công ước quốc tế về quyền trẻ em cho thấy, đa số các nước đều quy định độ tuổi trẻ em là dưới 18 tuổi và hiện chỉ còn 8 quốc gia quy định độ tuổi trẻ em là dưới 16 tuổi (trong đó có Việt Nam).

Vì vậy, việc điều chỉnh độ tuổi trẻ em lên dưới 18 tuổi là cần thiết, vừa bảo đảm tuân thủ Công ước quốc tế về quyền trẻ em, vừa tương thích với quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam.

Sự kiện trong nước tuần 17-23/8: "Thót tim" chờ kết quả tuyển sinh ảnh 6Ảnh minh họa. (Ảnh: PM/Vietnam+)

Xem thêm tại đây: Đề xuất nâng quy định độ tuổi trẻ em lên thành dưới 18 tuổi

Trên 18.000 hồ sơ đề nghị đặc xá cho phạm nhân dịp 2/9
Sáng 22/8, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng tư vấn đặc xá, Hội đồng đã tiến hành xét duyệt danh sách đề nghị Chủ tịch nước đặc xá tha tù trước thời hạn cho các phạm nhân đủ điều kiện đặc xá đợt 2/9/2015.

Sau cuộc họp lần này, Hội đồng Tư vấn đặc xá sẽ trình Chủ tịch nước chính thức phê duyệt danh sách các phạm nhận đủ điểu kiện đặc xá đợt 2/9 để Chủ tịch nước xem xét, quyết định. Dự kiến đợt đặc xá lần này sẽ có khoảng trên 18.000 phạm nhân được đặc xá, tha tù trước thời hạn.

Sự kiện trong nước tuần 17-23/8: "Thót tim" chờ kết quả tuyển sinh ảnh 7Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm hỏi, dặn dò những người được xét đặc xá trong dịp Quốc khánh 2/9 tại Trại giam Xuân Lộc. (Ảnh: Sỹ Tuyên/TTXVN)

Xem thêm tại đây: Trên 18.000 hồ sơ đề nghị đặc xá cho phạm nhân dịp 2/9

Sau 20 năm, cả nước đã có trên 400 ca phẫu thuật ghép tế bào gốc
Từ ca ghép tế bào gốc đầu tiên để điều trị cho bệnh nhân bị bệnh máu ở Việt Nam được Bệnh viện Truyền máu-Huyết học Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành vào năm 1995, đến nay, cả nước đã có 445 ca ghép tế bào gốc tạo máu.

Phương pháp điều trị bằng ghép tế bào gốc tạo máu mang một ý nghĩa xã hội to lớn là đã giúp nhiều gia đình có người thân mắc bệnh máu nan y trở thành người khỏe mạnh, có đời sống sinh hoạt bình thường, vẫn có thể tham gia lao động, cống hiến cho xã hội.

Tuy nhiên, việc ghép tế bào gốc tạo máu ở Việt Nam đang gặp một số khó khăn như cơ sở hạ tầng chưa đảm bảo cho việc áp dụng kỹ thuật này rộng rãi; chi phí thực hiện một ca ghép còn khá cao, bảo hiểm y tế chưa tham gia chi trả cho dịch vụ này.

Sự kiện trong nước tuần 17-23/8: "Thót tim" chờ kết quả tuyển sinh ảnh 8Sàng lọc máu tại Ngân hàng tế bào gốc của Bệnh viện Truyền máu-Huyết học Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)

Xem thêm tại đây: Kỷ niệm 20 năm ghép tế bào gốc tạo máu đầu tiên tại Việt Nam

Bục túi nước lò than ở Quảng Ninh làm 12 người thương vong
Ngày 22/8, lực lượng cứu hộ đã tìm và đưa được thi thể anh Phạm Anh Vân (sinh năm 1988)  ra khỏi lò than, lên mặt đất.

Đây là nạn nhân cuối cùng trong vụ tai nạn lao động bục túi nước ở Công ty Than Hòn Gai (thuộc Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam) xảy ra vào rạng sáng ngày 20/8, khiến 12 công nhân hầm lò bị thương vong.

Trong số 12 công nhân có 2 công nhân tử vong, 4 người khác bị thương nặng, số người còn lại đều bị thương nhẹ được điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh.

Sự kiện trong nước tuần 17-23/8: "Thót tim" chờ kết quả tuyển sinh ảnh 9Lực lượng chức năng cứu hộ các công nhân mắc kẹt (Ảnh: Nguyễn Hoàng/TTXVN)

Xem thêm tại đây: Tìm thấy thi thể nạn nhân cuối cùng trong vụ bục túi nước lò than

Doanh nghiệp hàng không, lữ hành ứng phó linh hoạt sau các vụ đánh bom ở Bangkok
Liên quan đến tình hình diễn biến phức tạp qua các vụ đánh bom tại Bangkok (Thái Lan) khiến nhiều người thương vong, đại diện hãng hàng không Jetstar Pacific, Vietjet Air cho biết, các hãng đều có chính sách hỗ trợ hành khách bằng cách chuyển đổi lịch bay miễn phí, không thu chênh lệch giá vé cho khách.

Tổng cục Du lịch và nhiều doanh nghiệp lữ hành đã khuyến cáo du khách tại Bangkok nên ở khách sạn vào buổi tối, không đến nơi công cộng tập trung đông người.

Để đảm bảo sự an tâm cho du khách, nhiều công ty du lịch cũng tạo điều kiện hỗ trợ khách hàng đã thanh toán tour, hoặc đặt cọc bảo lưu tour Thái Lan sang ngày khác, chuyển sang đi các thị trường khác như Campuchia, Singapore, Malaysia.

Sự kiện trong nước tuần 17-23/8: "Thót tim" chờ kết quả tuyển sinh ảnh 10Hành khách đi/đến Thái Lan sẽ được các hãng hỗ trợ đổi lịch bay miễn phí. (Ảnh: Jetstar Pacific cung cấp)

Xem thêm tại đây: Lữ hành trong nước ứng biến trước tình hình đánh bom ở Bangkok

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục