Tăng hợp tác quốc tế để tạo đột phá phát triển đô thị Việt

Đại diện 103 thành phố, thị xã trong nước và một số đô thị trên thế giới dự Hội nghị các đô thị Việt Nam 2013, tổ chức 21/11, tại Đồng Nai.
Tăng hợp tác quốc tế để tạo đột phá phát triển đô thị Việt ảnh 1Thành phố Thái Nguyên. (Nguonf: en.wikipedia.org)

Đại diện 103 thành phố, thị xã trong nước và một số đô thị trên thế giới tham dự Hội nghị thường niên các đô thị Việt Nam năm 2013, tổ chức ngày 21/11, tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Bà Vũ Thị Vinh, Tổng Thư ký Hiệp hội các Đô thị Việt Nam (ACVN) cho biết, ngoài các hoạt động trao đổi kinh nghiệm về tổ chức, quản lý đô thị; hợp tác đào tạo nguồn nhân lực; tổ chức phong trào xây dựng đô thị xanh-sạch-đẹp… vấn đề hợp tác quốc tế, trao đổi các chương trình, dự án với các nước đã thực sự tạo bước đột phá về công tác quản lý và tìm mô hình phát triển đô thị đặc trưng cho các thành viên.

Theo ACVN, điển hình dự án hợp tác với Liên đoàn đô thị Canada về phát triển kinh tế địa phương đang triển khai có hiệu quả. Được sự giúp đỡ của 3 đô thị từ Canada, các thành phố của Việt Nam gồm Thái Nguyên, Hà Tĩnh và Sóc Trăng đã tiến hành thực hiện các dự án điểm về lập kế hoạch phát triển kinh tế địa phương phù hợp với điều kiện và mục tiêu của mỗi đô thị.

Cụ thể là lập kế hoạch phát triển kinh tế địa phương về phát triển du lịch cộng đồng kết hợp với xây dựng nông thôn mới của thành phố Thái Nguyên; lập kế hoạch phát triển kinh tế địa phương để gia tăng giá trị cho sản phẩm nông nghiệp và quảng bá thương hiệu đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa của thành phố Sóc Trăng; lập kế hoạch chiến lược phát triển kinh tế địa phương tổng thể và hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế của thành phố Hà Tĩnh.

Ngoài ra, có 5 thành phố khác gồm Nam Định, Pleiku, Phủ Lý, Thái Bình và Trà Vinh đã thực hiện tốt dự án nhân rộng mô hình thành phố quản lý đất đai và thu thuế nhà đất bằng công nghệ thông tin góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Bà Vũ Thị Vinh cho biết, hiện ACVN đã hoàn thành thủ tục phê duyệt dự án hỗ trợ tiến trình nâng cấp toàn thành phố trong 20 thành phố vừa và nhỏ của Việt Nam do Liên minh các thành phố (CA) tài trợ. Dự án trên đã được Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phê duyệt danh mục dự án hỗ trợ kỹ thuật.

Ngoài ra, hàng loạt các dự án hiện đang được các tổ chức nước ngoài hỗ trợ, tài trợ như dự án quản trị địa phương tốt để phát triển kinh tế địa phương ở các đô thị Việt Nam do Liên minh châu Âu và quỹ KAS tài trợ thực hiện thí điểm tại thành phố Huế, Hải Dương và thị xã Tây Ninh; dự án nhà ở Selavip (một tổ chức tư nhân hỗ trợ về nhà ở cho các hộ gia đình nghèo ở 6 thành phố của Việt Nam); hợp tác kết nghĩa giữa các đô thị Việt Nam và các đô thị của Canada và Hàn Quốc…

Ông Lê Văn Giảng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam cho rằng phát triển đô thị phải hướng đến những nét đặc thù của mỗi mỗi địa phương vừa mang giá trị truyền thống vừa nối tiếp xu thế hiện đại. Mục tiêu của phát triển đô thị là đảm bảo tính bền vững trên các phương diện về kinh tế-xã hội và môi trường, trong đó xu thế của các đô thị hiện nay đó là mô hình xây dựng đô thị sinh thái.

Tại hội nghị, một số chuyên gia đến từ các nước cũng chia sẻ, xu hướng xây dựng các thành phố, đô thị của thế giới hiện nay đó là hướng đến xanh, sạch, đẹp, văn minh và phát triển bền vững.

Ngoài ra, các đô thị cũng cần phát huy tối đa các giá trị về lịch sử, văn hóa truyền thống và những đặc thù của địa phương để xây dượng thương hiệu cho thành phố. Việc tạo dựng thương hiệu là nhằm chuyển tải những thông điệp có ý nghĩa đến cộng đồng trong nước và thế giới, để tạo tính cạnh tranh và thu hút đầu tư./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục