Thận trọng khi lựa chọn phương pháp lăn kim để làm đẹp da

Phương pháp lăn kim còn được gọi là liệu pháp collagen bằng cách tạo ra các vi tổn thương để kích thích cơ thể tăng sinh tế bào, dựa trên cơ chế tự làm lành vết thương của cơ thể.
Thận trọng khi lựa chọn phương pháp lăn kim để làm đẹp da ảnh 1

Không thể liệt kê hết mọi phương pháp được khuyên lẫn không khuyên dùng trong những năm gần đây với mục đích điều trị, chăm sóc, làm đẹp da.

Điều mà bất cứ bác sỹ chuyên khoa nào cũng luôn khuyên bạn là hãy tỉnh táo và đừng nóng vội, với bất cứ phương cách nào. Đánh đổi an toàn sức khỏe để đổi lấy viễn tưởng mơ hồ về một làn da Bạch Tuyết chưa bao giờ là lựa chọn khôn ngoan.

Trong khuôn khổ bài viết, chúng ta có thể tìm hiểu về phương pháp làm đẹp da đang phổ biến hàng nhất nhì thời gian gần đây là lăn kim. Đây được xem là phương pháp mang lại hiệu quả rõ rệt nhưng bạn cần chắc chắn rằng mình đã tìm hiểu kỹ và lựa chọn đúng người, đúng chỗ uy tín để thực hiện.

Chân dung “anh chàng lăn kim”

Phương pháp này còn được gọi là liệu pháp collagen bằng cách tạo ra các vi tổn thương để kích thích cơ thể tăng sinh tế bào, dựa trên cơ chế tự làm lành vết thương của cơ thể.

Dụng cụ để thực hiện là một bánh lăn chứa gần 200 đầu kim nhỏ rất bén (làm bằng thép không gỉ, chuyên dùng trong y khoa), lăn trên những vùng da cần điều trị.

Những vết kim này sẽ tạo ra các vi tổn thương, hay còn gọi là những đường thông vi thể ở bì và thượng bì để gây ra hiện tượng viêm nhẹ, kích thích sản sinh tế bào thượng bì, elastine và collagen để làm đầy vết sẹo lõm và tái tạo tế bào da; đồng thời, những nghiên cứu lâm sàng cho thấy, kim lăn điều trị làm tăng sự thấm sâu của các sản phẩm điều trị vào da gấp 1.000 lần hơn so với cách bôi da thông thường.

Các kim lăn được làm bằng chất liệu chuyên dùng trong y khoa, rất bén và mỏng nên không thể phá vỡ các mô và lớp màng của da cũng không thay đổi. Tuy nhiên, các kích thích thần kinh này sẽ được những luồng điện chuyển đi, kích thích quá trình làm lành vết thương.

Các tế bào da trong phạm vi 1-2mm xung quanh khu vực châm kim sẽ phóng những tín hiệu tăng trưởng đến các tế bào đồng nhất. Những tín hiệu này quay trở lại kích thích sự tăng sinh tế bào mới, nguyên bào sợi chuyển thành sợi collagen và elastin. Nhiệm vụ của nguyên bào sợi là di chuyển đến điểm tổn thương thực thể và chữa lành vết thương. Sự hình thành sợi mới này có mối liên hệ với độ dày của da và làm đầy các vết sẹo. Chu trình tăng sinh này kéo dài và kết thúc trong khoảng sáu đến tám tuần. Bạn sẽ thấy làn da có sự thay đổi rõ ràng nhất sau bốn tuần điều trị.

Chỉ định và chống chỉ định

Phát huy được hiệu quả rõ ràng trong việc làm trẻ hóa da và làm đầy sẹo lõm nhanh chóng nên phương pháp lăn kim được nhiều bác sỹ da liễu khuyên dùng cho những người gặp các vấn đề về da lão hóa, nhiều nếp nhăn, lỗ nang lông to, lỏng lẻo, chảy xệ hoặc làn da bị sẹo lõm, rạn da. Ngoài ra, lăn kim cũng có thể hỗ trợ điều trị một số trường hợp bị nám.

Những trường hợp không nên sử dụng phương pháp này là da đang ở tình trạng có mụn mủ, mụn rộp do Herpes; nhiễm trùng cấp tính hay viêm da; đặc biệt là không dùng cho trẻ em.

Cẩn trọng không bao giờ thừa

Phương pháp này hoàn toàn không gây tổn thương hàng rào bảo vệ ở thượng bì và những đường thông vi thể tạo bởi kim cũng sẽ đóng lại vài giờ sau điều trị. Tuy nhiên, có một số điều cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định lựa chọn cách này để điều trị và làm đẹp da.

1. Kim lăn chỉ nên sử dụng một lần duy nhất cho một bệnh nhân vì kim tái sử dụng sẽ bị giảm độ bén và có thể gây ra tổn thương lớn hơn cho làn da thay vì tạo ra những vi tổn thương và khép lại hoàn toàn sau vài giờ điều trị. Ngoài ra, việc tái sử dụng kim lăn còn mang đến những rủi ro như nhiễm trùng, lây bệnh truyền nhiễm qua đường máu, trong đó có viêm gan siêu vi, HIV/AIDS…

2. Việc lựa chọn các loại đầu kim để sử dụng cũng rất quan trọng, tùy theo chất lượng, giá thành. Với các đầu kim không đủ nhỏ và sắc, khi trị liệu sẽ làm rách mô liên kết, thủng mạch và mao mạch máu, dẫn đến hình thành các ổ tụ huyết cầu dưới da, làm da sạm đen sau khi lăn.

3. Tùy từng trường hợp, bác sĩ chuyên khoa sẽ có những chỉ định cụ thể về thời gian, liều lượng điều trị. Sự nóng vội, điều trị liên tục, khoảng cách giữa các lần quá ngắn có thể khiến các tế bào da chưa kịp tái tạo đã bị tổn thương, dẫn đến viêm nhiều và gây tăng sắc tố cho da.

4. Lăn kim là một trong những phương pháp rất ít gây dị ứng, nhưng một số hóa chất bôi sau đó như: vitamin C, tế bào gốc, collagen, chất giữ ẩm… không đảm bảo chất lượng có thể gây dị ứng, sưng tấy, đỏ rát cho da.

5. Sau khi lăn kim, da sẽ có hiện tượng tổn thương nhẹ, ửng đỏ nên cần được chăm sóc, bảo vệ đúng cách theo hướng dẫn của bác sỹ.

6. Mặc dù phương pháp này có ưu điểm là không gây nhạy cảm ánh nắng nhưng việc bảo vệ da bằng kem chống nắng cùng các bước chăm sóc cơ bản là điều cần thiết nhằm duy trì làn da đẹp và khỏe mạnh lâu dài.

7. Có rất nhiều nơi thực hiện phương pháp lăn kim, tuy nhiên, bạn cần cẩn trọng lựa chọn địa chỉ uy tín, những người thực hiện có chuyên môn và luôn luôn cần được bác sĩ chuyên khoa tư vấn kỹ càng./.

(Đẹp/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục