Thấp thỏm cược mạng sống ở khu dân cư thang máy rơi tự do như cơm bữa

Chiếc thang máy hoạt động chập chờn và thường xuyên rơi tự do khiến mọi người hốt hoảng là chuyện như ‘cơm bữa’ của 500 hộ dân tại khu tái định cư Đền Lừ (quận Hoàng Mai, Hà Nội).
Thấp thỏm cược mạng sống ở khu dân cư thang máy rơi tự do như cơm bữa ảnh 1Bên đơn nguyên II, hai chiếc thang máy thì hỏng một, chiếc còn lại hoạt động chập chờn không ổn định. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Đã hơn một tháng nay, gần 500 người dân sống tại nhà G thuộc khu tái định cư Đền Lừ (phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, Hà Nội) luôn thấp thỏm sống trong sợ hãi khi 3 trong 4 chiếc thang máy tại đây hỏng hoàn toàn, chiếc còn lại hoạt động chập chờn và thường xuyên rơi tự do không kiểm soát.

Thang máy rơi tự do, 5 người hú hồn thoát chết

Những hộ dân sống tại tòa nhà này cho biết, ngày 11/10 vừa qua, một nhóm 5 người gồm cả trẻ em và bà bầu đang di chuyển từ tầng 11 thì bất ngờ thang đứt cáp và rơi tự do xuống tầng 1. Rất may lúc ấy có một thanh niên gần đấy chạy đến cạy cửa để cứu mọi người ra, cả 5 người không bị thương nhưng từ hôm ấy rất nhiều người dân chấp nhận leo bộ cả chục tầng vì sợ.

Chị Nguyễn Hồng Lê (33 tuổi, đang mang thai) giọng vẫn còn hốt hoảng cho biết: “Hôm ấy chúng tôi đi thang máy từ tầng 11 xuống, đến tầng 5 thang máy bỗng dưng phát ra tiếng lạch cạch, chao đảo rồi rơi tự do xuống lửng lơ giữa tầng 1 và 2. Rất may có hàng xóm kéo ra ngoài an toàn.”

Trao đổi với phóng viên Vietnamplus, bà Lê Thị Dần (66 tuổi), tổ trưởng tổ dân phố 83 của khu nhà này cho biết, thang máy bị hỏng cách đây hơn một tháng. Các đơn vị chức năng đã xuống kiểm tra nắm bắt được hiện trạng ngay hôm xảy ra vụ việc và hứa sẽ duyệt kinh phí để sửa chữa nhưng từ hôm ấy đến nay không ai giải quyết dù bà đã mang đơn kêu cứu khắp nơi.

Thấp thỏm cược mạng sống ở khu dân cư thang máy rơi tự do như cơm bữa ảnh 2Bà Dần ngán ngẩm chỉ vào chiếc thang máy hỏng nhiều ngày chưa được sửa chữa. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Tòa nhà G thuộc khu tái định cư Đền Lừ (Hoàng Mai) được xây dựng từ năm 2004 gồm 2 đơn nguyên cao 11 tầng. Người dân đang sinh sống tại đây đa phần là thanh niên xung phong, thương binh từ nhiều nơi khác nhau.

Sau 11 năm đi vào sử dụng, tòa nhà này đã xuất hiện tình trạng xuống cấp ở nhiều vị trí. Theo quan sát, một số hộ dân tường nhà đã xuất hiện dấu hiệu nứt nẻ, bản lề cửa sổ làm bằng gỗ có dấu hiệu mối mọt xâm hại nghiêm trọng. Tòa nhà có 4 cầu thang máy chia đều cho 2 đơn nguyên phục vụ việc đi lại của gần 500 người. Tuy nhiên tình trạng thang máy hư hỏng diễn ra liên tục.

Bên đơn nguyên I của tòa nhà, 2 thang máy bị hỏng hoàn toàn, còn duy nhất một chiếc thang máy bên đơn nguyên 2 còn hoạt động nhưng luôn trong tình trạng quá tải. Bà Dần cho biết, vài năm trước thang máy đã có hiện tượng trục trặc, bên quản lý thang máy đã sửa nhưng cứ chạy một lúc lại hỏng.

Không chỉ thang máy mà các hệ thống khác như điện, nước, công tác chữa cháy ở tòa nhà G đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Hệ thống đèn công cộng hư hại không ai sửa chữa, người dân phải dùng đèn tuýp để thay, nước thường xuyên bị mất. Mặc dù mọi người đã báo cáo lên ban quản lý tòa nhà nhưng đơn vị này vẫn chưa có biện pháp sửa chữa cũng như thay mới để đảm bảo cuộc sống cho các hộ dân.

Đến ngày 23/10, thời điểm phóng viên trao đổi với bà Dần, cầu thang máy bị rơi từ ngày 11/10 vẫn chưa được khắc phục, người dân phải dùng tạm tấm ván chặn lên đề phòng tai nạn. Chiếc thang máy duy nhất phục vụ người dân khi đi lại hay có tiếng động lạ phát ra, giờ cao điểm thì luôn trong tình trạng quá tải.

“Bây giờ đi thang máy như đặt cược mạng sống của mình. Đến mấy đứa trẻ con trong khu nhà này giờ chỉ dám đi thang bộ, chúng nó bảo nhau bao giờ đi thang máy nghe tiếng cạch cạch là biết thang sắp hỏng. Còn chuyện thang hỏng rơi tự do là chuyện như cơm bữa,” một người dân sống tại đây cho biết.

Bò qua nóc nhà đi nhờ thang máy

Rất nhiều hộ dân sống từ tầng 8 tại đơn nguyên I của tòa nhà này hàng ngày vẫn phải khom lưng chống gối chui qua nóc nhà để đi nhờ thang máy của đơn nguyên II bên cạnh. Mọi người muốn đi nhờ thang máy phải chui qua gầm bể nước đặt trên nóc của tòa nhà.

Tại thời điểm ghi nhận hiện trường, những người dân tại đây đều phải cúi rạp người di chuyển từng bước thận trọng dưới gầm bể nước. Do không ai dọn dẹp nên rác thải trên này rất nhiều, mùi hôi, mùi xà phòng hóa chất trộn lẫn xộc thẳng vào mũi mỗi khi có ai bò qua. Tại đây không có hệ thống đèn chiếu sáng, ban ngày thì không sao nhưng buổi tối ai muốn đi phải cầm theo đèn pin để rọi rất khó khăn.

Bà Vũ Thị Xuân (70 tuổi) sống tại tầng 8 thuộc đơn nguyên I của tòa nhà này cho biết, bà bị huyết áp cao không thể leo bộ xuống tầng 1 nên hàng ngày mỗi khi đi chợ bà buộc phải leo lên tầng 11 rồi vất vả chui qua tòa nhà bên kia để đi thang máy.

Ông Chu Văn Huấn (62 tuổi), một thương binh sống tại tầng 11 tòa nhà rất bức xúc cho biết: ‘Cả 2 chân tôi đều là chân giả, hàng ngày phải bò từ tầng thượng đơn nguyên I sang đơn nguyên II để đi thang máy rất khổ sở, không biết tình trạng này còn đến bao giờ.’

Thấp thỏm cược mạng sống ở khu dân cư thang máy rơi tự do như cơm bữa ảnh 3Bà Xuân hàng ngày muốn ra ngoài phải khổ sở chui qua nóc tòa nhà để sang đơn nguyên bên kia đi nhờ thang máy. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Những khó khăn khi thang máy hỏng đã ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống sinh hoạt của người dân nơi đây. Vì chỉ còn một thang máy hoạt động nên mọi người tại khu nhà này đã thống nhất, mỗi khi đến giờ cao điểm, thang máy dành nhường cho người già và trẻ con. Người khỏe mạnh nhường cho người yếu.

Được biết, đơn vị đang quản lý trực tiếp khu chung cư nói trên là Công ty TNHH một thành viên Quản lý và phát triển nhà Hà Nội. Đơn vị này được Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội giao quản lý các khu tái định cư trên địa bàn Thủ đô.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hữu Tuấn - Tổ trưởng Quản lý khu tái định cư Đền Lừ, Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội cho biết, ngay sau khi xảy ra sự cố thang máy tại nhà G, Ban quản lý cùng Sở Xây dựng Hà Nội ngay lập tức có mặt kiểm tra sự việc và đã gửi báo cáo lên Sở Xây dựng và các đơn vị chức năng khác. Sau khi được cấp kinh phí, đơn vị sẽ sớm khắc phục, sửa chữa.

"Do các hộ dân sống tại đây phần lớn có thu nhập thấp nên Ban quản lý không thu được kinh phí duy tu bảo dưỡng thang máy hàng tháng và phải chờ nguồn hỗ trợ từ thành phố", ông Tuấn cho biết./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục