Tiếp nhận bức sắc phong quý hiếm thời Minh Mạng

Bức sắc phong hình chữ nhật, kích thước 80x40cm, làm bằng giấy dó có màu vàng nhạt, trang trí hình rồng, mây, hoa văn chấm phủ nhũ bạc.
Ngày 18/5, tại Bảo tàng thành phố Đà Nẵng diễn ra lễ tiếp nhận hiện vật quý - Bức sắc phong chức “Thự thủ thành Thành Điện Hải” thời vua Minh Mạng năm thứ 21.

Bức sắc phong do ông Bùi Văn Quang (Hội viên Câu lạc bộ UNESCO nghiên cứu sưu tầm cổ vật Việt Nam tại Nam Định) hiến tặng cho Bảo tàng Đà Nẵng.

Bức sắc phong có hình chữ nhật, kích thước 80x40cm, làm bằng giấy dó có màu vàng nhạt, trang trí hình rồng, mây, hoa văn chấm phủ nhũ bạc.

Về nội dung, đây là sắc phong giữ chức “Thự thủ thành Thành Điện Hải” – Cai đội làm nhiệm vụ cai quản binh lính trấn giữ thành vào năm Minh Mạng thứ 21 (1840) đúng thời điểm mà danh thần Nguyễn Công Trứ vào kiểm tra hệ thống phòng thủ của Đà Nẵng.

Theo các nhà nghiên cứu, đây là một trong những sắc phong có niên đại sớm lần đầu tiên được phát hiện có liên quan đến lịch sử di tích thành Điện Hải.

Bức sắc phong chức “Thự thủ thành Thành Điện Hải” thời vua Minh Mạng năm thứ 21 (1840) lần đầu tiên phát hiện có liên quan đến di tích Thành Điện Hải và là hiện vật có giá trị rất lớn, là nguồn tư liệu quý để nghiên cứu lịch sử di tích Thành Điện Hải.

Được biết, Di tích lịch sử Quốc gia Thành Điện Hải được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng ngày 16/11/1988, trước đây gọi là đồn Điện Hải; được xây dựng vào năm 1813, năm thứ mười hai của triều đại Gia Long ở gần cửa sông Hàn Đà Nẵng.

Thành được đổi tên vào năm 1834, năm thứ mười lăm của triều đại Minh Mạng, sau khi đã được di chuyển vào khu đất liền bên trong và xây dựng lại bằng gạch trên một dải đất cao vào năm 1823, năm thứ tư của triều đại Minh Mạng.

Năm 1840, vị quan triều đình Nguyễn Công Trứ kiểm tra phòng thủ của Đà Nẵng và ra lệnh bố phòng vững chắc hơn cho thành Điện Hải và An Hải./.

Trần Lê Lâm (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục