[Video] Dùng phế liệu làm máy đo nước tưới cho vườn càphê ở Tây Nguyên

Thay vì phải ngày ngày đội nắng, đội gió đi “thăm cây”, người nông dân Tây Nguyên chỉ cần kiểm tra chiếc máy đo lượng nước trong đất được làm từ phế liệu đã biết được thời điểm cần tưới nước cho cây.
(Video: PV/Vietnam+)

Nằm trong khuôn khổ dự án Nestle Plan nhằm hỗ trợ phát triển càphê bền vững ở Việt Nam, vấn đề tiết kiệm nước cũng được đặt lên hàng đầu. 

Trưởng bộ phận hỗ trợ Nông nghiệp Nestle, ông Phạm Phú Ngọc cho biết: Ngay từ khi khởi động dự án Nestle Plan năm 2011, một loạt ứng dụng đơn giản để giúp nông dân chủ động theo dõi lượng nước tưới đã được đưa vào áp dụng trong thực tế.

Chỉ cần một thủ thuật đơn giản là đặt chai nhựa úp xuống đất và quan sát mức độ nước tụ lại trong chai, người nông dân đã có một công cụ để đo độ ẩm của đất. Tùy theo lượng nước bám trong thành lọ mà có thể tưới tiếp và tưới bao nhiêu.

Ông Nguyễn Chí Thanh, chủ vườn càphê rộng hơn 1ha tại xã Ea Tu (Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) là một trong số hàng nghìn hộ nông dân đang được hưởng lợi từ cách làm này. Từ năm 2011, ông Thanh đã được hướng dẫn và áp dụng loại máy đo đơn giản này cho tới tận hiện nay.

Lão nông đen nhẻm cho hay, trên diện tích rộng hơn 1ha, ông chỉ cần cắm 4 chai nhựa úp xuống 4 góc. Sau đó, ông chỉ cần quan sát lượng nước bốc lên tích trên mặt chai là có thể biết được đất trong vườn có đủ độ ẩm hay không.

“Nếu nước trên mặt ít, nghĩa là đất đã quá khô. Lúc này chúng tôi sẽ bơm tưới. Cách làm này kết hợp với lịch nông vụ đã giúp lượng nước được tiết kiệm đến 20-40%”, ông Thanh hồ hởi.

Ngoài ra, các hộ nông dân tại Đắk Lắk còn tận dụng vỏ lon sữa bò để đo lượng nước mưa mà cây càphê hấp thu được. Điều này giúp họ điều chỉnh lượng nước tưới trong suốt mùa khô.

Chuyên gia của dự án Nestle Plan giải thích: "Khi nhận thấy một vỏ lon sữa bò chứa 1/6 lượng nước mưa trong đó, có nghĩa là cây càphê gần đó đã tiếp nhận khoảng 100 lít nước. Người nông dân sẽ căn cứ vào mực nước này để chủ động mực nước tưới cho cây."/.

(Vietnam+)