Việc làm tình nghĩa giúp thí sinh nghèo "vượt vũ môn"

Hiệu trưởng nấu cơm, doanh nghiệp hỗ trợ tiền, người dân cho ở nhờ là những việc làm tình nghĩa giúp thí sinh nghèo "vượt vũ môn."
Mỗi buổi sáng, Hiệu trưởng Huỳnh Thị Hồng Lạc lại cố gắng thu xếp công việc để có thể xuống bếp, cùng các giáo viên của trường Trung học phổ thông Trần Đại Nghĩa (huyện Tam Bình, Vĩnh Long) nấu cơm trưa cho 139 học sinh lớp 12.

“Nhường cơm sẻ áo” cho học trò

Từ đầu tháng 4/2010, trường Trung học phổ thông Trần Đại Nghĩa đã vận động học sinh và giáo viên trong trường tự nguyện quyên góp để hỗ trợ ăn trưa cho những em có hoàn cảnh khó khăn. Học sinh có em vài nghìn đồng, giáo viên từ vài chục đến một trăm nghìn đồng, tùy khả năng của mỗi người.

Lo cho bữa ăn của các em thêm đầy đủ, các thầy cô trong trường không ngại đi vận động các doanh nghiệp, những nhà hảo tâm hỗ trợ thêm. Ngày 19/4, sau khi biết môn thi tốt nghiệp, bếp ăn của trường bắt đầu nổi lửa.

Để tiết kiệm chi phí tối đa, thầy cô giáo trực tiếp làm đầu bếp. Mỗi ngày, từ 5 giờ sáng, cô thủ thư Trần Thị Chinh đã dậy để đi chợ mua đồ về nấu ăn cho học trò. Trong khi các em miệt mài trên lớp thì dưới bếp, các cán bộ, thầy cô không có tiết cũng hối hả nhặt rau, vo gạo, chuẩn bị bữa trưa. Hiệu trưởng, Hiệu phó nhà trường cũng tranh thủ thời gian xuống góp sức.

Mùa thi, các lớp 12 đều phải tăng cường học hai buổi mỗi ngày. Trong số này, có rất nhiều em ở xa, đi lại vất vả nên các em thường ở lại trường buổi trưa để chiều học tiếp. Năm 2006, nhìn những khuôn mặt học trò hốc hác, mệt mỏi vì áp lực học tập trong khi bữa trưa có em nhịn đói, Hiệu trưởng Huỳnh Thị Hồng Lạc không khỏi nhói lòng. Bữa trưa của tình thầy trò bắt đầu từ đó.

Năm nay, có 502 học sinh lớp 12 nhưng trường Trung học phổ thông Trần Đại Nghĩa chỉ hỗ trợ được cho 139 em, là những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nhà ở xa. Cô Phạm Thị Lệ Thủy, cán bộ phụ trách học sinh của trường chia sẻ: “Mặc dù vất vả hơn nhưng mọi người đều vui vẻ, nhiệt tình, miễn sao các em có điều kiện tốt nhất để ôn tập, thi đạt kết quả cao. Chúng tôi cũng mong qua đây, giáo dục được các em về tình yêu thương, sự sẻ chia để cùng nhau vượt qua khó khăn”.

Bếp ăn đầy ý nghĩa này đã được cả bốn trường trung học phổ thông còn lại trong huyện Tam Bình học tập. Ủy ban Nhân dân huyện Tam Bình cũng góp sức để các bếp ăn hỗ trợ học trò nghèo của các trường trong huyện luôn đỏ lửa mỗi mùa thi tới.

Hỗ trợ tiền cho học sinh vùng khó đi thi

Không có điều kiện để tổ chức nấu ăn cho học sinh, nhưng nhiều sở giáo dục và đào tạo khác cũng đặc biệt chú ý tạo điều kiện cho học sinh nghèo của mình yên tâm dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Cao Bằng Trần Văn Tân cho biết, năm nay, toàn tỉnh có hơn 8.600 thi tốt nghiệp lớp 12. Dù các địa bàn xa đều được bố trí điểm lẻ nhưng vẫn có học sinh phải đi mất cả ngày đường mới tới điểm thi do điều kiện địa hình khó khăn.

Đó là trường hợp các học sinh của xã Yên Thổ, huyện Bảo Lâm. Cả huyện chỉ có một trường cấp ba nên dù đã được tổ chức một hội đồng thi riêng, không ghép với trường nào thì học sinh vẫn phải đi hàng chục cây số mới đến được điểm thi. Để tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, Sở Giáo dục và Đào tạo Cao Bằng đã phối hợp với địa phương tổ chức vận động người dân khu vực gần trường cho các em được ở trọ những ngày diễn ra kỳ thi.

Cũng theo ông Tân, không chỉ lo chỗ ở cho các em, thầy cô giáo và công đoàn ngành giáo dục của tỉnh cũng trích một khoản tiền để hỗ trợ những học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, mỗi em 100.000 đồng.

“Bên cạnh khoản tiền này, mỗi địa phương cũng sẽ trích kinh phí giúp đỡ các em, đảm  bảo không học sinh nào vì khó khăn mà bỏ thi. Số tiền  tuy ít ỏi nhưng đó là tấm lòng của thầy cô nhằm động viên, khích lệ các em trong kỳ thi quan trọng này,” ông Tân tâm sự.

Một trăm nghìn đồng mỗi em cũng là khoản hỗ trợ của nhiều địa phương ở Gia Lai cho học sinh nghèo trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay. Theo ông Trịnh Đào Chiến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh này, có nơi, học sinh phải đi tới 18 km để tới trường thi nên việc đi lại của các em cũng như giáo viên được sở đặc biệt chú trọng.

Chỉ còn hơn một tuần nữa, trên 1,1 triệu học sinh trong cả nước sẽ bước vào kỳ thi “vượt vũ môn” đầu tiên, kỳ thi tốt nghiệp trung học cơ sở. Bên cạnh việc miệt mài "sôi kinh nấu sử" thì công tác chuẩn bị về tâm lý, sức khỏe cũng rất quan trọng để các em có một mùa thi thắng lợi, nhất là đối với những học sinh nghèo./.
Phạm Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục