Việt Nam nỗ lực bảo tồn hổ khỏi nguy cơ tuyệt chủng

Để bảo vệ loài hổ hoang dã khỏi nguy cơ tuyệt chủng, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình quốc gia về bảo tồn hổ giai đoạn 2014-2022.
Việt Nam nỗ lực bảo tồn hổ khỏi nguy cơ tuyệt chủng ảnh 1Cá thể hổ được phát hiện trong một vụ buôn bán vào tháng 1/2008, sau đó đã được chuyển đến Trung tâm cứu hộ Sóc Sơn.(Ảnh ENV)

Theo nhận định của các tổ chức bảo tồn, trong những gần đây, loài hổ hoang dã tại Việt Nam đang bị suy giảm nghiêm trọng, từ hơn 100 cá thể cách đây khoảng 10 năm, nay chỉ còn gần 30 cá thể đang phân bố rải rác ở một số Vườn quốc gia và Khu bảo tồn.

Từ mối lo ngại trên đồng thời để bảo vệ các cá thể hổ hoang dã còn sót lại tránh khỏi vấn nạn săn bắn, buôn bán trái phép, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã phê duyệt chương trình quốc gia về bảo tồn hổ giai đoạn 2014-2022.

Cụ thể, đối với bảo tồn nội vi, chương trình sẽ tập trung vào các khu vực có khả năng còn hổ sinh sống, cũng như các khu vực có tiềm năng phục hồi hổ như: Vườn quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh), Pù Mát (Nghệ An), Yok Đôn (Đắk Lắk), Chư Mom Ray (Kon Tum) và các Khu bảo tồn thiên nhiên Sốp Cộp (Sơn La), Sông Thanh (Quảng Nam).

Để thực hiện tốt việc bảo tồn, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các Bộ, ngành trung ương và Ủy ban Nhân dân các tỉnh-thành phố tập trung xác lập khu vực ưu tiên bảo tồn hổ.

Theo đó, việc đánh giá hiện trạng và tiến hành xác lập các khu vực ưu tiên bảo tồn hổ sẽ được thực hiện lồng ghép với các nội dung trong Chiến lược quốc gia về bảo tồn đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Chiến lược quản lý hệ thống rừng đặc dụng, khu bảo tồn biển, khu bảo tồn vùng nước nội địa Việt Nam...

Chương trình quốc gia về bảo tồn hổ giai đoạn này cũng hướng đến xây dựng các hành lang bảo tồn sinh cảnh sống của hổ trong tự nhiên; tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn và hạn chế những hành động gây tác động tiêu cực đến khu vực sinh sống của hổ.

Đặc biệt, để ngăn chặn các hành vi săn bắt hổ trái phép, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan từ Trung ương đến địa phương tập trung quản lý, giám sát hoạt động gây nuôi bảo tồn hổ như: Điều tra, thống kê và lập hồ sơ quản lý toàn bộ số hổ đang được nuôi tại Việt Nam; thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia để quản lý, nhận dạng các cá thể hổ nuôi.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng đề nghị các đơn vị tăng cường hiệu quả trong công tác phòng ngừa, đấu tranh và xử lý các hành vi vi phạm về bảo tồn hổ và con mồi của hổ; thực hiện các điều ước quốc tế, các cơ chế hợp tác khu vực, các hợp tác song phương có liên quan đến bảo vệ hổ../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục