Việt Nam thúc đẩy bình đẳng giới, đảm bảo quyền của phụ nữ

Theo xếp hạng năm 2012 của LHQ về chỉ số bất bình đẳng giới, Việt Nam xếp thứ 47/187 quốc gia, so với vị trí 58/136 quốc gia năm 2010.
Việt Nam thúc đẩy bình đẳng giới, đảm bảo quyền của phụ nữ ảnh 1Lớp dạy nghề may công nghiệp cho phụ nữ dân tộc Dao, Tày tại Tuyên Quang. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã luôn coi trọng xây dựng và phát triển các chính sách, chương trình nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, tạo điều kiện để đảm bảo quyền của phụ nữ.

Phát biểu tại cuộc Tọa đàm Phụ nữ dân tộc thiểu số và các vấn đề phát triển mới đây do Cơ quan Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức, dưới sự chủ trì của bà Helen Clark, Tổng Giám đốc Liên hợp quốc, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, ở Việt Nam, Hiến pháp năm 1946 đã khẳng định quyền bình đẳng nam nữ với quy định “đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện.”

Ngày nay, vấn đề bình đẳng giới và đảm bảo quyền của phụ nữ được cụ thể hóa trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật như Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội, Luật Bầu cử Đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và Gia đình.

Bên cạnh đó, Việt Nam là một trong các nước sớm ký kết và phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về xóa bỏ các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (CEDAW) và nội luật hóa các quy định của Công ước này.

Việt Nam đã đạt được một số thành tựu quan trọng trong việc thúc đẩy quyền phụ nữ như xây dựng và ban hành các văn bản pháp quy thể hiện nguyên tắc về bình đẳng giới, không phân biệt đối xử theo quy định của Luật Bình đẳng giới 2006 và Công ước của Liên hợp quốc về xóa bỏ các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ, lồng ghép bình đẳng giới trong việc xây dựng và thực thi pháp luật.

Việt Nam cũng ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 với mục tiêu nâng cao nhận thức, thu hẹp khoảng cách về giới và nâng cao vị thế của phụ nữ; tích cực thực hiện các sáng kiến quốc tế và khu vực nhằm thúc đẩy việc bảo vệ quyền của phụ nữ và chống phân biệt đối xử đối với phụ nữ.

Bộ luật Lao động sửa đổi được Quốc hội thông qua tháng 6/2012 quy định tăng thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ từ 4 tháng lên thành 6 tháng.

Cũng trong thời gian qua, Việt Nam nghiêm túc triển khai thực hiện Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ trên cả phương diện thúc đẩy hoàn thiện luật pháp và tổ chức triển khai thực hiện trong thực tiễn.

Chính phủ Việt Nam cũng đã xây dựng và hoàn thành báo cáo định kỳ về tình hình thực hiện công ước này giai đoạn 2004-2010 trên cơ sở kết quả tham vấn rộng rãi với các cơ quan, tổ chức có liên quan và các tầng lớp xã hội.

Trong Báo cáo quốc gia của Việt Nam về việc thực hiện quyền con người theo cơ chế kiểm điểm định kỳ phổ cập của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc mà Việt Nam là thành viên cho thấy, chiến lược quốc gia về bình đẳng giới và tiến bộ của phụ nữ được tập trung triển khai ở những vùng và khu vực có sự bất bình đẳng và nguy cơ bất bình đẳng cao.

Điều này đã góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn bán phụ nữ và bạo lực trong gia đình, tạo điều kiện để phụ nữ tham gia học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu công việc, nhiệm vụ.

Chính phủ cũng triển khai các giải pháp trong việc thực thi pháp luật cũng như hợp tác quốc tế nhằm vượt qua những thách thức chủ yếu liên quan tới nhận thức về bình đẳng giới; xóa bỏ bạo lực giới và bạo lực gia đình; khoảng cách về việc làm, thu nhập, địa vị xã hội…

Tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội khóa XIII (2011-2016) đạt 24,4%, đưa Việt Nam nằm trong nhóm nước có tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội cao ở khu vực và thế giới (đứng thứ 43/143 nước trên thế giới và thứ 2 trong ASEAN).

Phụ nữ đảm nhiệm nhiều vị trí lãnh đạo chủ chốt của đất nước như Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng; 14/30 Bộ hoặc cơ quan trực thuộc Chính phủ có Thứ trưởng là nữ.

Ở các địa phương, nhiều phụ nữ giữ vai trò chủ chốt ở các cấp, các ngành, góp phần giải quyết các vấn đề quan trọng. Nữ doanh nhân là người dân tộc thiểu số tăng, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân vai trò của phụ nữ dân tộc thiểu số được phát huy.

Hiện nay, tỷ lệ lao động có việc làm là nữ giới chiếm 49%. Tính đến hết năm 2011, tỷ lệ phụ nữ biết chữ là 92%; khoảng 80% trẻ em gái ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số được đi học đúng tuổi.

Tỷ lệ nữ sinh viên chiếm trên 50%, tỷ lệ thạc sỹ là nữ chiếm hơn 30% và 17,1% tiến sỹ là nữ giới.

Nỗ lực bảo đảm bình đẳng giới của Việt Nam đã được quốc tế ghi nhận, theo xếp hạng năm 2012 của Liên hợp quốc về chỉ số bất bình đẳng giới, Việt Nam xếp thứ 47/187 quốc gia, so với vị trí 58/136 quốc gia năm 2010 (thứ hạng càng gần 0 càng thể hiện sự bình đẳng cao)..

Hiện nay phụ nữ dân tộc thiểu số ngày càng được thực hiện quyền bình đẳng từ trong gia đình đến hoạt động xã hội, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Tuy nhiên, Việt Nam còn gặp nhiều thách thức như tỷ lệ phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia các vị trí lãnh đạo các cấp còn ít, tỷ lệ nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số còn cao. Do đó vẫn còn phụ nữ dân tộc thiểu số chưa biết chữ, vấn đề việc làm, dạy nghề cho phụ nữ dân tộc thiểu số để tiếp cận với lao động chất lượng cao cần có sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát hơn của các cấp chính quyền, sự ủng hộ và hợp tác của cộng đồng quốc tế và bản thân chị em phụ nữ cũng cần tự mình vươn lên, học hỏi, nâng cao trình độ, kiến thức, kỹ năng để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Chính phủ Việt Nam đánh giá tầm quan trọng của bình đẳng giới trong phát triển kinh tế, xã hội và khẳng định bình đẳng giới là yếu tố tiền đề để xây dựng một nguồn nhân lực vững mạnh, cũng như đẩy mạnh chất lượng cuộc sống cho mỗi cá nhân, mỗi gia đình và toàn xã hội.

Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cường nhận thức về bình đẳng giới, thay đổi thái độ và tư tưởng về giới vốn là định kiến trong xã hội; thúc đẩy hợp tác quốc tế trong việc giải quyết vấn đề bình đẳng giới, đặc biệt là ở các nhóm yếu thế và trong các lĩnh vực có tính chiến lược như giáo dục, y tế, việc làm.../.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục