Vũ Giáng Hương - Người đàn bà đẹp của hội họa Việt

Nổi danh với dòng tranh lụa, nhưng nữ họa sĩ Vũ Giáng Hương còn có những tác phẩm để đời ở dòng khắc gỗ như "Chùa Thầy", "Cầu Hàm Rồng"...
Tôi mạo muội gọi bà là "người đàn bà đẹp của hội họa Việt", không chỉ ở nhan sắc của người nữ họa sĩ dù đã ở tuổi gần bát thập vẫn hết sức mặn mà, đằm thắm mà còn bởi cái đẹp trong tâm hồn của bà qua các tác phẩm của mình, qua cách đối nhân, xử thế.

Gặp Phó giáo sư-Họa sĩ Vũ Giáng Hương  ở văn phòng của Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, tôi ấn tượng mãi đôi mắt sáng tinh tường và nụ cười thân thiện của vị nữ Chủ tịch hội dành cho những người xung quanh.

Xin chào PGS- Họa sĩ Vũ Giáng Hương, hai tuyển tập về tranh của bà ra đời đã được dư luận đánh giá cao. Xin bà cho biết, trong cuộc đời nghệ thuật của mình bà đã sáng tác được bao nhiêu tác phẩm?

PGS-Họa sĩ Vũ Giáng Hương: Tôi không nhớ chính xác nhưng chỉ riêng hai quyển tuyển tập tranh của tôi đã có khoảng 300 tác phẩm rồi. Còn nhiều tác phẩm ở nhà chưa thống kê được.

Đó là một con số đáng nể, thưa bà. Được biết, mẹ bà (cố thi sĩ Hằng Phương) là một điển hình cho người phụ nữ Việt Nam: nhân hậu, đảm đang, hết mình vì chồng con… Vậy mẹ có ảnh hưởng như thế nào trong những sáng tác của bà?


PGS-Họa sĩ Vũ Giáng Hương: Mẹ có ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống và những sáng tác của tôi. Là người chị cả trong gia đình, tôi nhớ được nhiều nhất những kỉ niệm về cha mẹ. Gia đình đông anh chị em nhưng chúng tôi sống trong không khí êm ấm với tình yêu thương của cha mẹ.

Mẹ tôi ngoài chăm sóc con, lo lắng mọi việc ăn ở trong gia đình, lúc thảnh thơi bà cũng dành thời gian để làm thơ. Khi làm được bài thơ mới mẹ thường đọc cho chúng tôi nghe, bà còn đọc cả ca dao và thơ Đường nữa. Tâm hồn thơ ấy đã thấm đẫm vào tình cảm của chúng tôi từ ngày còn thơ ấu.

Ở nhà, mẹ gần gũi và an ủi tôi nhiều nhất. Nhờ tình cảm đó nên những bức tranh mẹ con của tôi mang đầy tâm sự.

Sinh viên cũ của bà hay nhắc lại việc, vào mùa đông năm 1979-1980, trước cảnh đói rét họ đã bẻ giường để sưởi và nấu ăn. Là Phó hiệu trưởng lúc đó bà chẳng những không kỷ luật mà còn mở bếp cho sinh viên. Phải chăng tình thương người, lòng nhân hậu đó bà được thừa hưởng từ mẹ mình?

PGS-Họa sĩ Vũ Giáng Hương: Còn sống bố mẹ tôi luôn dạy con cái lòng yêu gia đình và yêu thương những người nghèo, các em nhỏ… Tôi coi học sinh của mình như các em trong nhà nên luôn lo lắng, quan tâm tới họ. Do đi và ăn ở cùng sinh viên nhiều nên tôi rất hiểu và thương họ. Cuộc sống của sinh viên lúc đó rất vất vả.

Bà từng mơ ước vẽ được bộ chân dung những Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Vậy bà đã thực hiện mơ ước ấy đến đâu rồi?

PGS-Họa sĩ Vũ Giáng Hương: Tôi mới vẽ được 7 bức. Trong đó có 6 bức vẽ về những bà mẹ Việt Nam anh hùng ở Quảng Nam và 1 bức ở Đà Nẵng. Quảng Nam là quê mẹ tôi nhưng quan trọng hơn miền đất đó đã có sự hy sinh lớn lao cho đất nước.

Trên bàn thờ những gia đình ở đây, thay vì ảnh của các cụ già là ảnh của rất nhiều gương mặt trẻ đã hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Có gia đình cả 3 con trai và con rể đều hy sinh. Xúc động lắm!

Tôi gặp những khó khăn khi thực hiện đó là thời gian của tôi không nhiều. Hơn nữa, tìm được các mẹ cũng khó. Có xã chỉ còn 11/148 mẹ còn sống. Trong số 11 người ấy, nhiều mẹ đã yếu không ngồi dậy để cho mình có thể vẽ được. Tuy nhiên, khi có điều kiện tôi sẽ tiếp tục đi vẽ và cố gắng để đến được nhiều nơi hơn.

Bà quan niệm như thế nào về nghệ thuật hội họa?

PGS-Họa sĩ Vũ Giáng Hương: Tôi vẽ theo phong cách tả thực. Đôi lúc cũng muốn thay đổi, mang hơi thở mới cho tranh nhưng bây giờ tuổi tác của tôi không cho phép làm được điều đó nữa. Hy vọng lớp trẻ sau này sẽ tạo ra được những tác phẩm mang hơi thở cuộc sống bằng bút pháp sáng tạo, đổi mới.

Dù thành công hơn với tranh lụa, song những tác phẩm đồ họa, in khắc gỗ của bà: “Chùa Thầy”, “Cầu Hàm Rồng”, “Chuyến phà đêm”… được các nhà phê bình nghệ thuật đánh giá cao. Nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng từng nhận xét: “nếu dành nhiều thời gian cho khắc gỗ có lẽ họa sĩ là trứ danh trong lĩnh vực này”. Bà nghĩ gì về điều đó?

PGS-Họa sĩ Vũ Giáng Hương: Tôi vẫn còn dụng cụ để làm tranh in ván khắc gỗ. Tuy nhiên, công việc này đòi hỏi sự công phu và nhiều thời gian. Công việc ở Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam đã lấy đi thời gian sáng tác của tôi. Đó cũng là một thiệt thòi của người nghệ sĩ (cười).

Rất ít người ở ngưỡng cửa của độ tuổi bát tuần tự chăm sóc được cho bản thân. Vậy mà bà, một phụ nữ vẫn gánh trên vai trọng trách lớn của xã hội. Yếu tố nào giúp bà duy trì được sức dẻo dai trong công việc như vậy?

PGS-Họa sĩ Vũ Giáng Hương: Yếu tố đó là trách nhiệm. Khi nhà thơ Nguyễn Đình Thi, nhạc sĩ Trần Hoàn, nhà thơ Huy Cận đều ra đi. Không còn ai nên tôi phải gánh trọng trách của các anh. Tôi nghĩ rằng, đã nhận nhiệm vụ thì phải hoàn thành.

Tôi nghĩ, một người phụ nữ tháo vát như bà không chỉ cống hiến được nhiều cho xã hội mà còn tận tụy vun đắp cho hạnh phúc gia đình của mình?

PGS-Họa sĩ Vũ Giáng Hương: Nhà tôi đã mất đến gần chục năm. Khi ông còn sống, vợ chồng tôi thường san sẻ với nhau về công việc. Bây giờ tôi dành điều đó cho các cháu của mình. Hiện tại, tôi cũng đang biên soạn những sách chuyên môn y học của chồng và đã cho in 4 tập.

Xin cảm ơn bà!

Thúy Mơ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục