Xuất khẩu của Indonesia tiếp tục tăng trong quý 1

Tổng kim ngạch xuất khẩu của Indonesia trong ba tháng đầu năm 2012 vẫn tăng 6,93% so với cùng kỳ năm 2011 lên mức 48,53 tỷ USD.
Theo Cơ quan Thống kê Trung ương Indonesia (BPS), bất chấp sức mua tại thị trường Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ giảm sút, tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này ba tháng đầu năm 2012 vẫn tăng 6,93% so với cùng kỳ năm 2011 lên 48,53 tỷ USD, trong đó xuất khẩu phi dầu khí đạt 38,53 tỷ USD.

Trong cùng thời gian này, kim ngạch nhập khẩu đạt 45,85 tỷ USD, tăng 18,18%. Dù nhập khẩu tăng nhanh hơn xuất khẩu, Indonesia vẫn đạt mức thặng dư thương mại 2,68 tỷ USD. Tuy nhiên, số thặng dư đã giảm đáng kể, tới 62%, so với ba tháng đầu năm 2011.

Thống kê cho thấy nhu cầu mạnh mẽ từ Trung Quốc, các thị trường mới nổi và hàng tiêu dùng tăng giá trên phạm vi toàn cầu là những động lực chính giúp Indonesia duy trì khá tốt tình hình xuất khẩu.

Mỹ và EU, vốn vẫn là hai đối tác thương mại chủ chốt của Indonesia, trong quý I/2012 chỉ lần lượt nhập khối lượng hàng hóa phi dầu khí từ nước này là 3,68 tỷ USD (giảm 6,17%) và 4,6 tỷ USD (giảm 7,46%).

Bên cạnh đó, điều gây quan ngại ngày càng gia tăng cho các nhà quản lý Indonesia là xuất khẩu nguyên liệu thô vẫn chiếm tới 72,26% tỷ trọng xuất khẩu.

Các chuyên gia kinh tế sở tại nhận xét về tổng thể, tình hình xuất nhập khẩu vẫn diễn biến khả quan, song để có thể đạt mục tiêu xuất khẩu 230 tỷ USD trong năm nay (tăng 12,96% so với năm 2011), chính phủ và các doanh nghiệp cần gia tăng nỗ lực mở rộng, tìm kiếm thị trường mới, cũng như chú trọng xúc tiến thương mại cả ở trong và ngoài nước. Mặt khác, việc giải bài toán giảm, tiến tới chấm dứt xuất khẩu nguyên liệu thô cũng không đơn giản, và sẽ trực tiếp tác động tới mục tiêu xuất khẩu.

Trong một diễn biến liên quan, Bộ trưởng Năng lượng và Tài nguyên khoáng sản Indonesia Jero Wacik cho biết, ngày 6/5 Chính phủ sẽ chính thức thông báo quyết định áp thuế xuất khẩu 20-50% đối với 14 kim loại (trong đó có đồng, vàng, bạc, thiếc, chì, crôm, bauxite, niken, mangan, niken), nếu chúng được chuyển ra khỏi lãnh thổ quốc gia ở dạng thô.

Theo Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Hata Rajasa, nhà nước muốn các nhà xuất khẩu khoáng sản chế biến và tinh lọc sản phẩm trước khi xuất khẩu, nhằm vừa tạo công ăn việc làm trong nước, vừa nâng giá trị gia tăng của hàng hóa và kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên./.

Anh Ngọc (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục