10 sự kiện CNTT-Truyền thông 2008

Chiều nay, tại Hà Nội, CLB Các nhà báo CNTT-TT (ICT Press Club) đã công bố 10 sự kiện ICT 2008 do các nhà báo chuyên trách về CNTT-TT thuộc ICT Press Club bình chọn. Đây là năm thứ 5 liên tiếp ICT Press Club tiến hành bình chọn và công bố các sự kiện này.

Chiều nay, tại Hà Nội, CLB Các nhà báo CNTT-TT (ICT Press Club) đã công bố 10 sự kiện ICT 2008 do các nhà báo chuyên trách về CNTT-TT thuộc ICT Press Club bình chọn. Đây là năm thứ 5 liên tiếp ICT Press Club tiến hành bình chọn và công bố các sự kiện này.

Từ đề cử 20 sự kiện nổi bật của ngành Công nghệ Thông tin-Truyền thông diễn ra trong năm 2008, dựa trên tiêu chí sự kiện có sức lan tỏa và ảnh hưởng về mặt truyền thông cũng như lợi ích cộng đồng nhất,  các nhà báo đã chọn và công bố 10 sự kiện của 2008.

Đứng đầu với số điểm vượt trội là sự kiện Phóng thành công vệ tinh viễn thông đầu tiên của Việt Nam, Vinasat-1. Các sự kiện nổi bật năm nay ghi dấu ấn sự thay đổi về quản lý nhà nước trong nhiều lĩnh vực như: vấn đề blog (đứng thứ 3); kiểm tra công bố số thuê bao thực các mạng di động (thứ 4); tăng đầu số điện thoại cố định (thứ 2).

Các sự kiện tiếp theo liên quan đến các doanh nghiệp hàng đầu ngành viễn thông và CNTT trong đó nội trội là Viettel với 3 đề cử, và 2 lọt vào top 10 (thứ 5 và thứ 8). Cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu cũng đã có những tác động mạnh mẽ đến ngành ICT Việt Nam khi mà công ty CNTT  hàng đầu Việt Nam phải thực hiện kế hoạch C20: cắt giảm nhân sự và mục tiêu lợi nhuận tới 20%.

Sau đây là cụ thể 10 sự kiện được bình chọn:

1. Phóng thành công vệ tinh viễn thông đầu tiên của Việt Nam, Vinasat-1 (467 điểm)

Đúng 5:17 phút sáng 19/4/2008 (giờ địa phương) từ Kourou (French Guiana), vệ tinh thương mại đầu tiên của Việt Nam VINASAT-1 đã được phóng thành công lên quỹ đạo. Đây là sự kiện lịch sử của ngành viễn thông Việt Nam, đánh dấu việc Việt Nam sẽ có chủ quyền trên quỹ đạo không gian, bắt đầu kỷ nguyên chinh phục vũ trụ của người Việt và Việt Nam hoàn thiện mạng lưới thông tin liên lạc Quốc gia. VINASAT-1 có tổng giá trị đầu tư hơn 200 triệu USD, thời gian hoạt động 15 năm được giao cho Tập đoàn VNPT là chủ đầu tư xây dựng và triển khai. Theo VNPT, tính đến thời điểm này, đã có khoảng 30 % dung lượng của vệ tinh VINASAT-1 được sử dụng cho các mục đích thương mại và thử nghiệm dịch vụ. Dự kiến, trong vòng 3 năm tới, hầu hết băng thông vệ tinh VINASAT-1 sẽ được đưa vào khai thác sử dụng.

2. Tăng thêm đầu số cho mạng điện thoại cố định (349 điểm)

Sau khi được Bộ TT&TT đồng ý việc đổi số điện thoại cố định nhằm tăng thêm dung lượng kho số, các nhà cung cấp dịch vụ điện thoại cố định đã tiến hành đổi số. Theo đó, các thuê bao cố định của VNPT sẽ thêm số 3, Viettel thêm số 6, EVN thêm số 2, Saigon Postel thêm số 5, FPT thêm số 7 và VTC thêm số 4 vào trước số thuê bao điện thoại cố định đang dùng.  Việc chuyển đổi đã được hoàn tất trong tháng 10/2008.

3.Bộ TT&TT đặt ra vấn đề quản lý blog và ban hành Thông tư về vấn đề này (324 điểm)

Cùng với sự bùng nổ của các blog giải trí, năm 2008, các blog viết về các đề tài chính trị xã hội trở nên cực “hot” trong cộng đồng những người sử dụng Internet. Khá nhiều blog không những là một kênh thông tin giải trí cho người sử dụng Internet mà đã trở thành một kênh thông tin tham khảo bên cạnh kênh thông tin chính thức là báo chí truyền thống. Tuy nhiên, cũng chính vì sự bùng nổ quá nhanh, tác động xã hội cực lớn của blog nhưng không có ai kiểm soát được các thông tin được đăng tải ở loại hình truyền thông mới này, các cơ quan quản lý (Bộ TT&TT) đã có những đề xuất để đưa blog vào khuôn khổ cũng với đó là Thông tư Hướng dẫn một số nội dung về hoạt động cung cấp thông tin trên trang thông tin điện tử cá nhân (blog) được ban hành ngày 18/12/2008.

4. Lần đầu tiên kiểm tra, công bố thuê bao của các mạng di động (319 điểm)

Tháng 6/2008, Bộ TT&TT đã thực hiện một cuộc kiểm tra chính thức về số lượng thuê bao thực hoạt động của các mạng di động và công bố công khai với kết quả: Viettel 19,42 triệu, MobiFone 13,4 triệu, VinaPhone 12,1 triệu. Cuộc kiểm tra này cũng đánh dấu việc lần đầu tiên Bộ TT&TT có được một kết quả tương đối chính xác về một chỉ tiêu quan trọng trong sự phát triển của ngành viễn thông Việt Nam nói chung và thông tin di động nói riêng. Đồng thời thể hiện vai trò của cơ quan quản lý nhà nước nhằm có cái nhìn nhận đúng đắn về thị trường nhằm đưa ra những chính sách và định hướng hợp lý hơn.

5. Viettel kết nối mạng giáo dục miễn phí (297 điểm)


Ngày 25/9/2008, ngày Viettel cùng Bộ GD&ĐT khởi công kết nối mạng giáo dục đã được Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân gọi là “ngày đi vào lịch sử của ngành giáo dục và ngành CNTT Việt Nam”. Với việc tài trợ kết nối Internet băng rộng miễn phí, đồng thời miễn phí thuê bao vĩnh viễn tới gần 40.000 trường học tại Việt Nam, Viettel đã khởi động một chương trình đem Internet băng rộng miễn phí tới 25 triệu học sinh trên cả nước. Không tính chi phí kết nối ban đầu, chỉ tính riêng tiền cước thuê bao Internet băng rộng hàng năm, Viettel mất khoảng hơn 300 tỷ đồng doanh thu cho chương trình này.

6. FPT tiến hành kế hoạch C20, cắt giảm nhân sự và mục tiêu lợi nhuận – khủng hoảng kinh tế lan đến các công ty CNTT (285 điểm)

Những dấu hiệu bất ổn của thị trường tài chính toàn cầu đầu năm 2008 ngay lập tức đã gây ra những tác động tiêu cực tới nền kinh tế Việt Nam nói chung cũng như các công ty CNTT-TT (ICT) Việt Nam nói riêng. FPT – công ty CNTT-TT hàng đầu Việt Nam trong quý 2/2008 đã công bố Kế hoạch C20, trong đó điều chỉnh kế hoạch doanh thu, cắt giảm những khoản mục chi tiêu không cần thiết và tối ưu lại nguồn nhân lực của công ty này, với mức giảm tới 20%.

Càng về cuối năm, tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu tới các công ty CNTT-TT Việt Nam càng lớn, rất nhiều công ty đã phải hoạt động cầm chừng, thậm chí thua lỗ và có nguy cơ phải đóng cửa. Năm 2009 được dự báo là năm sẽ còn gây rất nhiều khó khăn cho các công ty CNTT-TT Việt Nam.

7. HT Mobile chuyển đổi sang GSM và đổi thương hiệu thành Vietnamobile (278 điểm)

Tháng 1/2008 Thủ tướng đã đồng ý về nguyên tắc cho phép mạng HT Mobile được chuyển đổi công nghệ thông tin di động từ CDMA sang E-GSM ở băng tần số 882-890 MHz và 927-935 MHz. Ngày 22/4, Hanoi Telecom bắt đầu “gửi” thuê bao HT Mobile sang mạng S-Fone để bắt đầu quá trình xây dựng mạng eGSM. Ngày 31/8, Hanoi Telecom đã ký hợp đồng với 2 nhà thầu Ericsson và Huawei để triển khai mạng di động GSM với tổng giá trị các hợp đồng lên tới 702 triệu USD. Đây là giá trị lớn nhất đầu tư vào thị trường viễn thông Việt Nam tính đến nay. Hanoi Telecom cũng đã tiến hành thay đổi thương hiệu HT Mobile thành thương hiệu Vietnamobile.

8. Viettel đứng thứ 83/100 thương hiệu viễn thông lớn nhất thế giới (250 điểm)


Informa plc (một tổ chức hàng đầu thế giới trong lĩnh vực cung cấp thông tin thống kê) đã xác định giá trị thương hiệu của Viettel khoảng 536 triệu USD và xếp hạng Viettel đứng thứ 83 trên trong tổng số 100 thương hiệu lớn nhất thế giới trong lĩnh vực viễn thông. Với thứ hạng này, Viettel trở thành công ty duy nhất Việt Nam, lọt vào danh sách 100 thương hiệu viễn thông lớn nhất thế giới xếp trên cả thương hiệu SingTel (Singapore), cũng là doanh nghiệp duy nhất lọt vào top 100 các thương hiệu mạnh do Informa plc đánh giá.

9. Riav kiện Nokia, Vinasa khiếu nại Yahoo lên Bộ TT&TT (248 điểm)

Cuối tháng 10/2008, Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV) đã chính thức khởi kiện Nokia và truyền hình theo yêu cầu IPTV của FPT ra Tòa án nhân dân TP. HCM vì đã sử dụng các ca khúc của RIAV mà không xin phép. Số tiền mà RIAV đòi bồi thường cũng lên tới con số kỷ lục là 50 tỷ đồng - một con số chưa từng thấy đối với ngành công nghiệp ghi âm Việt Nam.

Trước đó, Hiệp hội các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam (Vinasa) cũng gửi văn bản khiếu nại lên Bộ TT&TT về các hoạt động của Yahoo mà Vinasa coi là “vi phạm pháp luật Việt Nam”. Theo Vinasa, về mặt bản chất, Yahoo đang thực hiện nhiều hoạt động kinh doanh tại Việt Nam nhưng lại không phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam như các doanh nghiệp trong nước như quảng cáo trên Internet, dịch vụ chat, email, blog, nhạc… bằng tiếng Việt tại địa chỉ www.yahoo.com.vn. 

10. P.A Việt Nam bị tấn công và nạn tin tặc bùng phát (240 điểm)

Năm 2008, nạn tin tặc bùng phát với sự kiện nổi bật nhất là vụ nhà cung cấp dịch vụ đăng ký tên miền và hosting hàng lớn nhất Việt Nam, Cty P.A Việt Nam bị tin tặc tấn công ngày 27/7/2008. Không chỉ P.A Việt Nam, một loạt các website khác như 5giay.com, vietnamairlines.com.vn, vtc.com.vn, ddth.com… cũng bị tin tặc đột nhập.

Năm 2008 cũng chứng kiến sự tiến bộ lớn của Việt Nam trong lĩnh vực an ninh, an toàn thông tin với việc Tập đoàn Công nghệ CMC tham gia thị trường này với bộ sản phẩm diệt virus và mã độc có khả năng diệt được hơn 1 triệu virus/mã độc. Trung tâm BKIS cũng nhiều lần phát hiện ra các lỗ hổng bảo mật trong sản phẩm của các hãng lớn như Microsoft, Google. Ngoài ra, các chuyên gia về bảo mật của Việt Nam đã giành cả giải Nhất và giải Nhì trong một cuộc thi bảo mật quốc tế có uy tín trong khuôn khổ Hội nghị Hack In The Box Security Conference 2008 (10.2008).

Cùng với việc công bố 10 sự kiện nổi bật 208, CLB nhà Báo CNTT-TT cũng kỷ niệm 5 năm ngày thành lập và đón nhận bẳng khen của Hội Nhà Báo Việt Nam trong việc nỗ lực đóng góp cho sự nghiệp báo chí và sự nghiệp CNTT-TT đất nước.

CLB nhà Báo CNTT-TT là tập hợp gồm hơn 50 nhà báo chuyên theo dõi ICT của các cơ quan Thông tấn, báo chí trên cả nước, thành lập năm 2003. Ngoài tuyên truyền các chính sách, đường lối của Nhà nước về lĩnh vực ICT, đi cùng sự phát triển của ngành ICT Việt Nam, CLB thường xuyên có những hội thảo chuyên đề liên quan đến lĩnh vực này và đã tổ chức thành công các cuộc bình chọn 10 sự kiện ICT nổi bật hàng năm, được đánh giá là cuộc bình chọn có uy tín, tiếng vang./.

Hàn Giang (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục