1.000 công trình kiến trúc cổ đại ở Scotland có nguy cơ bị biến mất

Tình trạng nước biển dâng và xói mòn bờ biển là những mối đe dọa khiến 1.000 di tích nằm bên bờ biển của Scotland, có niên đại cao hơn các kim tự tháp ở Ai Cập, bị hư hỏng, sụp đổ, thậm chí biến mất.
1.000 công trình kiến trúc cổ đại ở Scotland có nguy cơ bị biến mất ảnh 1Nước biển xâm thực đe dọa nhấn chìm nhiều công trình kiến trúc cổ của Scottland. (Nguồn: Reuters)

Các công trình kiến trúc cổ ở Anh có niên đại cao hơn các kim tự tháp ở Ai Cập đang đứng trước nguy cơ bị đe dọa do tác động của tình trạng biến đổi khí hậu.

Đây là cảnh báo của các chuyên gia Anh đưa ra ngày 10/10, trong bối cảnh tình trạng nước biển dâng, lượng mưa lớn hơn và các hiện tượng thời tiết cực đoan đang gây nguy hiểm cho các di tích khảo cổ mang nhiều giá trị lịch sử tại vùng Scotland.

Quần đảo Orkney ở ngoài khơi bờ biển phía Bắc của Scotland là nơi có hơn 3.000 di tích lịch sử.

Các nhà khảo cổ đã tìm thấy bằng chứng về tập quán sinh sống của con người trên quần đảo này cách đây 8.500 năm.

Một số tòa nhà trên quần đảo Orkney có từ thời đại Đồ Sắt, thời đại Viking và thời Trung cổ. Tuy nhiên, khoảng 1.000 di tích nằm bên bờ biển đang đứng trước nguy cơ bị đe dọa.

[Nước biển dâng và những cuộc di cư không có ngày trở lại]

Một trong số đó là di sản South Howe Broch có từ thời Đồ Sắt trên đảo Rousay. Được xây dựng từ khoảng năm 600-400 sau Công nguyên, nước biển đã xâm thực phần lớn khu vực phía Tây của di tích này.

Hiện phần tường của di tích đang chìm dần xuống biển. Giảng viên Đại học Highlands and Islands, Julie Gibson, cảnh báo nguy cơ di tích này cuối cùng sẽ biến mất.

Cách di tích South Howe Broch vài trăm mét về phía Bắc là Midhowe Broch, cũng có từ thời Đồ Sắt. Di tích này mặc dù được bảo tồn tốt nhưng cũng đứng trước nhiều rủi ro do tình trạng biến đổi khí hậu.

Một báo cáo đánh giá rủi ro do khí hậu gây ra đối với các di tích trên quần đảo Orkney do tổ chức Historic Environment Scotland (HES) công bố hồi tháng Bảy vừa qua cho thấy những tác động có thể xảy ra do tình trạng biến đổi khí hậu ở những di tích này là "nghiêm trọng" và tình trạng dễ tổn thương "cao."

Theo HES, lượng mưa và tuyết trung bình ở Scotland đã tăng 27% kể từ đầu những năm 1960 của thế kỷ trước.

Trong cùng giai đoạn này, lượng mưa và tuyết trong mùa Đông đã tăng tới hơn 70% tại nhiều khu vực ở phía Bắc Scotland.

Thời tiết ẩm ướt hơn làm tăng nguy cơ nước xâm nhập và phá hỏng các công trình kiến trúc khiến các công trình dễ bị sụp đổ.

Tình trạng nước biển dâng và xói mòn bờ biển cũng là những mối đe dọa tiềm tàng đối với các di tích./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục