1.000 đại biểu dự diễn đàn văn hóa thế giới tại Indonesia

Các đại biểu tập trung thảo luận về các vấn đề văn hóa toàn cầu, gồm cả mối quan hệ của văn hóa với kinh tế, dân chủ và môi trường.

Trong các ngày từ 24-27/11 tại Bali, Indonesia diễn ra Diễn đàn Văn hóa Thế giới (WCF) 2013 với chủ đề “Sức mạnh của văn hóa trong phát triển bền vững," thu hút sự tham dự của trên 1.000 đại biểu đến từ 30 quốc gia trên toàn cầu, trong đó có 12 bộ trưởng văn hóa của các nước.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono đã khẳng định vai trò không thể thiếu được của văn hóa trong phát triển bền vững, đồng thời cho biết sáng kiến tổ chức WCF nhằm nâng cao nhận thức và thúc đẩy hành động cho mục đích này đã được đưa ra sau cuộc họp Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York, Mỹ và diễn ra thường xuyên từ năm 2005.

Tổng thống Yudhoyono cũng đã nhấn mạnh đến ý nghĩa quan trọng của WCF 2013, khi tại Diễn đàn năm nay các đại biểu sẽ tập trung trao đổi, thảo luận về các vấn đề văn hóa toàn cầu, bao gồm cả mối quan hệ của văn hóa với kinh tế, dân chủ và môi trường; vai trò quan trọng của văn hóa trong các mục tiêu của Chương trình Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc sau năm 2015; giải quyết các nhu cầu cấp thiết để thúc đẩy dân chủ văn hóa như là một công cụ trao quyền, nhằm đi đến một tầm nhìn chung và định hướng chiến lược giữa các nước để thúc đẩy sự hiểu biết về đối thoại văn hóa, tín ngưỡng, và giữa các thế hệ; nâng cao đạo đức trong đầu tư, thực hành kinh doanh cho các ngành văn hóa và sáng tạo.

Trong khuôn khổ WCF 2013 sẽ diễn ra một loạt các cuộc hội thảo quốc tế với chủ đề “Phương pháp tiếp cận toàn diện cho văn hóa trong phát triển,” “Xã hội dân sự và dân chủ văn hóa,” “Sáng tạo và kinh tế văn hóa,” “Văn hóa trong bền vững môi trường,” “Đối thoại tín ngưỡng và xây dựng cộng đồng.”

Trong số diễn giả được mời trình bày tham luận tại các cuộc hội thảo có nhà khoa học đoạt giải Nobel kinh tế Amartya Sen, Tổng giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) Irina Bokova, và nhà báo đồng thời là nhà văn nổi tiếng người Mỹ gốc Ấn Độ Fareed Zakaria Rafiq./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục