15 năm đã trôi qua kể từ khi các phần tử khủng bố cướp đi sinh mạng của gần 3.000 người ở New York, Washington, D.C. và Pennsylvania. Kể từ sau ngày đen tối 11/9 đó, nước Mỹ đã có những thay đổi chưa từng có, điểm nhấn là chính sách an ninh nội địa và cuộc chiến chống khủng bố trên toàn cầu.
Washington đã buộc phải thay đổi trọng tâm chiến lược an ninh quốc gia khi đột nhiên phải đối mặt với một kẻ thù không có quân đội và gần như “vô hình.” Hàng loạt vũ khí, trang bị hiện đại bỗng trở nên kém hiệu quả trước đối thủ mới. Bộ An ninh Nội địa Mỹ được cơ cấu lại với quy mô chưa từng có và “ngốn” một khoản kinh phí khổng lồ là 1.000 tỷ USD.
Chính quyền của Tổng thống Mỹ khi đó là ông George Bush còn ban hành sắc lệnh cho phép Cơ quan An ninh quốc gia (NSA) được nghe lén điện thoại và bí mật kiểm tra thư tín của những người bị nghi có liên quan đến khủng bố. Hiếm có khi nào quyền tự do của người dân Mỹ bị xâm phạm nhiều đến thế. Khủng bố được coi là mối đe dọa hàng đầu đối với an ninh quốc gia Mỹ.
Ở ngoài nước, Mỹ đã tiến hành hai cuộc chiến tranh trên bộ tại Afghanistan và Iraq và chiến dịch can thiệp trên không tại Syria nhằm xóa bỏ các cứ địa của khủng bố. Hàng loạt chiến dịch chống khủng bố ở Nam Á, Đông Nam Á, Trung Đông và Bắc Phi cũng đã được phát động nhằm tiêu diệt các ổ nhóm khủng bố.
Theo thống kê của Lầu Năm Góc, kể từ khi phát động cuộc chiến chống khủng bố đến nay, Mỹ đã phải chi cho cuộc chiến này hàng chục nghìn tỷ USD, trong đó, chỉ tính riêng cuộc chiến tranh ở Iraq và Afghanistan đã tiêu tốn của nước này hơn 6.000 tỷ USD, cao gấp nhiều lần so với dự chi ban đầu của Nhà Trắng (từ 200 đến 400 tỷ USD).
Hiện tại, cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang tiêu tốn ngân sách của chính phủ Mỹ mỗi ngày khoảng 11 triệu USD. Nhiều nhà phân tích cho rằng, chi phí tốn kém cho các cuộc chiến chống khủng bố đã tác động tiêu cực tới nền kinh tế Mỹ và là một trong những nguyên nhân chính đẩy Washington lâm vào khủng hoảng tài chính (năm 2008) tồi tệ nhất kể từ thập niên 30 của thế kỷ XX.
Ngân sách quốc gia Mỹ từ chỗ có thặng dư lớn vào năm 2000 đến nay bị thâm hụt với con số khổng lồ. Nước Mỹ tuy vẫn giữ vị trí số một thế giới về kinh tế, nhưng cũng đang là “con nợ” lớn nhất toàn cầu (nợ công của Mỹ đang tiến gần tới ngưỡng 20.000 tỷ USD).
Sau 15 năm tiến hành cuộc chiến chống khủng bố, hơn một nửa số dân Mỹ vẫn cho rằng nước Mỹ ngày nay kém an toàn hơn so với thời điểm trước ngày 11/9 và khủng bố là một trong những vấn đề cấp bách nhất mà nước Mỹ đang phải đương đầu. Thậm chí, có đến 89% số người Mỹ được hỏi cho rằng họ sẽ tiếp tục phải sống chung với nguy cơ khủng bố trong một thời gian dài nữa.
Trên thực tế, 15 năm qua, thế giới đã phải chứng kiến một nghịch lý là Mỹ càng nỗ lực chống khủng bố, thì số vụ tấn công khủng bố với quy mô và mức độ nghiêm trọng càng gia tăng trên khắp các châu lục.
Các hoạt động khủng bố ngày càng tinh vi, phức tạp và khó đoán định. IS, đội quân thánh chiến - hiện đang kiểm soát một vùng lãnh thổ trải dài từ Iraq tới Syria - có bộ máy hành chính cai trị, có nguồn thu tài chính,… đã lôi kéo hàng chục nghìn phần tử cực đoan tham gia. Hoạt động tuyển mộ được chúng thực hiện thông qua cỗ máy tuyên truyền dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội,…
Không những vậy, IS còn tạo lập được các ổ nhóm trên phạm vi toàn thế giới, đứng chân tại các nước bản địa, sẵn sàng nhận lệnh trực tiếp từ IS để thực hiện các vụ tấn công đẫm máu, kể cả theo hình thức “sói đơn độc”.
Tại Mỹ, những kẻ khủng bố lấy cảm hứng từ IS có xu hướng lựa chọn những địa điểm nhỏ hơn, an ninh lỏng lẻo hơn để làm mục tiêu tấn công.
Sở dĩ tồn tại nghịch lý "càng chống khủng bố, khủng bố càng mạnh" là do thế giới vẫn chưa giải quyết được 3 vấn đề then chốt trong cuộc chiến chống khủng bố.
Thứ nhất, các nước trên thế giới lý giải và hiểu theo nhiều cách khác nhau về quan niệm thế nào là khủng bố. Do cách hiểu và cách lý giải khác nhau nên các nước dùng các tiêu chí khác nhau để xác định một tổ chức nào đó hay một lực lượng nào đó là khủng bố.
Hai là, vì không thống nhất được nhận thức khủng bố xuất phát từ đâu nên chưa thể triệt phá tận gốc căn nguyên sinh ra khủng bố và vì thế hiệu quả chống khủng bố không cao. Đơn cử như các nước đang tiến hành các đợt không kích nhằm vào IS tại Syria tuy có chung một mục tiêu là IS nhưng mỗi nước lại hành động theo kiểu "đèn nhà ai nấy rạng".
Ba là, nhiều nước cho rằng, để chống khủng bố, trước hết cần sử dụng lực lượng tình báo, cảnh sát, mật vụ, các biện pháp kinh tế và tuyên truyền vận động. Thế nhưng, Mỹ lại sử dụng bộ máy quân sự lớn nhất thế giới để chống khủng bố, do đó có không ít ý kiến cho rằng Mỹ mượn cớ chống khủng bố để gia tăng sự hiện diện quân sự tại những địa bàn chiến lược quan trọng như Afghanistan, Iraq, Syria.
15 năm sau thảm kịch 11/9 là dịp để thế giới cùng người Mỹ nhìn lại những đau thương mất mát mà các vụ tấn công khủng bố gây ra để từ đó có thêm động lực tiêu diệt tận gốc chủ nghĩa khủng bố. Tuy nhiên, để tạo được sự đột phá trong cuộc chiến chống khủng bố, điều quan trọng là cộng đồng quốc tế cần tăng cường phối hợp chặt chẽ để giải quyết những vấn đề được coi là căn nguyên của chủ nghĩa khủng bố. Có như vậy thì những ký ức đau thương về ngày 11/9 đen tối mới không còn là nỗi ám ảnh trong tâm trí của người dân Mỹ cũng như người dân toàn thế giới./.