150 nhà thơ quốc tế tham dự Ngày hội thơ lớn nhất Việt Nam

Với hai sân thơ Việt Nam và sân thơ quốc tế; một cabin dịch thơ bằng 4-5 thứ tiếng, Ngày thơ Việt Nam lần thứ 13 sẽ đón 150 nhà thơ quốc tế tham dự và giao lưu với các thi nhân Việt Nam.

Làng văn Việt Nam đang háo hức chào đón ba sự kiện lớn diễn ra những ngày đầu Xuân Năm mới Ất Mùi, đó là Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam lần thứ 3; Liên hoan thơ châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 2 và Ngày thơ Việt Nam lần thứ 13.

Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cơ bản hoàn tất, sẵn sàng đón hàng nghìn người yêu thơ trong cả nước và gần 150 nhà thơ quốc tế đến từ 40 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Sẵn sàng cho Hội thơ lớn nhất Việt Nam

Theo nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, tại Ngày thơ Việt Nam lần này sẽ có hai sân thơ Việt Nam và quốc tế.

Ở sân thơ truyền thống Việt Nam, ngoài các nhà thơ của Hội Nhà văn Việt Nam, Ban tổ chức mời sinh viên của 6 trường đại học, gần 20 câu lạc bộ thơ ở Hà Nội và 8 địa phương tham gia.

Đặc biệt, 15 gương mặt nhà thơ Việt Nam tiêu biểu sẽ được tuyển chọn, giới thiệu thơ bằng tiếng Pháp và do một họa sỹ người Pháp vẽ minh họa.

150 nhà thơ quốc tế tham dự Ngày hội thơ lớn nhất Việt Nam ảnh 1Ngày Thơ Việt Nam diễn ra tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Hà Nội. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Hội Nhà văn Việt Nam cũng đã lựa chọn 100 nhà thơ Việt Nam tiêu biểu (được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, phần thưởng cao quý…) tiếp xúc với các nhà văn, nhà thơ quốc tế tiêu biểu.

Bên cạnh đó, 10 nhà xuất bản có tên tuổi cũng đã được mời tham dự giới thiệu tác phẩm viết về cuộc đấu tranh giành độc lập của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.

Nhà văn Đào Thắng, Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, thành viên Ban Tổ chức Ngày thơ Việt Nam 2015 cho biết ngày thơ năm nay sẽ gộp hai sân thơ trẻ và truyền thống thành sân thơ trăm miền để dành đất diễn cho các bạn quốc tế.

Ban tổ chức cũng đặt một cabin chuyên dịch thơ (4-5 thứ tiếng) tại Văn Miếu Quốc Tử Giám.

Ngày thơ Việt Nam năm 2015 còn có sự tham gia của hai lực lượng gồm Bộ Tư lệnh Hải quân và Bộ Tư lệnh Biên phòng, góp phần làm đậm nét chủ đề của Ngày thơ ''Hướng về biển đảo.'' Với chủ đề này, các nhà thơ sẽ mang đến nhiều tác phẩm hay viết về biển đảo.

Nét mới của Ngày thơ Việt Nam năm nay là có phố nghệ thuật để tôn vinh nghệ thuật truyền thống như hát văn, hát xẩm…, biểu diễn nghệ thuật trong quán thơ. Các quán thơ sẽ mở cửa tới tận chiều tối, phục vụ độc giả yêu thơ.

Đẩy mạnh quảng bá văn học Việt ra thế giới

Hơn 10 năm qua, với chính sách hội nhập, Việt Nam đã mở rộng hợp tác quốc tế văn hóa nói chung và văn học nói riêng, giới thiệu được nhiều tác phẩm văn học ra nước ngoài.

Hai kỳ hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam trước đây có sự tham gia của nhiều nhà văn, nhà thơ, dịch giả đến từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đã góp phần mở thêm kênh giao lưu, cơ hội giới thiệu văn học Việt Nam đến với quốc tế.

Các tác phẩm như ''Nhật ký trong tù'' của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thơ Hồ Xuân Hương, tiểu thuyết ''Số đỏ'' của Vũ Trọng Phụng, tiểu thuyết ''Nỗi buồn chiến tranh'' của Bảo Ninh, thơ của Nguyễn Quang Thiều, tác phẩm của Tô Hoài, Lê Minh Khuê, Hồ Anh Thái, Nguyễn Việt Hà, Phong Điệp… qua hoạt động ngoại giao của Hội Nhà văn Việt Nam hoặc các kênh cá nhân đã đến với các nhà xuất bản, bạn đọc nước ngoài.

Tuy nhiên, vẫn phải thẳng thắn thừa nhận rằng, việc quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài vẫn còn hạn chế. So với hàng nghìn tác phẩm nước ngoài được dịch và bày bán ở trong nước thì không nhiều người biết hay kể ra được tác phẩm văn học Việt Nam đã được dịch và giới thiệu đến bạn bè quốc tế.

Mặt khác, văn học Việt Nam vẫn chưa được các nhà xuất bản trên thế giới săn tìm.

Để góp phần đưa văn học Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, trong năm qua, Hội Nhà văn Việt Nam đã cho ra mắt một trung tâm dịch thuật văn học, trung tâm này đã có những hoạt động đầu tiên để quảng bá văn học Việt.

Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết các sự kiện lớn của văn học nước nhà sẽ diễn ra từ ngày 1-7/3 nhằm giới thiệu rộng rãi, cung cấp một bức tranh tổng thể về thành tựu, giá trị, bản sắc độc đáo của văn học Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.

Đây cũng là cơ sở cho việc lựa chọn những tác phẩm tiêu biểu để dịch thuật, xuất bản bằng nhiều thứ tiếng, giúp nhân dân thế giới hiểu hơn về đất nước, con người, văn hóa Việt Nam, góp phần tăng cường tình đoàn kết hữu nghị và sự ủng hộ của nhân dân thế giới với nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời, giảm bớt "nhập siêu" văn hóa, nhất là các tác phẩm văn học.

Tại hội nghị quảng bá văn học Việt Nam năm nay, có những nước lần đầu tiên có dịch giả đến tham dự như Brazil, Nam Phi; đại diện của Cuba sau nhiều năm vắng mặt cũng sẽ trở lại Việt Nam.

Đại diện nhiều nhà xuất bản nước ngoài, mong muốn tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới từ những tác phẩm văn học nổi bật ở Việt Nam hiện nay cũng sẽ có mặt tại hội nghị này.

Trong 7 ngày ở Việt Nam, các đại biểu quốc tế sẽ tham quan Vịnh Hạ Long, Bảo tàng Văn học Việt Nam tại Hà Nội và đến Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc (Bắc Ninh) nghe hát quan họ.

Thông qua đó, Ban tổ chức sẽ giới thiệu về hai di sản của Việt Nam đã được thế giới công nhận là Vịnh Hạ Long và quan họ Bắc Ninh để các nhà văn, nhà thơ quốc tế hiểu hơn về đất nước và con người, truyền thống văn hóa của Việt Nam.

Về phía Việt Nam, lần đầu tiên 10 nhà xuất bản uy tín cũng được mời tham dự hội nghị để có cơ hội gặp gỡ, tìm hiểu và chia sẻ kinh nghiệm trong việc đưa các tác phẩm của Việt Nam đến với độc giả thế giới và ngược lại.

Theo ban tổ chức, đây cũng là cơ hội kết nối giữa các nhà xuất bản và tác giả..../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục