Văn phòng Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương cho biết bão và mưa lũ tại các tỉnh, thành phố từ Nghệ An đến Bình Định và tỉnh Kon Tum đã gây thiệt hại nặng. Tính đến ngày 18/10, bão và mưa lũ đã làm 18 người chết, tăng 8 người so với thống kê sơ bộ ngày hôm qua, và 3 người mất tích, 92 người bị thương. Bão và mưa lũ cũng làm trên 13.000 nhà bị sập, trôi, tốc mái, hư hỏng; 87.382 nhà bị ngập; 587 phòng học bị tốc mái, hư hỏng; nhiều trụ sở cơ quan, bệnh viện bị ngập, tốc mái, hư hỏng. Diện tích lúa và hoa màu bị ngập, hư hại là 7.810ha; diện tích cây công nghiệp, lâm nghiệp bị gãy đổ là 5.060ha; hàng trăm nghìn cây ăn quả, cây xanh bị ngã đổ và nhiều gia súc, gia cầm bị lũ cuốn trôi. Do mưa lớn, tập trung trong một thời gian ngắn, các tỉnh Nghệ An đến Quảng Bình đã bị ngập, đặc biệt tỉnh Hà Tĩnh đã bị ngập nghiêm trọng. Tại Hà Tĩnh, mưa lớn đã gây ngập lụt 69 xã; trong đó huyện Hương Sơn 29 xã; Hương Khê 10 xã; Vũ Quang 11 xã; Đức Thọ 15 xã và Nghi Xuân có 1 thôn Xuân Giang II. Tại Hà Tĩnh, mưa bão đã làm cho khối lượng đường giao thông bị sạt lở, vùi lấp là 88.810m3; 45 cầu bị hư hỏng; 85 cống qua đường loại nhỏ bị trôi, hư hại; 10.185m đê, kè bị sạt lở, cuốn trôi; 10.040m kênh, mương bị sạt lở, hư hỏng. Quốc lộ 8A đoạn từ Km52+00 đến Km60+00 có một số vị trí bị ngập cục bộ sâu từ 0,6-0,8m; đoạn K81+800-K82+500 sạt mái taluy âm gây đứt đường; đoạn K82+500 bị sạt taluy dương gây ách tắc giao thông từ chiều 16/10 đến nay chưa thông tuyến. Tỉnh lộ 3 đoạn cầu Khe Giao tại K24+600 ngập sâu 0,3m; tỉnh lộ 5 nhiều đoạn bị sạt mái taluy dương, âm; Quốc lộ 1A đoạn từ Nam cầu Bến Thủy đến Hồng Lĩnh bị ngập một số đoạn cục bộ từ 0,2 đến 0,3m và có xu hướng ngập sâu hơn do lũ thượng nguồn đang tiếp tục đổ về. Tại Quảng Bình, các tuyến giao thông Quốc lộ, tỉnh lộ quan trọng đã thông xe trong ngày 17/10, riêng đường Hồ Chí Minh nhánh Đông đoạn đèo Đá Đẽo bị sụt trượt chưa khôi phục xong.
Nhà văn hóa thôn ngập trong nước lũ. (Ảnh: Võ Thị Dung/TTXVN)
Tại Nghệ An, đường Quốc lộ 7 đoạn K16+400-K18+100 ngập sâu 0,4-0,5m, một số điểm thuộc tuyến đường ĐT531 bị ngập sâu từ 0,4m đến 0,6m riêng tại K23+800 ngập 2,8m và Km52+300 ngập 2,5m. Tại các vị trí ngập sâu trên 0,25m, đơn vị quản lý đã tổ chức cắm tiêu vè báo hiệu, cử người trực gác đảm bảo giao thông. Đến sáng ngày 18/10, các điểm bị ách tắc trên đều đã thông xe. Cho đến ngày 18/10, vẫn có hơn 62.000 học sinh chưa thể đến trường. Khẩn trương khắc phục hậu quả bão lũ Để đối phó và khắc phục nhanh hậu quả do bão lũ gây ra, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh miền Trung đã trực tiếp đi xuống các địa phương để chỉ đạo công tác ứng phó với lũ, an toàn hồ chứa, sơ tán dân tại các trọng điểm, khu vực xung yếu. Ngày 17/10, Đoàn công tác của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương đã đi kiểm tra công tác triển khai ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ tại Hà Tĩnh. Hôm nay (18/10) đoàn tiếp tục kiểm tra, thị sát công tác ứng phó và khắc phục hậu tại tỉnh Nghệ An. Bộ Công an có công điện chỉ đạo các sở và các cơ quan trực thuộc triển khai các biện pháp ứng phó với mưa lũ. Các đơn vị quân đội cũng nhanh chóng triển khai lực lượng, tham gia phòng chống, khắc phục hậu quả cơn bão số 11 tại các tỉnh miền Trung. Quân khu 4, Quân khu 5 đã huy động 190.000 cán bộ, chiến sỹ và dân quân tự vệ cùng 2.170 phương tiện tham gia phòng, chống bão. Các đơn vị quân đội trên địa bàn các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi đã phối hợp với chính quyền các địa phương chủ động triển khai sơ tán, di dời được 34.135 hộ dân/123.686 người của 52 huyện, thị các vùng ven biển không an toàn, vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, vùng trũng thấp có nguy cơ bị ngập đến nơi an toàn. Bộ đội Biên phòng đã phối hợp với địa phương thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 68.062 phương tiện/292.783 người biết diễn biến của bão để chủ động di chuyển phòng tránh.
Đoàn viên thanh niên lợp lại mái nhà cho các hộ dân bị thiệt hại. (Ảnh: Công Tường/TTXVN)
Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân cử đoàn công tác đi kiểm tra những vị trí xung yếu tại thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, đồng thời triển khai 5 tàu trực chiến làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn; chuẩn bị 2 tàu kéo, 10 xuồng cao tốc, 12 xuồng cao su và nhiều xe tải, xe cẩu, xe cứu thương, xe ca, 4 tổ cơ động gồm 200 cán bộ, chiến sỹ. Tổng cục 2 đã điều động 15 cán bộ, chiến sỹ cùng 1 xe ôtô di dân tại Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu (thành phố Đà Nẵng) đến vị trí an toàn. Hiện nay, lực lượng vũ trang Quân khu 4, Quân khu 5 và Bộ đội Biên phòng cùng với các lực lượng đứng chân trên địa bàn các tỉnh thuộc các Quân khu này đang tích cực giúp nhân dân khắc phục hậu quả cơn bão số 11./.
(TTXVN)