Các chuyên gia phân tích đã không quá lời khi nhìn nhận năm 2011 là "Năm châu Á-Thái Bình Dương" của Mỹ. Nói vậy vì trong năm Tân Mão, theo cách gọi của người phương Ðông, nước Mỹ đã có những chuyển dịch mạnh mẽ cả trong lời nói và hành động, cả về chiến lược lẫn chính sách theo hướng coi trọng khu vực châu Á-Thái Bình Dương hơn.
Nói rằng trục quay chính sách đối ngoại của Mỹ chuyển về châu Á-Thái Bình Dương không có nghĩa các khu vực khác của thế giới không quan trọng bằng. Thế nhưng, theo lời giải thích của Cố vấn an ninh quốc gia Tom Donilon: "Với việc nâng tầm khu vực năng động này lên thành một ưu tiên chiến lược, Tổng thống Barack Obama đã chứng tỏ quyết tâm không để các lợi ích lâu dài của nước Mỹ bị chi phối bởi các cuộc khủng hoảng" ở những khu vực khác.
Ngay cả về mặt an ninh-quốc phòng, cho dù ngân sách bị cắt giảm, nhưng chính quyền Obama vẫn quả quyết "chúng tôi sẽ duy trì sự hiện diện đủ mạnh" ở khu vực mà bà Ngoại trưởng Hillary Clinton không ít lần thừa nhận "gắn liền với tương lai và sự thịnh vượng của nước Mỹ trong thế kỷ 21."
Nước Mỹ coi trọng châu Á-Thái Bình Dương không phải vì một phần lãnh thổ của họ thuộc nơi đây. Nó trước hết bởi lẽ tự thân khu vực này có sức hấp dẫn và những xu hướng phát triển không thể bỏ qua.
Châu Á, theo Giáo sư Ðại học Havard Joseph Nye, từng là Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và là tác giả cuốn sách "Tương lai quyền lực" (The Future of Power): "Ngay từ năm 1750, châu lục này đã chiếm 3/5 dân số thế giới và 3/5 GDP toàn cầu và đến năm 2050 châu lục này sẽ lại trở về với địa vị vốn có của nó cách đây 300 năm."
Giám đốc Chương trình Đông Nam Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) Ernest Bower cho rằng lý do Mỹ can dự sâu rộng hơn với châu Á là vì Tổng thống Obama xác định "nước Mỹ muốn thoát ra khỏi tình trạng ì ạch hoặc suy thoái thì châu Á là một phần của câu trả lời."
Châu Á-Thái Bình Dương hiện chiếm gần một nửa kim ngạch thương mại toàn cầu và chiếm tới 60% tổng kim ngạch xuất khẩu của Mỹ. Hơn thế, châu Á trong vài thập kỷ qua còn được nhắc tới như một khu vực phát triển năng động nhất của thế giới với sự xuất hiện của các cường quốc tiềm tàng như Trung Quốc và Ấn Độ, thách thức vị thế siêu cường của nước Mỹ.
Một châu Á hòa bình và ổn định (với 4 tỷ người sinh sống ở 48 quốc gia) là nằm trong lợi ích của Mỹ, cả về an ninh truyền thống và phi truyền thống, an ninh kinh tế và an ninh hàng hải. Đó là lý do vì sao cả Nhà Trắng, Bộ Ngoại giao, Thượng viện và Hạ viện Mỹ trong năm 2011 ít nhiều đều đã lên tiếng trong vấn đề Biển Đông, hoan nghênh nỗ lực của ASEAN cùng Trung Quốc bắt đầu thảo luận về Bộ quy tắc ứng xử giữa các bên tại Biển Đông (COC) thay cho Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Biển Đông và eo biển Malacca được Mỹ và thế giới nhìn nhận là hai trong những tuyến đường vận tải biển quan trọng nhất trên thế giới.
Nói tới sự tỏa sáng của châu Á không thể không liệt kê các tổ chức đang phát huy hiệu quả hoặc đang định hình mà Mỹ là một thành viên hoặc một đối tác tích cực như Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS),... Các kết quả đạt được tại hội nghị thượng đỉnh APEC ở Hawaii và các hội nghị quan trọng của ASEAN tại Indonesia trong tháng 11 vừa qua càng làm nổi bật vai trò của châu Á trong bối cảnh kinh tế Mỹ và kinh tế "lục địa già" châu Âu đang gặp không ít khó khăn.
ASEAN được Mỹ thừa nhận là "một trụ cột, một điểm tựa cho những phát triển quan trọng nhất ở châu Á." Không đâu khác, sự trở lại châu Á của Mỹ được phản ánh rất rõ nét tại khu vực Đông Nam Á, cụ thể với ASEAN.
Nước Mỹ, như lời Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề châu Á-Thái Bình Dương Kurt Campbell nói: "Năm 2010, tại Hà Nội, chúng tôi cảm thấy rất vinh dự khi được mời tham dự Hội nghị cấp cao Đông Á."
Bước ngoặt đánh dấu sự coi trọng của Mỹ với ASEAN là sự kiện tháng 7/2009 khi Ngoại trưởng Hillary Clinton ký tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC) với lời khẳng định: “Tôi muốn gửi thông điệp rõ ràng rằng nước Mỹ trở lại. Chúng tôi sẽ tham gia đầy đủ và tận tâm với các mối quan hệ tại Đông Nam Á."
Với thông cáo chung khẳng định "sự phồn vinh của Mỹ và ASEAN ngày càng đan xen với nhau," Tổng thống Obama, đồng chủ trì cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-ASEAN lần thứ hai tại New York tháng 9/2010, đã tự coi mình là "Tổng thống Thái Bình Dương đầu tiên của Mỹ."
ASEAN, với hơn 600 triệu dân và tổng GDP khoảng 1.300 tỷ USD, là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Mỹ, sau Khu vực tự do thương mại Bắc Mỹ (NAFTA), Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản. Trao đổi thương mại hai chiều năm 2010 giữa Mỹ và ASEAN đạt 146 tỷ USD. Hiện Mỹ đã đầu tư 153 tỷ USD vào ASEAN, gấp ba lần mức 45 tỷ USD đầu tư vào Trung Quốc và gần 10 lần so với mức 16 tỷ USD đầu tư vào Ấn Độ. Nếu cộng cả các khoản đầu tư vào lĩnh vực dầu khí, khối lượng vốn đầu tư của Mỹ vào ASEAN có thể gấp đôi.
Viễn cảnh về sự hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm 2015 càng trở nên hấp dẫn không chỉ với Mỹ. Đó là chưa kể tới việc ba thành viên ASEAN gồm Singapore, Brunei và Việt Nam hiện là tám nước sáng lập viên đang trong quá trình đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), một hiệp định mà Mỹ nói là "sẽ trở thành mẫu mực" cho các hiệp định thương mại toàn cầu trong tương lai.
Sang năm 2012, theo dự báo của các chuyên gia, nước Mỹ có bầu cử nhưng chắc chắn sẽ không quên việc triển khai những bước đi cụ thể để thực thi sự điều chuyển chiến lược mang tính thế kỷ, nhất là khi cường quốc này, về lý thuyết "đang kết thúc" cuộc chiến hao người tốn của tại Iraq và sẽ dần rút quân ra khỏi vũng lầy Afghanistan./.
Nói rằng trục quay chính sách đối ngoại của Mỹ chuyển về châu Á-Thái Bình Dương không có nghĩa các khu vực khác của thế giới không quan trọng bằng. Thế nhưng, theo lời giải thích của Cố vấn an ninh quốc gia Tom Donilon: "Với việc nâng tầm khu vực năng động này lên thành một ưu tiên chiến lược, Tổng thống Barack Obama đã chứng tỏ quyết tâm không để các lợi ích lâu dài của nước Mỹ bị chi phối bởi các cuộc khủng hoảng" ở những khu vực khác.
Ngay cả về mặt an ninh-quốc phòng, cho dù ngân sách bị cắt giảm, nhưng chính quyền Obama vẫn quả quyết "chúng tôi sẽ duy trì sự hiện diện đủ mạnh" ở khu vực mà bà Ngoại trưởng Hillary Clinton không ít lần thừa nhận "gắn liền với tương lai và sự thịnh vượng của nước Mỹ trong thế kỷ 21."
Nước Mỹ coi trọng châu Á-Thái Bình Dương không phải vì một phần lãnh thổ của họ thuộc nơi đây. Nó trước hết bởi lẽ tự thân khu vực này có sức hấp dẫn và những xu hướng phát triển không thể bỏ qua.
Châu Á, theo Giáo sư Ðại học Havard Joseph Nye, từng là Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và là tác giả cuốn sách "Tương lai quyền lực" (The Future of Power): "Ngay từ năm 1750, châu lục này đã chiếm 3/5 dân số thế giới và 3/5 GDP toàn cầu và đến năm 2050 châu lục này sẽ lại trở về với địa vị vốn có của nó cách đây 300 năm."
Giám đốc Chương trình Đông Nam Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) Ernest Bower cho rằng lý do Mỹ can dự sâu rộng hơn với châu Á là vì Tổng thống Obama xác định "nước Mỹ muốn thoát ra khỏi tình trạng ì ạch hoặc suy thoái thì châu Á là một phần của câu trả lời."
Châu Á-Thái Bình Dương hiện chiếm gần một nửa kim ngạch thương mại toàn cầu và chiếm tới 60% tổng kim ngạch xuất khẩu của Mỹ. Hơn thế, châu Á trong vài thập kỷ qua còn được nhắc tới như một khu vực phát triển năng động nhất của thế giới với sự xuất hiện của các cường quốc tiềm tàng như Trung Quốc và Ấn Độ, thách thức vị thế siêu cường của nước Mỹ.
Một châu Á hòa bình và ổn định (với 4 tỷ người sinh sống ở 48 quốc gia) là nằm trong lợi ích của Mỹ, cả về an ninh truyền thống và phi truyền thống, an ninh kinh tế và an ninh hàng hải. Đó là lý do vì sao cả Nhà Trắng, Bộ Ngoại giao, Thượng viện và Hạ viện Mỹ trong năm 2011 ít nhiều đều đã lên tiếng trong vấn đề Biển Đông, hoan nghênh nỗ lực của ASEAN cùng Trung Quốc bắt đầu thảo luận về Bộ quy tắc ứng xử giữa các bên tại Biển Đông (COC) thay cho Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Biển Đông và eo biển Malacca được Mỹ và thế giới nhìn nhận là hai trong những tuyến đường vận tải biển quan trọng nhất trên thế giới.
Nói tới sự tỏa sáng của châu Á không thể không liệt kê các tổ chức đang phát huy hiệu quả hoặc đang định hình mà Mỹ là một thành viên hoặc một đối tác tích cực như Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS),... Các kết quả đạt được tại hội nghị thượng đỉnh APEC ở Hawaii và các hội nghị quan trọng của ASEAN tại Indonesia trong tháng 11 vừa qua càng làm nổi bật vai trò của châu Á trong bối cảnh kinh tế Mỹ và kinh tế "lục địa già" châu Âu đang gặp không ít khó khăn.
ASEAN được Mỹ thừa nhận là "một trụ cột, một điểm tựa cho những phát triển quan trọng nhất ở châu Á." Không đâu khác, sự trở lại châu Á của Mỹ được phản ánh rất rõ nét tại khu vực Đông Nam Á, cụ thể với ASEAN.
Nước Mỹ, như lời Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề châu Á-Thái Bình Dương Kurt Campbell nói: "Năm 2010, tại Hà Nội, chúng tôi cảm thấy rất vinh dự khi được mời tham dự Hội nghị cấp cao Đông Á."
Bước ngoặt đánh dấu sự coi trọng của Mỹ với ASEAN là sự kiện tháng 7/2009 khi Ngoại trưởng Hillary Clinton ký tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC) với lời khẳng định: “Tôi muốn gửi thông điệp rõ ràng rằng nước Mỹ trở lại. Chúng tôi sẽ tham gia đầy đủ và tận tâm với các mối quan hệ tại Đông Nam Á."
Với thông cáo chung khẳng định "sự phồn vinh của Mỹ và ASEAN ngày càng đan xen với nhau," Tổng thống Obama, đồng chủ trì cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-ASEAN lần thứ hai tại New York tháng 9/2010, đã tự coi mình là "Tổng thống Thái Bình Dương đầu tiên của Mỹ."
ASEAN, với hơn 600 triệu dân và tổng GDP khoảng 1.300 tỷ USD, là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Mỹ, sau Khu vực tự do thương mại Bắc Mỹ (NAFTA), Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản. Trao đổi thương mại hai chiều năm 2010 giữa Mỹ và ASEAN đạt 146 tỷ USD. Hiện Mỹ đã đầu tư 153 tỷ USD vào ASEAN, gấp ba lần mức 45 tỷ USD đầu tư vào Trung Quốc và gần 10 lần so với mức 16 tỷ USD đầu tư vào Ấn Độ. Nếu cộng cả các khoản đầu tư vào lĩnh vực dầu khí, khối lượng vốn đầu tư của Mỹ vào ASEAN có thể gấp đôi.
Viễn cảnh về sự hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm 2015 càng trở nên hấp dẫn không chỉ với Mỹ. Đó là chưa kể tới việc ba thành viên ASEAN gồm Singapore, Brunei và Việt Nam hiện là tám nước sáng lập viên đang trong quá trình đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), một hiệp định mà Mỹ nói là "sẽ trở thành mẫu mực" cho các hiệp định thương mại toàn cầu trong tương lai.
Sang năm 2012, theo dự báo của các chuyên gia, nước Mỹ có bầu cử nhưng chắc chắn sẽ không quên việc triển khai những bước đi cụ thể để thực thi sự điều chuyển chiến lược mang tính thế kỷ, nhất là khi cường quốc này, về lý thuyết "đang kết thúc" cuộc chiến hao người tốn của tại Iraq và sẽ dần rút quân ra khỏi vũng lầy Afghanistan./.
Thái Hùng (TTXVN/Vietnam+)