2017 có thể được xem là năm thi đấu có ý nghĩa nhất trong sự nghiệp của Rafael Nadal - giành 2 Grand Slam,3 ATP 1000, trong đó hoàn tất 3 cú decima, để trở lại ngôi vị số 1 thế giới. Có lẽ, ngay cả Rafael Nadal cũng không dự đoán được điều này.
Năm 2008, Nadal đã giành 2 danh hiệu Grand Slam và một huy chương vàng Olympic, kết thúc một năm thi đấu với vị trí số 1 thế giới lần đầu tiên trong sự nghiệp. "Ông vua sân đất nện" đã vô địch Roland Garros mà không thua dù chỉ một set nào, và đánh bại Roger Federer ở Wimbledon trong một cuộc đua kéo dài gần 5 giờ đồng hồ, được nhiều người đánh giá là trận đấu tuyệt vời nhất trong lịch sử quần vợt.
Hai năm sau, Nadal đã khởi đầu năm 2010 không như ý muốn khi phải bỏ cuộc giữa chừng ở tứ kết Australian Open vì chấn thương. Tuy nhiên, anh đã trở lại ấn tượng bằng việc vô địch 3 giải Grand Slam liên tiếp và nhận được hơn 10 triệu USD tiền thưởng.
[Hạ gục nhanh Anderson, Rafael Nadal giành Grand Slam thứ 16]
2017 là năm không được kỳ vọng nhiều với Nadal khi anh vừa trải qua năm 2016 thất vọng, và thực tế anh sớm phải nếm "trái đắng" khi tuột mất danh hiệu tại Australian Open khi để thua Roger Federer ở chung kết.
Tuy nhiên, sau thất bại đó, Nadal đã trở lại mạnh mẽ, với việc hoàn tất ba cú decima tại Monte Carlo, Barcelona Open và Roland Garros - những giải đấu trên mặt sân đất nện sở trường.
Chủ nhật vừa qua, Nadal đã đánh bại hạt giống số 28 Kevin Anderson 6-3, 6-3, 6-4 ở chung kết US Open để giành danh hiệu Grand Slam lần thứ 16 trong sự nghiệp.
"Năm nay là một năm đặc biệt, đúng không?” Nadal nói sau chiến thắng. “Tôi đã trải qua vài năm mà không thắng giải Grand Slam nào vì gặp phải nhiều vấn đề. Sau vài năm không thi đấu ở cấp độ rất, rất cao này, tôi rất hạnh phúc khi được trở lại - và đây là một năm đầy cảm xúc với tôi."
"Và như tôi đã nói, [được như vậy là] nhờ có tất cả những người giúp đỡ tôi mỗi ngày. Tôi có một đội ngũ và một gia đình tuyệt vời, luôn hỗ trợ tôi, tin tưởng vào tôi, và đó là một sự trợ giúp rất lớn. Không có họ, dĩ nhiên điều đó không phải là bất khả thi, nhưng cũng gần như thế.”
Ý nghĩa của mùa giải này là không thể tóm tắt được chỉ bằng số liệu. Trải qua mùa giải 2016 - quãng thời gian mà anh phải chịu đựng chấn thương cổ tay thứ 2 trong 3 mùa giải liên tiếp và bị buộc phải dừng chân tại giải Pháp mở rộng sau vòng đấu thứ 2, chiến thắng thứ 10 của Nadal ở Roland Garrros vào tháng 6 đặc biệt ngọt ngào. Đó là danh hiệu Grand Slam đầu tiên của anh kể từ giải Pháp năm 2014.
Sau khi phải chống chọi với chấn thương đầu gối đã theo anh suốt sự nghiệp và thua cuộc ở vòng 4 giải Wimbledon, Nadal đã vào đến vòng tứ kết ở Cincinnati 2 tuần trước chuỗi thành tích thi đấu xuất sắc tại giải Mỹ mở rộng và giành lại hạng nhất lần đầu tiên trong suốt hơn 3 năm.
Và cũng đừng quên việc nhen nhóm lại cuộc cạnh tranh với kình địch lớn của anh trong mọi thời đại Roger Federer, người đã vô địch 2 giải Grand Slam mà Nadal không giành được.
Nhưng điều khiến mùa giải này trở nên có ý nghĩa hơn nữa là việc mặc dù Nadal hứa sẽ tiếp tục thi đấu chừng nào cơ thể anh cho phép, nhưng người quan trọng nhất trong êkip của anh đã tuyên bố vào đầu mùa giải này rằng đây sẽ là mùa giải cuối cùng của anh.
Toni Nadal, chú của Rafael Nadal, một cựu tay vợt chuyên nghiệp, đã ở bên cháu trai mình kể từ khi ông đưa cây vợt vào tay Nadal khi đó mới ở tuổi lên 3, huấn luyện cho anh vượt qua giải trẻ cho tới các giải ATP. Chú Toni gợi ý rằng cháu trai nên học cách chơi bằng tay trái, dù Nadal không phải người thuận tay trái, và Rafa đã duy trì cách chơi đó.
Nadal sẽ trở thành người như thế nào nếu không có chú Toni ở bên cạnh trong suốt 28 năm qua là điều không thể tưởng tượng được. Khi những người đồng trang lứa với Rafa chứng kiến hết huấn luyện viên này đến huấn luyện viên khác đến rồi đi, chú Toni vẫn luôn hiện diện trong êkip của Rafael cho tới bây giờ.
Vào tháng 2, Toni Nadal cho biết ông sẽ thôi làm huấn luyện viên cho cháu trai vào cuối mùa giải để trông nom Học viện Rafa Nadal ở Manacor, Tây Ban Nha, huấn luyện cho thế hệ sau và dành thời gian nhiều hơn cho vợ con. “Điều đó sẽ rất tốt cho học viện, và sẽ rất tốt cho lũ trẻ,” Toni Nadal, 57 tuổi, chia sẻ.
Đặt chân tới New York, hai chú cháu nhà Nadal biết rằng đây sẽ là giải Mỹ mở rộng cuối cùng của họ cùng với nhau, giải Grand Slam cuối cùng mà Rafa có thể hướng mắt lên chỗ ngồi của huấn luyện viên trong một trận đấu và nhìn thấy bóng dáng quen thuộc của người đàn ông đã dạy anh cách cầm vợt chơi bóng.
"Có lẽ không có chú ấy tôi sẽ không bao giờ chơi quần vợt, và thật tuyệt khi tôi có một người như chú ấy để luôn thúc đẩy tôi,” Nadal chia sẻ.
"Tôi nghĩ vì chú ấy mạnh mẽ và có động lực lớn để luyện tập cùng tôi từ khi tôi còn là một đứa trẻ, tôi đã có thể vượt qua tất cả những vấn đề tôi từng có trong sự nghiệp của mình khi nói tới các chấn thương. Điều đó khiến tôi mạnh mẽ hơn, và tôi chỉ có thể nói cảm ơn chú ấy rất nhiều, bởi chắc chắn chú là một trong những người quan trọng nhất trong cuộc đời tôi."