Từ nay tới năm 2020, loài người phải tìm mọi cách hạn chế lượng khí thải carbon, điều chỉnh biểu đồ khí thải diễn biến theo chiều đi xuống thì mới có thể đạt mục tiêu kìm chế tăng nhiệt ở mức 2 độ C đặt ra trong Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu được ký kết năm 2015.
Theo phân tích đăng tải trên Tạp chí Khoa học Tự nhiên, trên thực tế, các dự án sử dụng năng lượng sạch thay cho năng lượng hóa thạch (than đá) đang được triển khai khá thành công với sự hậu thuẫn của ý thức hệ ngày càng lan rộng về vai trò của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Hai năm vừa qua cũng chứng kiến một sự thay đổi đáng kể khi lượng carbon thải ra môi trường đã giảm 41 tỷ tấn/năm. Song các tác giả khẳng định tốc độ giảm này là chưa đủ để cứu thế giới. Với tốc độ này, chỉ một hoặc hai thập kỷ nữa là lượng khí thải carbon toàn cầu sẽ chạm ngưỡng cho phép để giới hạn mức nhiệt tăng ở 2 độ C.
[60% lượng băng bị mất ở Bắc Cực là do tác động của con người]
Cựu Chủ tịch Ủy ban Khí hậu Liên hợp quốc Christiana Figueres, một trong ba nhà khoa học khí hậu hàng đầu thế giới, và hai chuyên gia uy tín khác trong lĩnh vực kinh doanh, tác giả của bài phân tích đã kêu gọi lãnh đạo các nền kinh tế tham gia Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Hamburg (Đức) vào ngày 7-8/7 tới, sẽ đưa năm 2020 là "hạn chót" để các quốc gia có những hành động cụ thể nhằm hiện thực hóa mục tiêu kìm chế mức nhiệt tăng.
Muốn hạn chế mức nhiệt tăng ở 2 độ C vào cuối thế kỷ thì trước năm 2020, thế giới phải đạt được các cột mốc quan trọng. Cụ thể, các nước phải hoàn thành mục tiêu năng lượng sạch cung cấp 30% lượng điện tiêu thụ toàn cầu và nghiêm cấm hoàn toàn việc thành lập thêm các nhà máy điện sử dụng than đá sau năm 2020. Nâng mức tiêu thụ xe điện từ 1% lượng xe bán ra tại thời điểm hiện tại lên 15% vào năm 2020.
Các phương tiện giao thông trọng tải lớn phải cải thiện 20% khả năng tiêu thụ nhiên liệu hiệu quả trong khi ngành hàng không (đang góp 2% vào tổng lượng khí thải toàn cầu) phải cắt giảm 20% lượng khí thải/1km dịch chuyển so với hiện tại. Lượng khí thải từ hoạt động phá rừng và canh tác nông nghiệp cũng phải giảm từ mức 12% hiện tại xuống 0% trong một thập kỷ.
Bên cạnh đó, các tác giả cũng kêu gọi áp dụng các biện pháp cứng rắn để hạn chế mức xả thải carbon từ các ngành công nghiệp nặng cũng như các hoạt động xây dựng và hạ tầng. Các chính phủ cũng như các ngân hàng phải tăng mức hỗ trợ cho việc áp dụng các biện pháp cắt giảm khí thải lên gấp 10 lần so với mức 81 tỷ USD hiện tại.
Cho tới nay khi nhiệt độ Trái Đất mới ấm lên 1 độ C, những dải băng ở hai cực đã tan với tốc độ ngày càng nhanh hơn, những dải băng này nếu tan hết có thể khiến mực nước biển dâng lên hàng chục mét. Cùng với đó là những rạn san hô chết dần khi nhiệt độ nước biển tăng theo nhiệt độ Trái Đất trong khi các cộng đồng ven biển phải đối mặt với ngày càng nhiều các cơn bão có sức tàn phá nặng nề. Nếu mức nhiệt tăng vượt ngưỡng 2 độ C thì viễn cảnh sẽ còn tồi tệ hơn rất nhiều lần./.