27/7: Thắp nén tâm nhang cho ngày giỗ chung của những người nằm xuống

Mỗi cái tên liệt sỹ hy sinh nối dài thêm vinh quang cho đất nước, cũng nối dài thêm nỗi đau mất người thân của hàng vạn gia đình liệt sỹ và không biết từ khi nào họ đều có chung một ngày giỗ vào 27/7.
27/7: Thắp nén tâm nhang cho ngày giỗ chung của những người nằm xuống ảnh 1Ông Nguyễn Hữu Luyên cùng con trai ôn lại truyền thống vẻ vang của các liệt sỹ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng trong gia đình. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Có một lễ giỗ được duy trì suốt hàng chục năm qua mỗi khi tháng 7 về tại hàng nghìn gia đình, đó là giỗ liệt sĩ được tổ chức vào dịp kỷ niệm ngày Thương binh-Liệt sỹ (27/7) hàng năm.

Đã trở thành lệ, sáng 27/7, ông Nguyễn Hữu Luyên (76 tuổi) tại thôn Cổ Điển, xã Hải Bối, huyện Đông Anh, Hà Nội chuẩn bị mâm cơm cùng hoa quả đặt trong gian thờ ba liệt sĩ và một Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Ông Luyên lặng lẽ thắp hương, cầu nguyện cho người đã khuất yên nghỉ.

Ông Luyên có bố (Liệt sỹ Nguyễn Văn Luyện, hy sinh năm 1951) và hai chú (Liệt sỹ Nguyễn Hữu Miên, hy sinh năm 1949 và Liệt sỹ Nguyễn Hữu Ty, hy sinh năm 1950) đều là các liệt sỹ đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Bà nội của ông Luyên là cụ Nguyễn Thị Loe được Nhà nước vinh danh “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” vì có ba người con trai đều hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Đất nước hòa bình cũng là lúc, cụ Lê Thị Ứng, người con dâu trưởng của cụ Nguyễn Thị Loe chọn ngày 27/7 để làm giỗ chung cho chồng và 2 người em trai của chồng đã hy sinh. Từ đó, ngày giỗ liệt sỹ đã trở thành truyền thống của gia đình.

"Với gia đình tôi,  27/7 là ngày quan trọng, ngoài ngày giỗ riêng của từng người thân hy sinh thì đây là ngày giỗ chung, tưởng nhớ người đã khuất, nhắc nhở con cháu biết ơn các anh hùng liệt sỹ", ông Luyên nói.

[Tri ân những người con ưu tú của dân tộc và gia đình các liệt sỹ]

Hai chú của ông Luyên đều là liệt sỹ hy sinh khi còn chưa kịp lập gia đình nên ngoài việc lo giỗ cho bố, gia đình ông Luyên cũng hương khói và làm giỗ hàng năm cho hai chú. Dòng họ Nguyễn Hữu của ông Luyên có tới 2 bà mẹ Việt Nam Anh hùng (Mẹ và con gái thứ hai đều là Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng) và 6 liệt sỹ. Ngày giỗ liệt sỹ không của riêng gia đình ông mà còn là ngày tưởng nhớ, tri ân chung của cả dòng họ.

“Lễ giỗ liệt sỹ đã được duy trì hàng chục năm và trở thành một truyền thống của gia đình. Sau này già yếu, tôi sẽ dặn con cháu tiếp nối truyền thống cúng vào ngày 27/7", ông Luyên chia sẻ.

27/7: Thắp nén tâm nhang cho ngày giỗ chung của những người nằm xuống ảnh 2Gia đình ông Luyên tổ chức làm lễ giỗ liệt sỹ. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Nhớ lại những ngày giỗ khi cụ Lê Thị Ứng còn sống, ông Luyên kể: “Có chồng và 2 em trai của chồng hy sinh trong kháng chiến chống Pháp và phải hơn 60 năm sau ngày hy sinh, hài cốt của chồng và 2 em của cụ Ứng mới được tìm thấy và đưa về nghĩa trang của xã Hải Bối. Trong những năm tháng đằng đẵng nỗi nhớ khắc khoải, chờ mong của cụ và gia đình, mỗi năm vào ngày 27/7, cụ Ứng làm giỗ cho chồng và 2 em trai của chồng để phần nào nguôi ngoai nỗi nhớ.”

Năm 2012, gia đình ông Luyên đã đưa được cả ba liệt sỹ về Nghĩa trang liệt sỹ xã Hải Bối, cụ Ứng và cả gia đình đón các liệt sỹ trong niềm xúc động không tả xiết. Chỉ một năm sau ngày trở về của ba liệt sỹ, cụ Ứng đã qua đời.

Anh Nguyễn Hữu Vui là con trai ông Luyên. Anh là người cháu đích tôn của gia đình và của cành II, chi II, họ Nguyễn Hữu thôn Cổ Điển đã quá quen thuộc với truyền thống giỗ liệt sỹ của gia đình. Sự hy sinh của các bậc ông cha là sự đau xót nhưng cũng là niềm vinh dự, tự hào của gia đình, là động lực để anh Vui noi theo tấm gương, phát huy giữ gìn truyền thống cách mạng trong gia đình.

27/7: Thắp nén tâm nhang cho ngày giỗ chung của những người nằm xuống ảnh 3Anh Nguyễn Hữu Vui dọn dẹp khu vực treo Bằng Tổ quốc ghi công của gia đình trog ngày giỗ. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

“Ngay từ nhỏ, thông qua các buổi giỗ liệt sỹ, anh em thế hệ thứ 6 thuộc cành II, chi II, họ Nguyễn Hữu thôn Cổ Điển luôn được các cụ, các ông bà dạy bảo phải cố gắng giữ gìn phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn để nhớ về những người đã hy sinh vì Tổ quốc. Thế hệ anh em chúng tôi luôn nhắc nhở nhau phải thực hiện lời dạy của các cụ, các ông, các bà và luôn lấy tinh thần đoàn kết, cùng nhau cố gắng phát huy truyền thống của gia đình, dòng tộc” anh Vui chia sẻ.

Gia đình ông Luyên chỉ là một trong rất nhiều gia đình liệt sỹ trong thôn Cổ Điển. Tri ân đối với các anh hùng liệt sỹ, thôn Cổ Điển đã kêu gọi xã hội hóa xây dựng Nhà bia ghi danh liệt sỹ để tỏ lòng tôn kính những người đã vĩnh viễn nằm xuống vì nền độc lập, tự do của dân tộc, được Tổ quốc ghi công.

Nhà bia ghi danh liệt sỹ đã góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, khơi dậy lòng yêu nước, ra sức rèn luyện phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ trên mọi lĩnh vực công tác, học tập, lao động và sản xuất, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Cứ 27/7 hàng năm, bằng tấm lòng tri ân những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc, mỗi người, mỗi nhà, tùy theo điều kiện kinh tế gia đình đóng góp tiền của, công sức hoặc các loại sản vật sẵn có tại địa phương như hoa quả, xôi, bánh... mang đến Nhà bia dâng cúng các anh hùng liệt sĩ với lòng tôn kính.

Những hình ảnh cảm động nhất là có mẹ tuy tuổi đã cao nhưng vẫn cố gắng bước lên tượng đài, chạm tay vào đó mong tìm đúng tên đứa con thân yêu của mình đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, rồi mắt rưng rưng ngấn lệ.

Nhiều hộ gia đình có hoặc không có thân nhân là liệt sỹ cũng đều nhiệt tình tham gia tổ chức lễ giỗ liệt sỹ vào dịp kỷ niệm 27/7 hàng năm, sự kiện này dần đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống đáng phát huy.

Ông Nguyễn Hữu Huy, Phó Bí thư chi bộ, Trưởng thôn thôn Cổ Điển, xã Hải Bối, huyện Đông Anh, Hà Nội cho biết: “Ngày 27/7 trở thành ngày giỗ liệt sỹ, là truyền thống được người dân thực hiện hàng chục năm nay. Với người dân ở đây, ngoài tưởng nhớ những người đã ngã xuống vì Tổ quốc còn là dịp để nhắc nhở con cháu về truyền thống hào hùng, quý báu của ông cha để lại”.

Theo ông Nguyễn Hữu Huy, thôn Cổ Điển có 69 liệt sỹ hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Đặc biệt, thôn Cổ Điển là địa phương có nhiều liệt sỹ hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp từ hơn 70 năm trước, có những liệt sỹ hy sinh nhưng không biết ngày tháng, có người không biết hài cốt ở đâu, thời gian quá xa khiến việc đưa hài cốt về còn nhiều khó khăn. Thế nên ngoài ngày 27/7, thôn Cổ Điển còn có một ngày giỗ trận tổ chức vào 15/8 Âm lịch hàng năm để tưởng nhớ những liệt sỹ đã hy sinh trong kháng chiến chống Pháp.

27/7: Thắp nén tâm nhang cho ngày giỗ chung của những người nằm xuống ảnh 4Thắp hưởng tưởng nhớ tại nhà bia tưởng niệm liệt sỹ của thôn Cổ Điển. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Ngày 27/7 hàng năm đã trở thành ngày giỗ liệt sĩ không chỉ ở thôn Cổ Điển mà còn ở rất nhiều địa phương trên mọi miền Tổ quốc. Kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sỹ 27/7 hàng năm là dịp thể hiện lòng biết ơn đối với những người đã hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc và thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa ở địa phương. Từ những buổi giỗ liệt sỹ nhỏ của từng gia định cho tới tổ chức tại các nhà bia tưởng niệm, nghĩa trang liệt sỹ dần dần trở thành nề nếp, truyền thống tốt đẹp của nhiều gia đình, địa phương, vừa để tưởng nhớ đến các liệt sỹ, vừa giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Cứ tháng Bảy hằng năm, hàng vạn người thân, đồng đội, chính quyền, người dân địa phương đều tổ chức đến thăm viếng các liệt sỹ đã anh dũng ngã xuống vì Tổ quốc tại các nghĩa trang trên khắp cả nước. Trên tấm bia khắc nhiều cái tên, mỗi một cái tên được viết lên là một người đã nằm xuống. Mỗi cái tên nối dài thêm vinh quang cho đất nước, cũng nối dài thêm nỗi đau mất người thân của hàng vạn gia đình liệt sỹ … mà không biết từ khi nào, họ đã có chung một ngày giỗ, được tổ chức hàng năm vào 27/7./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục